Ký giả Khuông Việt với văn hóa dân tộc

25/01/2019 22:35

Theo dõi trên

Khuông Việt tên thật là Lý Vĩnh Khuông (1912-1978), quê ở Bãi Xàu, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thuở nhỏ, Lý Vĩnh Khuông sống tại quê nhà, sau lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Năm 1930, ông đậu bằng Thành chung được bố trí làm nhân viên thư viện của Phủ Thống đốc Nam Kỳ. Có thời gian ông chuyển ra làm việc ở Côn Đảo rồi lại đổi về làm việc tại Thư viện Quốc gia ở đường Lagradière (nay là Thư Viện Khoa học Xã hội, đường Lý Tự Trọng - TP.HCM).

 
Nhà báo Khuông Việt và Thẻ Nhà báo do Liên hiệp quốc cấp. Ảnh: leminhquoc.vn
 
Khuông Việt là thành viên trong Ủy ban Văn học Phan Thanh Giản của Hội đức trí thể dục Nam Kỳ (SAMIPIC), thành lập từ 1927 ở Sài Gòn. Ông là cây bút chuyên viết các bài khảo cứu lịch sử, cổ văn, du ký đăng trên Tri Tân, Thanh Nghị ở Hà Nội, Nam kỳ tuần báo và Đại Việt tạp chí trong Nam. Từ năm 1941, ông là nguời đầu tiên nghĩ ra việc thiết lập Mục lục tạp chí Nam Phong, bằng chứng là bài viết Để tra các bài trong Nam Phong, đăng tải trên Tri tân tạp chí (số 100, ra ngày 24-6-1943)...
 
Năm 1942, trong kỳ tuyển chọn Một thiên kí sự thuộc phạm vi Nam sử do tạp chí Tri tân tổ chức, với bút danh Phong Vũ, ông đoạt giải thưởng về ký sự lịch sử Một nhà ngoại giao Việt Nam, lãnh sự Nguyễn Thành Ý đăng trên Tri Tân tạp chí (số 44, ra ngày 22-4-1942). Cùng năm, Khuông Việt cũng được Hội Khuyến học Nam Kỳ trao tặng giải thưởng cho tác phẩm nghiên cứu văn học Tôn Thọ Tường do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành. Tôn Thọ Tường là cuốn sách ông viết về một nhân vật sinh ở đất Đồng Nai. Tôn Thọ Tường có tài văn chương nhưng sớm ra cộng tác với người Pháp vào những năm đầu thực dân Pháp xâm chiếm nước ta làm thuộc địa nên đã trở thành kiểu nhân vật phản diện của văn học yêu nước Việt Nam.
 
Những năm về sau, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của đế quốc Anh, tái chiếm Sài Gòn, Khuông Việt bỏ luôn Thư viện Quốc gia và bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1944, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Nam Kỳ. Năm 1945, được bầu làm Tổng Thư ký Ủy Ban cứu trợ miền Bắc. Năm 1947, ông làm Chủ nhiệm báo Nay... Mai.
 
Khoảng năm 1948, Đảng xã hội Pháp lập một Đảng bộ ở Sài Gòn (gọi tắt là SFIO), xuất bản tờ báo Justice (Công lý), Khuông Việt tham gia Đảng này, được Đảng bộ Sài Gòn cử sang Pháp với tư cách đại biểu để dự đại hội lần thứ 40 của Đảng Xã hội Pháp. Trước khi dự đại hội Đảng Xã hội, Khuông Việt được cấp thẻ ký giả của báo Công chúng do Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm và Nam Quốc Cang làm chủ bút. Ngày 18-9-1948, Khuông Việt được tổ chức Liên hợp quốc cấp thẻ ký giả để săn tin khi Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc tại Paris vào ngày 21-9-1948… Sau khi tham dự Đại hội Đảng xã hội Pháp và Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ với tên thật Lý Vĩnh Khuông, ông tiếp tục tham dự Đại hội bất thường Đảng xã hội Pháp vào tháng 12-1948. Tại đại hội này, ông đã đứng lên phê phán, kết tội chủ nghĩa thực dân; điều này đã dẫn đến mâu thuẫn với phe cánh hữu trong Đảng, ông bị đe dọa nên không dám về nước, phải sống lưu vong tại Pháp cho đến sau Hiệp định Geneve 1954 mới trở về Sài Gòn. Trong thời gian lưu vong tại Pháp, ông vẫn viết cho các báo ở Sài Gòn, chủ yếu là tờ Mới với bút danh Việt Hà.
 
Sau hiệp định Geneve, ông trở về miền Nam, bị chính quyền bắt giam cho đến năm 1956 mới được trả tự do và sống ẩn dật ở Phú Nhuận - Sài Gòn. Trong thời gian này ông cộng tác với nhà xuất bản Vĩnh Bảo và viết hồi kí Người Nhật với Đông Dương, sách in chưa xong thì giải phóng miền Nam (1975). Cuốn hồi kí này được thể hiện trọn vẹn trên một đề sách tương tự của Vương Kim Toàn - Vũ Lân: Hội truyền bá quốc ngữ (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1980).
 
