Bài 3: Quyết tâm phục tráng, bảo tồn văn hoá lúa mùa
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, sau một thời gian trăn trở suy nghĩ tìm hướng đi, anh Tư Việt - Nhà khoa học của nhà nông- quyết định bắt tay vào phục tráng, bảo tồn văn hoá lúa mùa. Nói thì dễ, nhưng làm thì cực khó, không phải dễ ăn, anh chia sẻ.
Để phục tráng, bảo tồn văn hoá lúa mùa, trước hết phải tìm, lựa chọn giống lúa mùa. Khi còn làm ở Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, năm 2011, anh Tư Việt bắt đầu tìm tòi phục dựng làm sống lại lúa mùa trên chính vùng đất quê hương mình. Để có các giống lúa mùa, anh Tư Việt đã đến các các viện, trường đại học Đồng bằng sống Cửu Long và các nơi khác, nơi còn lưu trữ nguồn gen lúa mùa xin các giống lúa mùa cổ truyền, như: Ba Bụi, Chim Rơi, Trắng Tép Vàng… cả thảy được 5 giống, mỗi giống được chừng 200 hạt, có giống chỉ vài chục hạt. Từ số hạt giống ít ỏi này, anh nhân giống lên từ từ nên mất khá nhiều thời gian. Trong quá trình nhân giống, không phải giống nào xin về trồng cũng đạt. Có giống trồng lại nhiều vụ vẫn không cho thu hoạch gì, có giống bị chim, chuột ăn hết, có giống như: Chim Rơi, Ba Bụi thì còn, giống không đạt, anh gửi lại nguồn gen cho trường đại học trữ đông lưu giữ để không bị mất giống.
Không bỏ cuộc, không nản lòng. Thất bại là mẹ của thành công. Mỗi lần vấp ngã là bản thân càng thêm trưởng thành. Năm 2017 anh thành lập Trang trại lúa mùa Tư Việt để thuận lợi cho việc canh tác lúa mùa. Sau đó, tháng 7/2020 anh thành lập Tổ hợp tác trồng lúa mùa với 39 hộ tham gia, diện tích 51,10 ha.
Trang trại lúa mùa Tư Việt với 2,5 ha đất ruộng của gia đình, anh trồng tất cả các loại lúa mùa bản địa của miền Tây gần như đã thất truyền với mục đích là tạo ra nông sản sạch và lưu giữ lúa mùa cho thế hệ hôm nay biết về ngày xưa. Nhằm bảo vệ lúa mùa, anh Tư Việt bao lưới xung quanh ruộng lúa mùa và mướn thêm 2ha ruộng lúa của những hộ chung quanh với giá gần 30 triệu đồng/năm làm hành lang bảo vệ lúa mùa, tránh bị chim, chuột phá hoại.
Trong quá trình nhân giống, bảo tồn văn hoá lúa mùa, anh Tư Việt nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều của cộng đồng, của các nhà khoa học, của những lão nông tri điền am hiểu về lúa mùa nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Diện tích canh tác lúa mùa của trang trại Tư Việt trồng 1 năm 1 vụ vào thời điểm thời tiết thuận lợi, còn lại là cho đất nghỉ, phục hồi nhờ các chất hữu cơ tự phân hủy sau quá trình canh tác. Theo anh Việt, vụ lúa mùa thường kéo dài khoảng 6 tháng mới cho thu hoạch. Nếu gieo mạ cấy sớm có khi kéo dài tới 7 tháng. Còn nếu làm trễ thì cũng phải 5 tháng. Tuy nhiên, nếu làm quá trễ, cây lúa chưa kịp phát triển, chưa tích lũy đủ tinh khí của đất trời đã trổ bông thì năng suất kém mà chất lượng gạo cũng không ngon. Do đó, tuỳ giống lúa mà có thời điểm gieo sạ cho phù hợp để đạt năng suất cao. Điều đó rất quan trọng, bởi mỗi giống lúa có sự thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, các yếu tố, đặc tính của tự nhiên khác nhau. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt, người trồng lúa mùa sẽ lãnh đủ. Bởi vậy, lúa mùa sớm vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm, anh trồng giống Nếp Than Tàu và giống Lúa Trái Mây; lúa mùa lở cho thu hoạch khoảng tháng 12, tháng 1 dương lịch thì anh trồng giống lúa Chim rơi ba bụi; lúa mùa muộn anh trồng các giống lúa: Châu Hồng Võ, TV2 (Tư Việt 2), Nàng Thơm, Tào Hương, thu hoạch vào tháng 2 dương lịch.
