Người đầu tiên khai phá đảo ngọc
Ông Phước, một người dân cố cựu vùng này cho biết: “Hiện tại những đồng lúa được bà khai khẩn vẫn còn vết tích và người dân tại đây gọi là đồng Bà. Trên đồng có nhiều cột cây trai, được xem là vết tích của những chuồng trâu. Ngoài ra, nơi bà lập dinh trại ngày xưa ở dọc theo sông Cửa Cạn còn một vũng nước sâu được gọi là Búng Dinh Bà”.
Ông Phước giải thích thêm: “Búng là một vũng nước sâu khoét theo bờ sông. Hiện ở sông Cửa Cạn còn đền thờ bà được người dân gọi là dinh Bà Trong. Sở dĩ có tên gọi này vì còn một nơi thờ bà Thủy Long Thánh Mẫu gọi là dinh Bà Ngoài ở thị trấn Dương Đông”.
Bên cạnh đó, những thông tin mà PV “lượm” được từ bảo tàng Cội Nguồn (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang) cho thấy, bà Kim Giao và “những bước chân đầu tiên” đặt đến khai phá đảo Phú Quốc là từ cuối thế kỷ 17.
Do được xem là người đầu tiên khai phá vùng đảo Phú Quốc nên bà Kim Giao được nhân dân tại đây tôn thờ và hằng năm vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch), dân chúng đều tổ chức cúng tế bà để tỏ lòng biết ơn.
Hiện, bài văn tế đọc trong dịp cúng đình còn nhắc đến tên bà (Kim Giao chi vị), điều này tỏ rõ sự tưởng nhớ và ghi ơn của người dân Phú Quốc đối với công lao của bà Kim Giao trên mảnh đất này.
Không chỉ là người có công lớn trong việc phát triển vùng đảo Phú Quốc, còn có nhiều giả thuyết cho rằng, bà Kim Giao là người đã từng giúp lương thực cho vua Gia Long trong thời gian nhà vua lưu lạc trên đảo để tránh quân Tây Sơn. Và theo nhiều nhận định thì giả thuyết này có cơ sở vì thời gian bà Kim Giao và nhà vua ra đảo là cùng thời điểm.
Dinh Bà - hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng (âm lịch), dân chúng đều tổ chức cúng tế bà để tỏ lòng biết ơn.
Chuyện ở sông Cửa Cạn
Thật ra, cho tới bây giờ người ta không biết chính xác bà Kim Giao mất ở đâu. Có giả thuyết cho rằng, bà trở về cố quốc sống cuộc sống quý tộc sau khi dòng dõi phục dựng lại cơ nghiệp như trước. Nhưng cũng có chuyện lại kể, bà chết ở Cửa Cạn, sau đó được vua Cao Miên đưa hài cốt về nước an táng theo nghi thức hoàng tộc. Tuy nhiên, cũng có giai thoại, bà mất ở đảo Phú Dự (Koh Thmey), cách bờ biển Kampoh(Campuchia) 0,5 hải lý.
Theo nhân dân địa phương, sở dĩ bà Kim Giao chọn sông Cửa Cạn làm nơi lập dinh trại là bởi vì đây là con sông lớn thứ 2 tại Phú Quốc, có chiều dài 15km, bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh và đổ ra vịnh Thái Lan, rất thuận tiện cho phát triển đời sống.
Xin nói thêm một chút về con sông Cửa Cạn - nơi ghi dấu một điển tích bi tráng về bà Lớn (tức bà Lê Kim Định, vợ Nguyễn Trung Trực). Chúng tôi xin kể lại câu chuyện này qua lời kể của ông Nguyễn Đình Chí, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.
“Chuyện kể lại rằng, khi nghĩa quân của anh hùng Nguyễn Trung Trực bị bao vây, bà Lớn đã tổ chức đội quân vượt từ Ba Trại để đi ra cửa biển theo dòng sông Cửa Cạn, với ý định sẽ vượt biển vào đất liền. Tuy nhiên, khi đó vào mùa cửa sông bị cát lấp, ghe của bà không thể qua được và mắc kẹt tại đây”, ông Chí kể đến đây thì dừng lại, mắt nhìn xa xăm ra biển.
Đoạn ông kể tiếp: “Bà Lớn đang mang thai, lúc đó trời cũng mưa gió, nổi cơn giông, biển động thét gào... khiến cho đường đi của bà Lớn trở nên gập ghềnh, vất vả hơn bao giờ hết. Mắc kẹt, lại bị quân Pháp bao vây, bà Lớn không còn kế nào để thoát thân. Dân chúng hộ tống bà bị bắt hết, đưa về thị trấn Dương Đông ngày nay”.
Tương truyền bà Kim Giao sau khi về cố quốc đã để lại hai cặp trâu (đực và cái) sau này chúng sinh sôi rất đông. Một số người dân tại đây cho biết, đã nhìn thấy đàn trâu này khi chúng ra bìa rừng kiếm ăn.
“Còn bà, sức cùng lực kiệt và bị băng huyết… rồi mất ở đó. Lúc đó, hài nhi sanh non, không có sữa mẹ cũng vì thế đã đi theo người mẹ về thế giới bên kia. Biết chuyện, có một số ngư dân đã liều mình, tìm đường vào cứu mẹ con bà Lớn. Rất khó khăn, mới qua mắt được quân Pháp nhưng khi đến nơi thì họ thấy hai mẹ con bà đều đã không thể cứu được”, ông Chí kể.
Ông Chí kết lại: “Không còn cách nào khác, những ngư dân này đã lén mang hai mẹ con bà giấu vào một bọng cây gần đó. Khi mọi việc yên ổn, dân chúng vùng này đã đem hài cốt hai mẹ con bà an táng tại bãi ông Lang. Ngày nay vẫn còn mộ bà Lớn tại đây. Như vậy, con sông này đã ghi dấu nhiều sự kiện, đặc biệt là hai người phụ nữ luôn được dân trên đảo tôn thờ”.