Ký ức về một thời hoa đỏ ngày xưa

26/04/2019 13:48

Theo dõi trên

Những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về ngày Giải phóng đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người lính từng tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Những câu chuyện, những hồi ức của các cựu chiến binh trong trận chiến là minh chứng sống động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ, tri ân.

Những thời khắc hào hùng

Trong hàng triệu những người con đất Việt đã dấn thân, khoác lên mình bộ quân phục màu xanh và nhận lấy danh xưng, người lính bộ đội Cụ Hồ đầy tự hào, họ là những chiến sĩ tự nguyện lấy máu mình tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, bảo vệ non sông đất nước. Ngày nay, sống trong thời bình nhưng ký ức về những thời khắc hào hùng đó luôn in dấu đậm nét trong tâm trí họ.

 


Sau chiến tranh, niềm vui của ông Ngoạn là hàng ngày ngồi kể chuyện cho con, cháu nghe những ký ức thời hoa đỏ mà ông đã trải qua

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (nguyên Cục Phó Cục Tác Chiến – Bộ tổng tham mưu) năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in từng chi tiết, từng sự kiện quan trọng trong những tháng ngày quân, dân ta chiến đấu để giành lại độc lập cho dân tộc. Theo ông, có lẽ bất cứ ai đã trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, chắc chắn không thể quên được cảm xúc về ngày 30/4/1975.

Đó là ngày mà cả dân tộc ngập tràn trong niềm hạnh phúc tột bậc vì đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Quãng thời gian ấy, chỉ cần một tin Đài tiếng nói Việt Nam thông báo quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn thì hầu như người dân nào cũng bỏ dở cả việc đang làm, chộn rộn đợi đến ngày miền Nam được giải phóng, nước nhà được thống nhất, bởi lúc đó, lòng dân cả nước khao khát thống nhất đất nước.

Cùng chung suy nghĩ và những tình cảm đó, lần giở lại bức ảnh chụp với đồng đội năm xưa, ký ức về cuộc chiến hào hùng như những thước phim quay chậm, rõ nét qua lời kể của người cựu chiến binh Đỗ Trọng Ngoạn (89 tuổi) nguyên Đại biểu Quốc hội. Ngồi trò chuyện chúng tôi được ông kể cho nghe những tháng ngày vào sinh ra tử nơi chiến trường và cuộc tình đầy lãng mạn của vợ chồng ông.

Năm 16 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1967, ông Ngoạn phải vào chiến trường Quảng Trị tăng cường cho tiền tuyến.

Nhớ lại những năm tháng ấy, ông Ngoạn như sống lại thời tuổi trẻ, giọng hào sảng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ký ức một thời hoa lửa mà thế hệ các ông đã trải qua: “Ngày đó, trong chiến trường tôi biết chữ nên được giữ chức vụ tiểu đội phó, nhận nhiệm vụ dạy văn hóa cho anh em. Hồi đó gian khổ nhưng lòng vui lắm vì đã được cống hiến công sức của mình cho đất nước. Trong những ngày chiến trường miền Nam bị địch tập kích, bộ đội ta thương vong rất nhiều”.

Trong những năm tháng ấy, đã nhiều lần người thân trong gia đình ông chết lặng người khi liên tiếp nhận được giấy báo tử cùng những bộ quần áo và chiếc ba lô sờn màu của ông được gửi từ chiến trường về cho gia đình. “Những năm đó cuộc chiến rất ác liệt, thư từ tin tức thất lạc, nhầm lẫn về sự hy sinh của tôi cũng là chuyện bình thường. Tôi nhớ mãi, năm 1969, tôi trở về nhà trong sự vỡ òa ngạc nhiên, hạnh phúc của người thân.

Ngày đó, thật bất ngờ khi vừa vào tới nhà, vợ con tôi đã hét toáng lên vì nghĩ tôi là ma. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi trong chiến trường, chính tôi đã nhiều lần tưởng mình sẽ không thể qua khỏi.

Có lần, tôi mắc bệnh sốt rét ác tính, tưởng như vô phương cứu chữa, đầu óc tôi lúc ấy vẫn vang vọng lời gọi của vợ, con và rồi tôi lại vượt qua được cơn bạo bệnh. Lại một lần khác, đơn vị bị tập kích, tôi ngất đi, khi tỉnh lại thấy mình đang nằm bên sông, miệng ngậm cỏ, xung quanh đầy xác người, cả ta lẫn địch”, ông Ngoạn bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian nan chiến đấu nơi chiến trường.