Lúa mùa được anh Tư Việt áp dụng quy trình sản xuất truyền thống theo cách làm của ông bà xưa, thuận theo tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, không đưa máy móc vào khâu làm đất, thay vào đó là dùng sức kéo của trâu để giữ vi sinh vật có lợi trong đất. Để cây lúa sinh trưởng tự nhiên trong điều kiện không dùng phân bón, hóa chất, anh vớt bèo hoa dâu về nhân giống rồi thả xuống ruộng cho tự sinh sôi nảy nở. Khi già, bèo hoa dâu sẽ tự chết đi, chìm xuống, phân hủy thành phân hữu cơ, tạo dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, cho vịt và chim săn bắt sâu bọ. Mọi công đoạn của canh tác lúa mùa đều làm thủ công, không máy móc, như: Dọn cỏ bằng cào rê, gàu dây tát nước, cấy mạ bằng nọc, gặt lúa bằng vòng, mê bồ ví lúa, ách trâu chở lúa, giã gạo bằng chày,... Hẳn nhiên, mặt trái của cách làm lúa mùa thuận thiên là năng suất thấp. Với lúa mùa không phân thuốc, nhiều vụ anh chỉ thu hoạch được khoảng 30 - 50%, năng suất từ 12 - 15 giạ/công (2 - 2,5 tấn/ha, trúng “bể bồ” cũng chỉ được 18 - 20 giạ/công (3,7 - 3,8 tấn/ha), xuất ra thị trường khoảng 20 - 30 tấn lúa mùa/ năm, nhưng anh vẫn hài lòng vì hạt gạo lúa mùa hữu cơ bổ dưỡng, ngon lành, thân thiện môi trường. Giai đoạn đầu của trồng lúa, anh lỗ mấy trăm triệu đồng vì làm ra mấy chục tấn lúa mùa mà bán không được do không hợp khẩu vị của người dùng, giá lúa, giá gạo khá cao, giá lúa 11.000đ/kg, giá gạo 25.000đ/kg. Sau “cú té” đó, anh chuyển qua trồng các giống lúa mùa chất lượng cao phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Sau nhiều năm bươn trải vất vả, đến nay, anh Tư Việt đã phục tráng, bảo tồn được 40 giống lúa mùa quý hiếm, trong đó có nhiều giống gần như thất truyền như Thần Nông 5 (IR5), Thần Nông 8 (IR8), Tào Hương, Châu Hồng Vỏ, Sa Quay, Một Bụi, Móng Chim Rơi và Nàng Thơm cồn Vĩnh Quới... (nguồn gốc Nàng Thơm chợ Đào),… và có 3 sản phẩm gạo lúa mùa Móng Chim vàng và Móng Chim rơi được tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021, “nhưng hiện nay anh không trồng 3 giống lúa mùa này nữa vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường, đầu ra sản phẩm khó khăn”, giọng anh buồn buồn. Nhưng bù lại, giống Châu Hồng Vỏ, qua nghiên cứu, phân tích, kiểm nhiệm, cho thấy thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất folate (chất hỗ trợ chống ung thư) và nhiều loại vitamin khác rất phù hợp cho những người ăn kiêng ở Việt Nam, trên thế giới hiện nay. Do đó, vấn đề nghiên cứu về chỉ số đường huyết GI đối với một số giống lúa phục vụ người ăn kiêng là cần thiết.
Anh Tư Việt cho biết, năm 2022, Nguyễn Thành Tâm, Trường Đại học Cần Thơ có làm phiếu đề xuất đặt hàng đề tài khoa học&công nghệ cấp cơ sở “Tuyển chọn và sản xuất các giống lúa mùa có chỉ số GI (glycemic index) thấp cho huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang nhằm xác định được 1-2 giống lúa mùa có chỉ số GI thấp, năng suất từ 3-4 tấn/ha, xây dựng được cơ sở dữ liệu về đặc tính hình thái và di truyền của 10 giống lúa mùa chủ lực cho tỉnh Kiên Giang, đăng ký thành công nhãn hiệu kèm theo các đặc tính hình thái và di truyền của giống và phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; phát triển và nhân rộng diện tích sản xuất các giống lúa mùa có khả năng hỗ trợ cho những người có triệu chứng đường huyết cao, đóng góp vào an sinh xã hội của tỉnh Kiên Giang nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Anh mong rằng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang sẽ dành kinh phí hỗ trợ chọn ra 5-6 giống từ bộ giống lúa mùa đang được trẻ hóa của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long để anh và các nông dân trong Hợp tác xã Nông dân Sáng tạo tiếp tục nghiên cứu tìm ra giống có chỉ số GI thấp, đón đầu xu thế phát triển thị trường lúa gạo của Việt Nam.
