Kỳ lạ ngôi làng ở miền Tây giàu lên nhờ buôn bán... phân

08/05/2015 15:43

Theo dõi trên

Nhiều chủ vựa ở chợ nổi Trà Thôn (huyện Chợ Mới, An Giang) giàu lên từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi... đó là phân bò và tro.

Có một chợ nổi mà gần như người dân miền Tây nào cũng biết tới, đó là chợ nổi ở Trà Thôn thuộc ấp Bình Quới 1, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới (An Giang). Có đến đây mới thấy được hết điều thú vị của khu chợ độc nhất Việt Nam này. Nhiều chủ vựa đã làm giàu từ những thứ tưởng như bỏ đi…



Thương cảng phân độc nhất nhìn từ trên xuống.
 
Thương cảng độc nhất
 
Gắn liền với cuộc sống ở miền Tây Nam bộ là những nét đặc trưng của miền sông nước, có những khu chợ nổi trên sông. Trong đó có những chợ nổi nổi tiếng mang đặc trưng vùng ĐBSCL như: Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Long Xuyên (An Giang) và một khu chợ nổi nằm sâu trong ấp nhỏ Bình Quới 1, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
 
Khu chợ nổi này không như các khu chợ khác của vùng ĐBSCL và cũng không có chỗ nào trên khắp Việt Nam có. Nó đặc biệt ở chỗ, khu chợ nổi này chủ yếu là kinh doanh buôn phân. Trong khi nhiều người vẫn cho rằng phân bò và tro tàn là thứ bỏ đi, một thứ bẩn thỉu không ai ưa, nhưng những người dân ở ấp Bình Quới 1 lại cho đó là “tiền”.
 
Bởi, những người nông dân “chân lấm, tay bùn” nơi đây đã biết tận dụng những thứ bỏ đi, vô tri như phân bò và tro để bán lại cho những nơi mà nhiều người dân trồng trọt không có, và chủ yếu là những nơi miền núi không có được nhiều ruộng như ở dưới vùng đồng bằng.
 
Chẳng ai biết chợ nổi này có từ bao giờ, kể cả những người dân có thâm niên buôn bán tro lâu lăm nhất cũng không rõ. Họ chỉ phỏng đoán nó xuất hiện khoảng chừng hơn 50 năm nay. “Chợ nổi này có từ lâu rồi, từ thời ông nội tôi còn và dẫn cha tôi đi theo, từ đó cha tôi cũng theo công việc buôn bán tro. Vài năm trở lại đây chúng tôi tận dụng thêm phân bò để làm giàu thêm việc kinh doanh buôn bán của mình.
 
Tôi cũng theo ba học cách trao đổi mua – bán và cũng gắn bó với nghề từ nhỏ đến giờ. Nhưng với tôi, chỉ là một tiểu thương nhỏ, ở đây có nhiều người làm giàu từ nghề này. Những người giàu nhất ở trong khu này hầu hết là những chủ vựa. Mỗi năm chủ vựa lớn có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng”, ông Lê Văn Sết cho biết. Không chỉ ông mà còn nhiều hộ gia đình trong ấp Bình Quới 1, xã Long Điền B đã từng nối nghề của cha ông để lại.
 
Đến ấp Bình Quới 1, ấn tượng ban đầu là hàng trăm chiếc ghe lớn, nhỏ nằm dọc dài 1km trên một con kênh mang tên Trà Thôn và dòng sông Ông Chưởng để cất hàng lên ghe. Phân bò và tro được người dân nơi đây bảo quản rất cẩn thận.
 
Họ che phủ bởi những tấm bạt kín, những bao tải phân bò và tro được chất đầy, chất đống ở hai bên bờ sông Ông Chưởng để luôn sẵn sàng đưa lên ghe đi bán, nhiều chủ vựa có điều kiện hơn thì họ cất hẳn những nhà chứa với mục đích chính là để tránh mưa.
 
“Phân bò và tro phải được che đậy cẩn thận, vì chúng tôi bán theo sự đong đếm chứ không bán theo trọng lượng. Nếu bán theo trọng lượng thì để mưa, phân bò và tro sẽ mất đi và chúng tôi đâu phải mất công sức, tiền bạc để xây cất bảo quản. Số tiền mà chúng tôi bỏ ra để bảo quản không hề nhỏ…”.
 
Đối với những người dân nơi đây, bỏ ra một vài triệu đồng để bảo quản cũng phải suy tính rất kỹ, bởi mỗi lần đi thu mua ở những nơi khác về mất khá nhiều công sức, tiền của. Mỗi lần thuê người làm và đi bán cho các nơi khác, lãi thu về cũng không nhiều đối với những tiểu thương nhỏ lẻ.
 