Theo ông Ngoạn, ngày ông trở về, cả gia đình được đoàn tụ, dân làng đến chúc mừng cho sự trở về bình an của ông và sự kỳ diệu như câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà suốt hơn 23 năm bà Nguyễn Thị Thất (vợ ông) dù đã 4 lần nhận giấy báo tử của chồng nhưng bà vẫn một mực chờ ngày chồng trở về.

Đó là một câu chuyện với một kết thúc có hậu mà người ta thường chỉ thấy trên phim ảnh, những thứ tình cảm đã gắn kết họ qua biết bao thăng trầm của thời thế ấy vốn không thể nói được bằng lời. Sau những ngày trở về từ chiến trường, ông Ngoạn tiếp tục tham gia các công tác khác nhau ở địa phương và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, ông luôn đứng về phía bảo vệ quyền lợi của người dân nên được nhiều người tin yêu, quý mến.

Mãi là niềm tự hào của dân tộc

Ngày nay, khi đất nước thống nhất, năm nào cũng vậy cứ đến gần ngày 30/4, ông Ngoạn lại cùng đồng đội quây quần bên nhau ôn lại những kỷ niệm năm xưa. Bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại những ngày ấy, trong ký ức của ông lại hiện về với bao cảm xúc, tuy rằng cuộc chiến đấu gian truân, vất vả nhưng với ông đó là niềm vinh dự, tự hào lớn cho bản thân ông và những đồng đội.

“Đất nước đã hòa bình, vào dịp này, tôi và các đồng đội được nhìn lại những năm tháng đã đi qua để bước tiếp chặng đường sắp tới. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là sức mạnh không phải chỉ của một con người mà là sức mạnh của toàn dân tộc. Chúng tôi tự hào về quá khứ, đó là những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng cả dân tộc đã đồng lòng vượt qua, chiến thắng kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới để cảm nhận giá trị của hòa bình, của độc lập tự do”, ông Ngoạn chia sẻ với lòng đầy tự hào.

Đã 44 năm trôi qua, hòa chung trong niềm vui chiến thắng năm xưa, cùng với những ký ức nhớ thương đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường, ông Dương Tự Minh (84 tuổi) hiện đang làm Phó ban liên lạc nhà tù Hỏa Lò lại thấy lòng trào dâng những cảm xúc khó tả. Mỗi năm, cứ đến những ngày kỷ niệm này, ông thấy mình đã sống một cuộc sống rất dài, rất phong phú, trải qua bao biến chuyển của đất nước từ một nước nô lệ trở thành nước độc lập tự do, thống nhất, những kỷ niệm năm tháng ấy ông luôn ghi nhớ mãi không quên.

“Trước đó, trong suốt quá trình chiến đấu, người dân ai cũng theo dõi bước tiến của quân ta, ai cũng quan tâm quân ta tiến đến đâu, bao vây địch thế nào, cho tới giây phút Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, khi ấy thắng lợi lên đỉnh điểm của sự phấn khởi. Ngày chiến thắng hôm đó, mọi người đổ xô về Hồ Hoàn Kiếm rất đông, ai cũng vui vẻ, dù quen hay không quen, gặp nhau họ đều tay bắt mặt mừng, vui sướng trò chuyện, đó như là một sự đổi đời của mọi người dân”, ông Minh kể lại khoảnh khắc đáng nhớ, niềm vui của người dân trong ngày chiến thắng.

Chẳng riêng ông Ninh, ông Ngoạn hay ông Minh mà còn rất nhiều cựu chiến binh đã từng được sống trong thời khắc lịch sử đó mà chúng tôi chưa có dịp được gặp nhưng chắc chắn rằng khi nhắc lại về một thời lịch sử oai hùng, họ cũng đều chung niềm cảm xúc tự hào.

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 là chiến thắng của trí tuệ và sáng tạo của toàn dân tộc ta, đó là chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân chính nghĩa, thể hiện rõ bản lĩnh trí tuệ và sức mạnh của quân, dân Việt Nam. Đã 44 năm trôi qua, chúng ta càng thấy tự hào về ý nghĩa lịch sử của Ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm ấy. Để viết nên trang sử vẻ vang đó, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương, bao lớp người đi trước đã ngã xuống, nhiều người trở về đã chẳng còn lành lặn.

Hoa Nguyễn
Theo laodongthudo.vn

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức về một thời hoa đỏ ngày xưa" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.