Lãng du đầu xuân lên địa đầu cực bắc Tổ quốc: Đèo Mã Pì Lèng - “Đệ nhất hùng quan” (Bài 2)

24/02/2016 14:51

Theo dõi trên

Những đèo Hải Vân (duyên hải Miền Trung), Pha Đin (Sơn La đi Điện Biên), Khau Phạ (Yên Bái), Ô Quý Hồ (Sa Pa – Lào Cai đi Lai Châu) mà chúng tôi đã từng đi qua chưa thấm vào đâu so với đèo Mã Pì Lèng cheo leo trên vách đá tai mèo, được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan của Hà Giang”.

 
Nắng xuân trên Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang
 
Đèo Mã Pì Lèng (còn có âm đọc là Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mã Pì Lèng) nằm trên con đường Hạnh Phúc dài 200 Km từ TP Hà Giang đi Mèo Vạc. Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc  làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm để làm trong 11 tháng.

Đèo Mã Pí Lèng dài 24 km từ thị trấn Đồng Văn đi Mèo Vạc, ở độ cao 2000m so với mực nước biển là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Bất cứ ai đặt chân đến cũng phải choáng ngợp trước những điều kỳ vỹ, vượt quá sức tưởng tượng của con người. Bởi làm nên con đường đèo uốn lượn ngoằn ngoèo như một dải lụa mong manh vắt ngang trên sườn núi đá là do công sức của hàng vạn con người tạo ra bằng lao động thủ công từ cách nay hơn nửa thế kỷ. 14 thanh niên xung phong đã nằm lại tại nơi này.

Được biết, Mã Pì Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “Sống mũi ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.

Các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang vào trước năm 1960 tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi những dãy núi cao hùng vĩ án ngữ. Ở đó, có hơn 8 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số chìm trong đói nghèo, lạc hậu và chưa từng biết đến một con đường đúng nghĩa.
 
Để đem ánh sáng văn minh đến với những con người phía sau cổng trời, Trung ương Đảng, Khu uỷ Việt Bắc lúc đó quyết định mở đường Hạnh Phúc này.
 
Có thể nói, Mã Pì Lèng là một đỉnh cao đáng để chinh phục không chỉ vì sự hiểm trở vô song mà còn vì công sức con người mở đường lên cao nguyên đá cũng là không gì sánh nổi. Còn nhớ, trong tùy bút “Mỏm Lũng Cú tột Bắc” về quá trình mở đèo Mã Pì Lèng, Nguyễn Tuân đã viết: “Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc 24 cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pì Lèng thì phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại.”
 
Thế hệ trước đã mất 6 năm để làm con đường Hạnh Phúc, mất 11 tháng căng mình đục đá để tạo hơn 20 km đường, vượt qua dốc Mã Pì Lèng. Nhưng nay chúng tôi đi ô tô chỉ mất 1 ngày và 1 giờ để đi qua… Cảm xúc dâng trào thảng thốt vì vẻ đẹp hung vĩ, huyền bí của con đèo nối liền hai huyện  biên giới Đồng Văn và Mèo Vạc. Gió, nắng, mây mù, một vùng sơn cước hoang sơ như thuở khai thiên lập địa.
 
Để đến được đèo Mã Pì Lèng, một điểm du lịch nổi tiếng, một trong 11 hùng quan của Hà Giang, chúng tôi phải vượt qua cung những đường, những khúc cua vô cùng hiểm trở, mà cánh tài xế và dân phượt dám đi bằng xe máy phân khối lớn đều cho rằng “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (Chưa đến đèo Mã Pì Lèng chưa phải là phượt thủ bậc thầy). Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là đứng đầu bảng trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc (đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin).
 
Từ trên cao nhìn xuống hun hút thung sâu là dòng Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc. Dòng sông Nho Quế nằm vắt dưới lòng khe núi, phía xa đầu nguồn hút vào sương mù vô tận rồi lẫn trong biển sương mênh mông. Có những thớt núi như bị chặt vát xuống thành một mặt phẳng dựng đứng  với những hình thù kỳ thú. Đèo cao, vực sâu. Đứng ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng, con người cảm thấy quá bé nhỏ so với thiên nhiên hùng vĩ.
 
Trong chuyến lãng du đầu xuân Bính Thân của chúng tôi tới Mã Pì Lèng sau đợt rét đậm, rét hại, trời ấm dần lên, nắng xuân dịu dàng xua tan sương mù che lấp những ngôi nhà, những chòm bản lộ ra như những con tem dán trên lưng chừng vách núi đá tai mèo xàm xịt, sừng sững và vô tận.  Thật vô cùng cảm phục  người dân cao nguyên đá chứng tỏ sức sống kỳ lạ của mình trên vùng địa đầu, cực bắc Tổ quốc, đẹp như những bức ảnh được chụp trên con đèo Mã Pì Lèng kỳ vĩ bậc nhất Việt Nam.
 
Họa sĩ Đỗ Đức từng cảm tác mấy câu thơ khi lần đầu qua Mã Pì Lèng:
 
“… Núi chạy trùng trùng voi sáp trận
 
Đường vắt ngang trời như song mây
 
Núi sập thung sâu, dòng sông lượn
 
Ngô nghiêng thớt núi gió chiều lay
 
Ngửa mặt ngóng lên trời cao vút
 
Leo tới đỉnh cao sương quấn chân
 
Biên viễn gập ghềnh đèo với dốc
 
Một ngày có nắng chín ngày thâm”.

Bài 3: Đầu xuân thăm phố cổ Đồng Văn

 
Vũ Xuân Bân

Bạn đang đọc bài viết "Lãng du đầu xuân lên địa đầu cực bắc Tổ quốc: Đèo Mã Pì Lèng - “Đệ nhất hùng quan” (Bài 2)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.