Kỷ niệm lần thứ 78 Ngày truyền thống của TTXVN (15/9/1945 - 15/9/2023): Nhớ thương người thầy, người anh - Cố Tổng Giám đốc Đào Tùng

11/09/2023 14:31

Theo dõi trên

Hôm nay, ngày giỗ anh. Anh an giấc ngàn thu nơi đất ấm quê nhà. Tuổi già sức yếu, không về thắp nhang tưởng niệm anh được; Em dậy sớm, thắp nén hương lòng thương nhớ anh.

b1attxvn-1694399618-1694417390.jpg
Cố Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng

“Thức khuya mới biết đêm dài “ Anh ơi ! Hơn 30 năm trời anh đi xa, em vẫn nhớ anh, nhất là vào ngày giỗ. Một sự trùng hợp rất tâm linh. Anh rời cõi tạm về với tổ tiên đúng vào ngày truyền thống của cơ quan ta - TTXVN, gia đình thứ hai của anh. Cả đời người, anh lao tâm khổ tứ xây dựng cơ nghiệp và gìn giữ thanh danh cho ngôi nhà Thông tấn (trừ một thời gian anh đi học Liên Xô, công tác ở Văn phòng Trung Ương Đảng). Có thể nói, sau hai anh Trần Kim Xuyến, Hoàng Tuấn; Anh là người công lao, tâm huyết nhất trong ngành ta, ví như 3 trụ móng của lâu Đài TTXVN. Anh, người lãnh đạo TTXVN thâm niên nhất, từ 1965 - 1990.

Tôi thân quý anh, để lại trong tâm những kỷ niệm sâu sắc về anh; bởi anh với ông anh tôi (liệt sĩ), thuộc lớp cán bộ cùng hoạt động trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám trên đất Hà - Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang). Hai anh thân thiết nhau.

"Sống để bụng chết mang đi". Có những điều muốn nói mà không thể nói ra… Tôi ở 11 Trần Hưng Đạo rất gần Bệnh viện Hữu Nghị, những ngày cuối đời, trên giường bệnh trọng, tôi có điều kiện ngày đêm vào viện thăm anh, gần gũi Anh hơn, thấu hiểu nỗi niềm anh…

Tôi tâm đắc và chia sẻ những điều các anh Trương Đức Anh, Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng cùng một số bài viết về anh.

Anh để lại trong tôi dấu ấn của một cán bộ cách mạng giàu tâm huyết, trong sáng, không màng danh lợi và... không thâm (hiểm, thủ đoạn). Anh cũng là con người dễ hòa đồng, tính tình bộc trực, cả tin. Bộc trực... Ôi, nhớ mãi mấy câu nói ấn tượng của anh "Hiện tượng Khúc Nga !" ,"Cửa mở cho thằng liều!". Cả tin... theo tôi nghĩ, vừa có chút đáng yêu, vừa là nhược điểm bởi cán bộ lãnh đạo mà cả tin, gặp kẻ dưới cơ hội thì tai hại?

Cố Tổng Giám đốc Đào Tùng là người thầy, trực tiếp phụ trách lớp học (Khóa 1 đào tạo phóng viên TTXVN ) của chúng tôi ở 65 Văn Miếu.

b2dt1a-1694399759-1694417352.jpg

Ở anh, tôi thấy được 3 điều: Thứ nhất, anh là một cán bộ lãnh đạo có tác phong "xung trận“, cụ thể: Gần kết thúc cuộc Trường kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp, anh trực tiếp chỉ đạo tổ phóng viên đặc biệt, đưa tin về Hội nghị Liên hiệp đình chiến Việt - Pháp ở Trung Giã rồi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Đất nước hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế; anh đi thực tế cơ sở, công trường thủy nông lớn Bắc Hưng Hải.

Gần kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, anh dẫn đầu Đoàn quân tin ,ảnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Thứ hai, là người lãnh đạo báo chí, anh rất nhạy cảm bắt nắm cái mới và dốc lòng theo bám để biến nó thành hiện thực. Đó là World Cup Espana, đó là những tệ nạn tiêu cực trong quản lý kinh tế thời bình… Từ đó TTXVN ra đời 3 tờ báo: Tuần Tin Tức, Thể Thao - Văn Hóa, Khoa học Kỹ thuật - Kinh tế Thế giới. Có thể nói đó là 3 tờ báo thời thượng trên các sạp báo lúc bấy giờ bán chạy như tôm tươi. TTXVN có gương mặt mới, trực tiếp với quần chúng bạn đọc, thay đổi hẳn phương thức công tác phóng viên. Không khí làm việc ở cơ quan vui như Tết. Đương nhiên, chuyện này có vai trò "kề vai sát cánh "của hai Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng và Hoàng Tư Trai lúc bấy giờ.

Thứ ba, anh là một cán bộ lãnh đạo chẳng những có tâm mà có tầm nhìn xa. Anh “mê“ kỹ thuật. Từ rất sớm, anh trực tiếp lãnh đạo kỹ thuật thông tin. Đề xuất và ký duyệt ngay những Dự án đổi mới, hiện đại kỹ thuật truyền phát tin để cân đối với đổi mới nội dung tin, ảnh.

b3dt3b-1694399940-1694417467.jpg
Anh Đào Tùng kéo xe đất trên Công trường thủy nông lớn Bắc - Hưng - Hải. Ảnh: Tư liệu

Làm việc với lãnh đạo các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài anh nhận thức ngay được rằng khâu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ phóng viên, biên tập viên là cái nền để phát triển báo chí hiện đại. Còn nhớ, hồi tôi công tác ở CPC về, trên đường công tác với các phân xã, tôi nghe anh nói nhiều về vấn đề này. Anh quyết định thành lập “Viện Thông tấn", giao nhiệm vụ nặng nề ấy cho tôi và chỉ đạo tôi chuẩn bị dự thảo đề án. Hồi ấy, cũng có ý kiến phản biện cho là “bốc" , "viển vông”. Biết lắng nghe và chờ đợi. Anh khuyên tôi những gì đồng thuận thì làm trước. Cho tới nay, nhìn Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn, thú thực, tôi thấy bất cập - có phần muộn màng - khi ta nâng tầm TTXVN trở thành một Tập đoàn thông tin báo chí hiện đại tầm cỡ khu vực, quốc tế.

Tôi nhớ câu nói của Anh: TTX muốn chạy nhanh, đôi chân phải khỏe - Đội ngũ phóng viên và kỹ thuật. Càng suy ngẫm, tôi càng thấy rất chuẩn. Điều kiện tiên quyết của một Hãng thông tấn Quốc gia phát triển, hiện đại là trình độ nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật thông tin.

Anh Đào Tùng - người thầy, người anh quý mến của tôi. Những kỷ niệm vui buồn về anh!

Nguyễn Văn Trường
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm lần thứ 78 Ngày truyền thống của TTXVN (15/9/1945 - 15/9/2023): Nhớ thương người thầy, người anh - Cố Tổng Giám đốc Đào Tùng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.