Krông Pa (Gia Lai) với công tác bảo tồn cồng chiêng

06/05/2015 14:58

Theo dõi trên

Từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác tuyên truyền để bảo tồn loại nhạc khí này đã được các cấp, các ngành chức năng của huyện Krông Pa (Gia Lai) đặc biệt quan tâm, qua đó người dân đã có ý thức hơn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại nhạc khí này.



Nghệ nhân Nay Phai (Ama San) đang chỉnh chiêng.

Gia đình Ama Krem ở Buôn Ktinh - xã Ia Rsai được coi là giàu nhất buôn, bởi gia đình ông đang sở hữu 4 bộ chiêng, gồm 1 bộ chiêng Sar, 1 bộ chiêng Tla, 1 bộ chiêng Kul và 1 bộ chiêng cải tiến. Có những cái chiêng lớn mà một mình ông nhấc không nổi, đường kính rộng cả mét. Những bộ chiêng này có từ hồi một cái chiêng phải đổi bằng hàng chục con bò và để sở hữu 4 bộ chiêng này thì chủ nhân của chúng phải có hàng trăm con bò. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được ông cho chúng tôi “mục sở thị” vì ông sợ kẻ xấu biết chúng nó đến là mất ngay, vì đây là vật báu trong nhà và của cả dòng tộc - ông nói với chúng tôi như vậy.

Ama Krem cho biết:“Những bộ chiêng của mình đã có từ lâu lắm rồi, mỗi khi buôn, làng có lễ hội là mình lại lấy ra đánh. Hiện nay, số lượng chiêng như của mình ở các buôn, làng còn rất ít. Những bộ cồng chiêng này mình sẽ lưu giữ cho con cháu và sẽ giáo dục con cháu bảo quản cho thật tốt và không được đem đi đổi bán”.

Những lúc rảnh rỗi, ông lại lau chùi từng cái chiêng và dạy con cháu biết cách cầm, đánh chiêng như thế nào cho đúng.  Cũng như gia đình Ama Krem ở buôn Kting, Ama Thu ở buôn Chư Tê cũng sở hữu hai bộ cồng chiêng quý, đặc biệt là bộ chiêng Lào – biết chúng tôi đến phản ánh về việc bảo tồn cồng chiêng, ông mới lục đục lôi chúng từ gác bếp xuống, lớp bồ hóng đã đóng kín từng cái chiêng và đã đổi sang màu đen, điều đó chứng tỏ bộ chiêng này của gia đình ông đã cất kỹ lâu lắm rồi.

Vẫn cùng tâm trạng như Ama Krem, chỉ sợ kẻ xấu biết gia đình có chiêng quý là chúng tìm cách lấy mất, cho nên ông phải cất kỹ như vậy. Ama Thu cho biết: “Hiện tại gia đình mình cũng có hai bộ chỉ để chơi cho buôn làng trong dịp lễ hội như lễ hội bỏ mả và các lễ hội khác. Mình sẽ không bao giờ bán, đây là những vật truyền thống của dân tộc phải gìn giữ cho con cháu sau này …” Để bảo tồn giá trị vật chất của cồng chiêng cổ đã khó, cái khó hơn là lưu giữ và trao truyền lại cho lớp trẻ cách thức sử dụng chiêng đặc biệt là biết chơi nhuần nhuyễn, điêu luyện những bài chiêng cổ từ những dàn chiêng A Rap, Tơ Nú, Ching Sar…nói rõ hơn là bảo tồn cái giá trị phi vật thể của cồng chiêng Tây Nguyên là việc làm lâu dài. Như nhiều nghệ nhân cồng chiêng ở Tây Nguyên, A Ma San, một nghệ nhân chuyên chỉnh sửa, lên dây (tul ching) ở thị trấn Phú Túc đã coi việc chỉnh sửa cồng chiêng và dạy bọn trẻ cách chỉnh sửa và sử dụng chiêng là cái nghiệp của mình. Phạm vi hoạt động của ông rất rộng từ Krông Pa, Ayun Pa, An Khê của Gia Lai đến Vân canh của Bình Định, lên Kê Vừng, Phú Mỡ của Phú Yên và sang cả Ia H’Leo của Đăk Lăk. Ama San tâm sự: “Mình muốn hướng dẫn  buôn làng  giữ lại những bộ chiêng cổ, giữ lại những bài chiêng cổ do ông cha mình để lại.

Có một thời gian năm 1993 - 1994, đi đến các buôn làng mình thấy những cái cồng, chiêng bị hỏng, bà con vứt lay lắt dưới gần sàn làm máng cho heo ăn, mình buồn lắm. Đó cũng là thời điểm các buôn làng vắng tiếng cồng chiêng”.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Pa, hiện nay trên địa bàn huyện có 550 bộ cồng chiêng với 9 loại khác nhau như chiêng Sar, chiêng Tơnah, chiêng Arap, chiêng Kađơ, chiêng Sơna, chiêng Hêcô, chiêng Sarxu…Trong đó loại chiêng Sarxu nhiều nhất với 106 bộ, tiếp đến là loại chiêng Arap với 102 bộ. Đặc biệt có khoảng 10 bộ chiêng Lào cực kỳ quý hiếm. Đơn vị xã đang sở hữu nhiều bộ chiêng nhất là Krông Năng với 121 bộ, tiếp đến là xã Ia Dreh 96 bộ, Chư Ngọc 72 bộ…So với năm 2005, số lượng cồng chiêng hiện nay trên địa bàn huyện đã tăng trên 300 bộ.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của loại nhạc cụ là di sản của thế giới này, các ngành chức năng của huyện Krông Pa cũng gặp không ít khó khăn. Ông Phùng Anh Kiểm – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Việc kiểm kê các loại cồng chiêng trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn vì một số gia đình sợ các đối tượng xấu biết, nên họ phải cất giấu trên rẫy. Đặc biệt là những bộ cồng chiêng quý hiếm, vì vậy số lượng cồng chiêng quý hiếm là rất ít, có trên dưới 10 bộ tập trung ở xã Krông Năng.

Để lưu tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, huyện xác định cần phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về di sản vô giá này và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện”… Bảo tồn cồng chiêng có nghĩa là vừa phải biết bảo quản, biết chỉnh sửa và biết sử dụng điêu luyện loại nhạc cụ này. Trong đó, những giá trị quá khứ của cồng chiêng phải được giữ nguyên, nhưng cũng có giá trị được biến đổi và cả những giá trị sáng tạo mới. Bảo tồn các giá trị văn hóa đích thực của cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống  tâm linh và đời sống văn hóa trong các lễ hội của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, sự chung tay góp sức của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là điều quan trọng hơn cả bởi chính họ là chủ thể sáng tạo, lưu giữ, trao truyền di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Để cồng chiêng Tây Nguyên luôn chiếm một ngôi vị quan trọng trong rừng nhạc khí của dân tộc Việt Nam đó là việc làm lâu dài của những người có trách nhiệm và của cả cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Để mai sau, người đời luôn biết và nhớ đến một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Theo Cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Krông Pa (Gia Lai) với công tác bảo tồn cồng chiêng " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.