QC

Kiên Giang: Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Biểu tượng của trí tuệ Việt

17/08/2024 14:45

Theo dõi trên

Sáng 17/8 tại Tp. Rạch Giá, Trung tâm hoạt động Văn hoá – Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) phối hợp với 02 đơn vị Bảo tàng và Thư viện tỉnh Kiên Giang triển lãm tư liệu và hình ảnh về “Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.

2-kien-giang-1723880451.jpg
Quang cảnh Lễ khai mạc triển lãm Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại thư viện tỉnh Kiên Giang

Triển lãm diễn ra từ ngày 17/8 đến ngày 30/9/2024 tại Thư viện tỉnh, địa chỉ: Lô C02, đường 3 Tháng 2, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Phát biểu tại triển lãm, ông Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thuộc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, cho biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được khởi lập vào cuối thế kỉ thứ 11, là nơi tôn vinh tiên thánh, tiên hiền và là nơi học tập của Hoàng Thái Tử, con em hoàng gia.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Văn Miếu -  Quốc Tử Giám ngày càng phát triển, mở rộng trở thành Trung tâm giáo dục cấp cao nhất của các triều đại quân chủ của đất nước ta -  Nơi đào tạo hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài của đất nước.

Trải qua hơn 900 năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay là di tích Quốc gia đặc biệt – Nơi lưu giữ di sản văn hoá quý báu của dân tộc. Di tích hiện còn lưu giữ những kiến trúc độc đáo của các triều đại Lê, Nguyễn, như: Điện Đại Thành, Văn Miếu Môn, Khuê Văn Các, hệ thống tượng thờ. Đặc biệt hệ thống 82 bia tiến sĩ - Nơi khắc ghi tên họ, quê quán của 1.304 vị đại khoa của 82 khoa thi tổ chức từ năm 1442 -1779, là di sản tư liệu thế giới, bảo vật Quốc gia.

 Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của trí tuệ Việt, nơi lưu giữ, tôn vinh những truyền thống quý báu của dân tộc, như: Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng và biểu dương hiền tài của đất nước. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến quan trọng hàng đầu của Thủ đô và cả nước cùng du khách quốc tế. Hàng ngày, di tích đón hàng ngàn du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và cũng là điểm đến của hàng ngàn đoàn khách ngoại giao quan trọng của Đảng và nhà nước, như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào; Tổng thống Cộng hoà Liên bang Nga, Vladimir Vladimirovich Putin,...

Theo ông Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, triển lãm tư liệu và hình ảnh về “Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám” là một trong những hoạt động nhằm truyền thông rộng khắp tới mọi miền Tổ quốc về một di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của Thủ đô và cả nước, giúp người dân Kiên Giang nói riêng, du khách cả nước nói chung hiểu hơn nữa về giá trị của một di sản  quý báu của đất nước, góp phần bảo tồn truyền thống văn hoá, giáo dục của cha ông.

4-kien-giang-1723880495.jpg
Các đại biểu nghe thuyết minh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có gần 1000 năm lịch sử. Văn miếu được xây dựng ở phía Nam kinh thành Thăng Long vào năm 1070, dưới triều vua Lý Thánh Tông. Bia Tiến sĩ được dựng trong vòng 300 năm (1484-1780). Nay còn lại 82 tấm bia, trên bia khắc họ tên, quê quán của 1.304 vị Tiến sĩ đỗ đạt của 82 khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Bia Tiến sĩ là những bản gốc duy nhất còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội.

Năm 2010, 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám được ghi vào danh mục Ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2011, Tổ chức UNESCO công nhận bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu Thế giới. Năm 2015, chính phủ Việt Nam công nhận 82 bia Tiến sĩ là Bảo vật quốc gia.

Hiện tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hơn 30 chủ đề giáo dục di sản dành cho học sinh từ mẫu giáo đến THPT như: Lớp học xưa; Khám phá bia Tiến sĩ; Tìm hiểu về trường Quốc Tử Giám; Thi Hương, thi Hội thi Đình; Sách học;... Các chủ đề giáo dục di sản thiết kế để học sinh tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị, giúp khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa của các bạn trẻ.

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Biểu tượng của trí tuệ Việt" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.