Chưa lâu sau những sai phạm nghiêm trọng trong việc tự ý phá dỡ di tích cấp quốc gia chùa Trăm Gian gần 1.000 năm tuổi để xây mới, thì gần đây những người yêu di sản lại một lần nữa bất ngờ khi phát hiện hai xưởng gỗ lớn đang ngang nhiên tồn tại trong khuôn viên di tích này. Ngôi chùa cổ, linh thiêng vốn yên ắng, thanh tịnh là vậy nay ngổn ngang như một công trường lớn.

Theo giải thích của nhà chùa, xưởng gỗ ban đầu được hình thành để phục vụ việc tu sửa chùa, song cho đến thời điểm này việc tu sửa đã hoàn tất và đã bàn giao cho nhà chùa quản lý, vì thế việc tồn tại xưởng gỗ ở nơi này là không hợp lý. Ngày 10/9/2015, một đoàn kiểm tra là đại diện Ban quản lý di tích của xã đã trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở và lập biên bản yêu cầu chùa phải di dời hai xưởng gỗ này. Trong văn bản được lập, phía nhà chùa, sư thầy Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa Trăm Gian cho rằng xưởng gỗ hoạt động nhằm đóng bàn ghế, cửa, tủ phục vụ chùa Trăm Gian và tu bổ nhà Tổ chùa Cả, xã Quảng Bi, huyện Chương Mỹ. Song Ban quản lý di tích đã yêu cầu chùa Trăm Gian khẩn trương tháo dỡ, di dời toàn bộ khối lượng gỗ đã tập kết và khu nhà xưởng, khung thép, mái tôn ra khỏi khu vực chùa Trăm Gian để đảm bảo cảnh quan khu di tích.
Tuy nhiên, việc di dời hai xưởng gỗ tại di tích vẫn không được tiến hành. Ngày 22/9/2015, BQL Di tích danh thắng (Sở VH&TT Hà Nội) phối hợp với Phòng VH-TT huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương tiến hành kiểm tra hiện trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Trăm Gian trên địa bàn xã Tiên Phương (Chương Mỹ) và phát hiện ra một số vi phạm mới. Cụ thể, phía cổng phụ vào chùa có tổ hợp nhà xưởng tạm bợ chứa các cấu kiện gỗ đang sơ chế gây ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan di tích. Bên trong, một số vị trí của di tích bị cấy ghép các mái vẩy bằng tôn, vừa ảnh hưởng tới di tích, vừa mất mỹ quan. Tại hạng mục vườn tháp và nhà Ni được tiến hành tu sửa cấp thiết, BQL Di tích danh thắng cũng phát hiện ra một số chi tiết chưa đúng với nội dung thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền… Sau kiểm tra, Sở VH&TT Hà Nội đã có văn bản số 29/SVHTT-QLDT đề nghị UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã Tiên Phương và người trụ trì khẩn trương tháo dỡ, tổ chức di chuyển toàn bộ nhà xưởng và các cấu kiện gỗ sơ chế ra ngoài khu vực di tích, tổng vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường cho di tích trong tháng 9/2015; có kế hoạch tôn tạo, chỉnh trang, bóc bỏ các kiến trúc cấy ghép, mái che, mái vẩy tại di tích; bố cục lại các hạng mục phụ trợ; rà soát các nội dung tu sửa theo hồ sơ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng tại văn bản này, Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý tại di tích, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn nhà chùa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, trông nom, giữ gìn di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

Hứa… khắc phục
Giải thích về việc tu sửa chưa đúng với thỏa thuận, sư thầy Thích Đàm Khoa cho biết: Chùa Trăm Gian rất đông du khách thập phương về vãn cảnh, lễ chùa nên nhà chùa mở rộng và “làm đẹp” nhà Ni để khách có nơi nghỉ ngơi tốt hơn. Khi hạ giải, các cấu kiện của mái nhà Ni hỏng nhiều, tường bị mủn, nhà chùa không còn cách nào khác là phải thay thế để bảo đảm an toàn cho khách. Còn vườn tháp trước đây thiếu sự cân đối do cái to, cái nhỏ nên trong đợt tu sửa này, nhà chùa xây lại 3 tháp, ốp lại một tháp cho cân đối… “Tôi thừa nhận việc tu bổ một số chi tiết không đúng thỏa thuận là lỗi do tôi, tôi sẽ nhận trách nhiệm”, sư Thích Đàm Khoa nói. Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương - Nguyễn Thị Minh cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm: “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ thay anh Tống Bá Lương (Phó Chủ tịch cũ xã Tiên Phương), tháng 7/2015, tôi đã đi thăm chùa và thấy nhà chùa tu sửa một số hạng mục. Sau những đợt khảo sát cụ thể hơn, tôi thừa nhận việc tu bổ hạng mục vườn tháp, nhà Ni có một số sai phạm, nhưng chưa kịp thời có biện pháp xử lý”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát lại các hạng mục mới tu sửa để tìm giải pháp khắc phục và báo cáo các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất. Xưởng gỗ và các yếu tố làm ảnh hưởng đến mỹ quan di tích cũng sẽ sớm được xử lý.
Một lần nữa để xảy ra những vi phạm nói trên cho thấy các cơ quan quản lý di tích, trực tiếp là các phòng chức năng của huyện Chương Mỹ và xã Tiên Phương đã buông lỏng quản lý; thực hiện chưa nghiêm việc giám sát quá trình thi công, tu sửa các hạng mục của chùa Trăm Gian dù bài học từ vụ việc tu sửa nhà Tổ, gác Khánh ở chùa Trăm Gian năm 2012 vẫn còn đó. Thêm một lần nữa cho thấy, việc bảo tồn di tích ngoài sự giám sát của các cơ quan quản lý, cũng cần nâng cao nhận thức, sự tự giác chấp hành Luật Di sản của người trực tiếp quản lý di tích.
Theo Thảo Nguyên (Làng Việt Online)