Sinh thời Khuông Việt có nhiều bài nghiên cứu về sử học, văn học đăng trên các tạp chí: Thanh nghị, Tri tân tạp chí, Nam Kỳ tuần báo, Đại Việt tạp chí và cộng tác với nhiều nhật báo xuất bản tại Sài Gòn… Văn nghiệp của ông gồm có: Mục lục tạp chí Nam Phong, Tôn Thọ Tường (Nxb Tân Việt, 1942), Một thiên ký sự thuộc phạm vi Nam sử (1942), Người Nhật với Đông Dương (1975)…; một số bài đăng trên Tri tân tạp chí như: Cần phải biết sử nước nhà (số 7, ngày 18-7-1941), Một nhà ngoại giao Việt Nam: Lãnh sự Nguyễn Thành Ý, Cử nhân thời Thiệu Trị (1841-1847) (số 44, ngày 22-4-1942), Tết năm Mậu Thìn (1868) ở Sài Gòn (số 81-83, xuân Quý Mùi, tháng 2-1943), Để tra các bài trong Nam Phong cần phải có một bản tổng mục lục (số 100, ngày 24-6-1943), Con đường thiên lý (số 171, ngày 21-12-1944)…; viết du ký, điều tra phong tục trên Nam Kỳ tuần báo như Chuyện lạ ở xứ Lào (ba kỳ, tháng 10+11-1942), Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa (tháng 3 đến tháng 10-1943), Tôi ăn tết ở Côn Lôn (số 74, ngày 9-3-1944)…
 
Quá trình cầm bút của Khuông Việt trải qua nhiều biến cố thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc. Những bài viết đăng trên các tạp chí về “những điều trông thấy” cho thấy một góc nhìn diễn biến cuộc sống lúc bấy giờ. Ngoài ra, ông còn để lại cho văn đàn những bài viết mang dấu ấn dân tộc sâu sắc, giúp khơi dậy tinh thần dân tộc cho công chúng. Đơn cử bài viết Cần phải biết sử nước nhà là một minh chứng để cảm nhận giá trị tuyền thống của lịch sử dân tộc và chỉ rõ thái độ một bộ phận trí thức đương thời còn thờ ơ với những giá trị cốt lõi của dân tộc. Khuông Việt lên án, mỉa mai những kẻ thạo sử ngoại nhưng lại mù mờ về sử ta: “Thông hiểu lịch sử nước ngoài mà lại không biết chính mình cũng có một lịch sử vẻ vang, thì thật nông nổi quá!” (1). Ông còn mang đến cái nhìn so sánh sử ta với sử ngoại mà theo ông “không kém phần vinh diệu”. Tác giả đặt ra nhiều câu hỏi cho mọi người để chính họ phải tự nhìn nhận lại, khơi dậy lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm trước và nhấn mạnh: “Sử còn là một nguồn sinh lực cho tinh thần quốc gia” (2). Trên tinh thần trọng sử, Khuông Việt quan tâm tìm hiểu nhiều sự kiện và biểu dương các danh nhân lịch sử. Chính ông đã nhận thức những giai đoạn thăng trầm của dân tộc mà khuyến cáo dân ta phải khắc ghi bài học dù đó là cái hay hay cái dở. Khuông Việt trải lòng với độc giả, khuyên mọi người hãy đọc sử để xứng đáng hơn với tiền nhân và khỏi hổ thẹn với chính bản thân mình, từ đó vực dậy tinh thần quốc gia, dân tộc.
 
