
Tô màu cho bộ ba ông Táo sinh động hơn
Dọc theo con đường Huỳnh Thúc Kháng về Phố cổ Bao Vinh, tới làng Địa Linh thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế vào những ngày tháng chạp, xóm làng vui nhộn, tấp nập mọi người đang vội vã làm đất, phơi nắng, tô màu để sớm hoàn thiện những “mẽ” bộ ba ông táo, kịp phục vụ để người dân tiễn ông Táo về trời.
Trong quan niệm của người Việt, dù nhà khá giả hay nghèo khó, đến 23 tháng Chạp hằng năm đều làm lễ nhỏ, lớn tùy hoàn cảnh gia đình, cúng đưa ông Táo về trời. Những gia đình kinh doanh, mua bán thường lễ cúng linh đình, cỗ bàn thịnh soạn. Hầu hết gia đình đều sắm sửa một mâm cúng ông Táo. Người Huế thường làm một dĩa xôi trắng, miếng thịt nọng heo luộc, ít hoa quả.

Lò nung cho sản phẩm bộ ba ông Táo

Sản phẩm bộ ba ông Táo được hoàn thành
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, phong tục tập quán lâu đời của người Huế là coi trọng giá trị phong thủy của cái bếp, không kém bàn thờ tổ tiên và cái cửa ngõ. Cả ba yếu tố này tốt đẹp, tổng hợp lại sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn, hạnh phúc cho gia đình.
Công đoạn làm ra bộ ba ông Táo cũng rất công phu, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn chịu khó. Mặc dù chỉ làm vào đầu tháng chạp nhưng đất để làm ông Táo phải chuẩn bị từ hè. Đất được lấy từ các vùng có đất đẹp về để dành đó, khi bắt tay vào làm thì bơm nước vào để cho đất nhảo, xén đất, nhồi cho mịn ra, lấy sỏi, đá còn ở trong đất vứt đi không thì khi nung sẽ nứt mất sản phẩm. Sau công đoạn nhồi đất là tới giai đoạn in, đất được đưa vào khuôn, ép ra thành từng mảng nhỏ, đưa ra phơi nắng rồi mới đem vào lò nung.
Việc nung đất thì bắt buộc những người nung phải dày dặn kinh nghiệm mới làm tốt việc này. Lửa để nung không được to quá cũng không được nhỏ quá, lửa phải vừa thì đất mới chin đều được. Một lần nung phải mất một ngày một đêm, nung xong để nguội hai ngày rồi mới bắt đầu vẽ thành sản phẩm hoàn thiện.

Bác Đức đang xén đất để cho ra đời bộ ba ông Táo đẹp hơn
Nghề làm ông Táo bữa nay cũng rất ít người làm nhất là những người trẻ tuổi. Bác Lê Văn Đức năm nay 61 tuổi là một người nhiều kinh nghiệm chia sẻ: “Nghề này nói khó thì cũng không khó, dễ cũng không dễ, nhưng làm được sản phẩm hoàn thiện đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn. Nhìn những sáp trẻ ngày nay chạy theo kinh tế thị trường, không ai chú trọng nghề này nữa, tôi sợ sau này rồi thất truyền mai một dần”.
Những trăn trở suy nghĩ của bác Đức cũng là lẽ đương nhiên vì nghề này chỉ làm vào những ngày tháng chạp, còn những ngày kia thì mọi người phải làm những công việc khác để lo cho gia đình. Nhưng phải làm sao đó để nghề này không bị mai một và thất lạc thì đó mới là điều đáng quan tâm.