“Mỗi lần thu mua, chúng tôi phải lặn lội đi khắp các tỉnh ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên, vào Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ hoặc phải xuống tận các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Bình quân mỗi ghe nhỏ có thể chở 1000 đến 2000 giạ/ghe.
 
Còn những chủ ghe lớn thì ghe của họ lớn hơn, có thể chở được nhiều hơn, vào khoảng 5000 đến 6000 giạ/ghe và đương nhiên tiền lãi cũng nhiều hơn”, anh Trương Văn Tuấn, một chủ ghe nhỏ, cho hay.
 


 
Ngôi nhà khang trang của một chủ vựa kinh doanh buôn bán phân nhỏ.
 
Làm giàu từ kinh doanh buôn bán phân
 
Gặp gỡ những người cao tuổi với những câu chuyện kể về sự hình thành của chợ tro Trà Thôn, chúng tôi mới biết. Chợ bắt đầu hình thành khoảng những năm 80 và trở về đây càng phát triển mạnh hơn. Ban đầu chỉ có dăm ba ghe thuyền đậu và buôn bán thu mua tro tàn, nhờ kiếm ăn được và thành địa chỉ quen thuộc cho thương lái và nhân dân cả khu vực tỉnh An Giang.
 
Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, phân bò cũng là điểm nóng tại nơi đây. Họ trộn hai loại vào nhau thành một “món ăn” rất tốt cho cây. Thế nên các tỉnh lân cận chọn đây là điểm tập kết thu mua chính và mang đi những vùng khác bán lại như Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông…
 
Theo chân thương lái trên những xe thô sơ tự chế, phóng viên chúng tôi được chỉ và nghe cách họ thu gom hàng là tới tận nhà dân, những vùng nuôi nhiều bò thu mua, cứ tính toán trung bình là một con bò một tháng cho khoảng 4 bao phân, mỗi bao phân thu mua với giá dao động từ 12.000 - 16.000 đồng. Cứ thấy người ta xếp bao chất đống thì lái thương ghé vào hỏi mua, thu gom trung bình 3 tới 5 ngày sẽ được đầy ghe 12 tấn thì chở đi tiêu thụ, không phải mùa vụ thì thu mua giá rẻ về kho trữ hàng.
 
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Võ Thị Bích (40 tuổi) đang dọn dẹp và đóng bao, chị cho biết: “Nhà tôi nuôi bốn con bò, mỗi tháng tiền bán phân cũng được từ 300.000 đến 500.000 nghìn đồng, thương lái tận nhà thu mua, đắt rẻ không biết cứ bán luôn cho họ”.
 
Trên đường từ Trà Thôn về Tp.Long xuyên chúng tôi thấy hễ gia đình nào nuôi bò đều chất sẵn ít thì vài bao ở góc vườn đợi thương lái tới mua. Ghé thăm mô hình chăn nuôi của anh Lê Trọng Nhân (30 tuổi, ngụ tại ấp Long Qưới 2) đang phơi phân bò cho khô để bán cho thương lái, anh chia sẻ: “Muốn bán được thì mình phải phơi khô cho hết mùi và khi đó người ta mới mua để trồng cây, cây mới hấp thụ được phân. Nếu phân bò chưa phơi khô thì bón cho cây nóng sẽ chết cây ngay. Phân bò sau khi phơi khô, trộn lẫn tro là phân hữu cơ rất tốt. Người ta trồng rau sạch hay sử dụng phân hữu cơ này giúp cây cây tăng trưởng nhanh, đất không bị bạc màu, cho năng suất cao hơn so với bón phân hóa học.”
 
Anh Trần Văn Hậu (Phó Chủ tịch xã Long Điền B) cho biết: “Chợ tro Trà Thôn có ý nghĩa rất lớn với dân vùng này. Kinh doanh buôn bán phân giúp dân có thêm thu nhập, môi trường trong sạch, tạo công ăn việc làm cho dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Có những hộ dân từ hai bàn tay trắng nhờ đi thu mua phân và phế phẩm nông nghiệp trước kia không dùng, thì nay kinh tế khá hơn, nhà cao cửa rộng mọc san sát. Nhiều hộ giàu có nhờ biết kinh doanh buôn bán phân.”
 

Theo Người Đưa Tin

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ lạ ngôi làng ở miền Tây giàu lên nhờ buôn bán... phân" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.