Trong tư cách một ký giả, Khuông Việt cũng đi nhiều, từng viết Chuyện lạ ở xứ Lào in ba kỳ trên Nam Kỳ tuần báo (1942) và nêu nhận xét: “Về phong tục và tôn giáo, người Lào không khác xa người Cao Miên. Cách ăn mặc của hai dân tộc ấy có phần giống nhau. Họ đều vấn khăn gọi là sampot và mặc áo cụt tay. Họ ở nhà sàn làm bằng cây, lợp lá hoặc ngói tùy theo giàu nghèo. Từng dưới đất để nuôi súc vật. Từng trên vừa là chỗ ở, nhà bếp và kho chứa lúa gạo. Trong nhà rất đơn sơ, ít khi có bàn ghế, chỉ có vài chiếc chiếu trải trên sàn nhà để làm nơi nằm ngồi” (3)... Ông viết du ký khảo cứu phong tục Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa in liền 22 kỳ trên Nam Kỳ tuần báo, trong đó đi sâu tìm hiểu và tái hiện nếp sống truyền thống người dân Chàm, Khơ me, Việt thuộc các vùng Châu Đốc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho, Tân An… Trong du ký Tôi ăn tết ở Côn Lôn, Khuông Việt kể về chuyến tàu đến nơi đảo xa: “Hôm sau, mùng một tết, tiếng còi tàu đánh thức tôi. Xem đồng hồ đã năm giờ, tôi vội vàng lên boong để ngắm cảnh bình minh của ngày đầu năm mới. Thật là một cảnh thần tiên linh hoạt. Ước chi tôi là một họa sĩ tài hoa hầu ghi lại những màu sắc mà thợ trời khéo tô điểm cho mây nước bao la. Ước chi tôi là một thi nhân lỗi lạc hầu lựa những vần tuyệt tác để ca tụng cái đẹp thiêng liêng huyền diệu của hóa công. Xa xa chòm đảo Côn Lôn mờ mờ hiện trong sương sớm… Tôi không biết phải làm sao, tôi không biết phải dùng lời gì để ghi lại những kích thích của lòng trong phút vô cùng tươi đẹp mà thần Thái Dương oai nghi tráng lệ từ đáy nước bước lên mây, tủa khắp bốn phương muôn ngàn tia lửa, lần lần rọi sáng cả vũ trụ mênh mông…” (4); sau đó ông kể tiếp về cuộc sống bình yên, giàu truyền thống giữa vùng đảo: “Một hồi còi rú, tàu từ từ quay mũi vào vịnh Côn Lôn, một cái vịnh có đảo nhỏ bọc quanh và nước trong leo lẻo, nhìn thấy rõ cả san hô, cả sứa. Tàu vừa bỏ neo thì những chiếc thuyền con từ trong bờ cũng vừa ra tới cập sát tàu đón khách và chuyển hàng. Trước khi ra đi tôi tưởng rằng đảo Côn Lôn không biết tết là gì; ngày xuân ắt bị hững hờ, không người để ý đến, hoặc thoáng qua một cách lạt lẽo vô tình. Bây giờ tôi kinh ngạc xiết bao khi nhìn lên bờ thấy cờ bay phấp phới và văng vẳng tiếng pháo nổ đì đùng” (5). Từ đó, ông nhập cuộc với ngày tết trên đảo: “Tôi vừa đặt chân lên đất liền thì đàng kia tiến lại một đám múa lân có đủ trống kèn, côn hèo, gươm giáo và không quên có một số đông trẻ con theo sau cổ vũ. Đám múa lân đi tới, tôi như bị thôi miên, ló mắt nhìn… Xem xong đám múa lân, tôi đi tìm nhà ông phán M., một bạn đồng nghiệp. Qua một cái sân rộng đầy xác pháo, hiện ra trước mắt tôi một cảnh gia đình ấm cúng đang vui vẻ đón xuân về. Ông phán, bà phán ăn mặc chỉnh tề cùng các con quần là áo lụa đang nâng chén mừng xuân, chuyện trò hoan hỉ. Vì tôi đến thình lình không kịp báo trước, nên khi thấy tôi, ông bà rất đỗi ngạc nhiên. Sau cơn han hỏi và hối tiếc vì không được tin sớm để “tổ chức một cuộc tiếp rước long trọng tại bến tàu”, ông phán vội phác họa cho tôi “một chương trình chơi xuân ở đảo Côn Lôn”. Liền khi đó, ông mật báo cho các quan chức Việt Nam hay tin “có khách Sài Gòn”. Trưa đến, một bữa tiệc linh đình, đông đúc họp đủ mặt các bạn lạ và quen đang tùng sự tại Côn Lôn. “Ở đây, người ta mới thấy rõ cái tình thân mật của kẻ xa nhà. Ở đây, người ta mới biểu nghĩa tương ái, tương tri giữa người một nước. Thật, cái xã hội thu nhỏ của chúng tôi đáng yêu đáng quí là thế nào!” (6).
 
Khuông Việt là nhà báo, nhà khảo cứu và nhà văn yêu nước, suốt đời gắn bó với với hoạt động văn hóa và đời sống nhân dân. Những trang viết của ông thể hiện rõ sự nhiệt tình biểu dương truyền thống lịch sử và cội nguồn văn hóa dân tộc. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần tổ chức sưu tập và xuất bản đầy đủ các tác phẩm khảo cứu danh nhân, bình luận lịch sử và du ký của nhà khảo cứu, nhà báo, nhà văn Khuông Việt, góp phần giúp hậu thế hiểu hơn truyền thống văn hóa dân tộc.
_____________
 
1, 2. Khuông Việt, Nên đọc sử nước nhà, Tri tân tạp chí, số 7, 1941, tr.2.
 
3. Khuông Việt, Chuyện lạ xứ Lào, Nam kỳ tuần báo, số 9, 1942, tr.15.
 
4, 5, 6. Khuông Việt, Tôi ăn tết ở Côn Lôn, Nam Kỳ tuần báo, số 74, 1944, tr.59, 59, 60.
 
Nguyễn Trương Tuấn
Tạp chí VHNT số 408 

Bạn đang đọc bài viết "Ký giả Khuông Việt với văn hóa dân tộc" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.