Anh nhận thấy, ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành phần lớn các hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng khóm, lúa, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Đặc biệt, vùng đất đuôi cồn ấp Vĩnh Quới có khoảng 45 ha đất trồng lúa, nuôi tôm, cá bốn bề là sông nước. Phía Bắc là vịnh Rạch Giá, nơi gặp nhau của các dòng sông chở nặng phù sa, phía Đông là Sông Cái Bé, phía Tây là Sông Cái Lớn, phía Nam là Rạch Khai Luông, chia tách vùng đất này thành phần đuôi của Cồn Vĩnh Quới. Một vị trí đặc biệt, nơi hội tụ đỉnh cao của chất phù sa, chất phèn và chất mặn, đã hình thành một môi trường sinh thái đặc biệt, tạo ra hạt gạo, con tôm ngon, giàu dinh dưỡng.
Nhưng những năm qua các hộ dân trồng lúa trên địa bàn ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành trồng lúa kết hợp với nuôi tôm, cua, cá,… chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết, chi phí sản xuất cao, nông sản bán ra phụ thuộc thị trường, lợi nhuận đem lại không cao, thậm chí còn bị lỗ chi phí đầu tư vào sản xuất. Cho nên, anh nghĩ, trong điều kiện liên kết vùng trồng lúa – tôm với vùng trồng khóm Tắc Cậu sẽ tạo ra một một chuỗi giá trị từ khâu sản xuất lúa mùa, tiêu thụ sản phẩm đến phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp cộng đồng, tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho người dân.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, chính vì thế, tháng 6.2023, người đảng viên 31 năm tuổi đảng Tư Việt đã thành lập HTX nông dân sáng tạo trên địa bàn ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành, với 30 thành viên, do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã. Lúa mùa có quy mô từ 20 đến 30ha/vụ ở vùng cửa sông Cái Lớn – Cái Bé có năng suất từ 16 tấn đến 30 tấn/vụ. Trong 3 năm đầu (từ năm 2023 đến năm 2025), sản lượng lúa mùa ước đạt 105 tấn, doanh thu ước đạt 1.230 triệu đồng. Ở đây, sau vụ lúa mùa thì người dân nuôi tôm càng xanh, độ mặn cao chuyển sang nuôi tôm sú. Sản xuất lúa mùa, 1 công tầm lớn gieo sạ 8kg lúa giống. Sau khi gieo sạ xong người dân không phải mất công chăm sóc, không sử sụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu nên sức khoẻ người dân được đảm bảo, bởi cây lúa được trồng “thuận thiên”. Lúa khi thu hoạch anh Tư Việt thu mua với giá từ 14.500đ/kg đến 15.000đ/kg, tuỳ thời điểm, trong khi giá của các loại lúa cao sản hiện nay có giá từ 7.000đ/kg đến 8.000đ/kg, tuỳ thời điểm. Vụ lúa mùa năm 2024, anh dự tính mua lúa với giá 16.000đ/kg. Với chi phí sản xuất thấp nên 1 công lúa người nông dân Hợp tác xã thu lời trên 3.000.000đ/công. Canh tác lúa mùa bà con nông dân ấp Vĩnh Quới rất yên tâm bởi được anh cung cấp giống, thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, đảm bảo người nông dân có lời nên mọi người rất phấn khởi, yên tâm canh tác.
Anh Lý Đức Hoà, ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hoà Phú, tâm sự, gia đình tôi có 1.2ha đất trồng lúa và tham gia Hợp tác xã Nông dân sáng tạo do anh Lê Quốc Việt làm Giám đốc. Vụ lúa mùa năm 2023 gia đình thu được trên 1 tấn lúa, anh Tư Việt thu mua với giá gần 15.000đ/kg. Tham gia Hợp tác xã, gia đình tôi rất phấn khởi bởi nhờ có anh Tư Việt mà văn hóa lúa mùa tưởng bị lãng quên đã dần hồi sinh, đời sống của người dân tham gia Hợp tác xã dần thay đổi.
Đồng chí Cao Thanh Hùng, Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành, cho biết, anh Tư Việt khi còn công tác là một cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh được xem là người phục tráng, bảo tồn nhiều giống lúa mùa nhất ở Kiên Giang góp phần rất lớn trong việc bảo tồn văn hoá lúa mùa ở huyện Châu Thành nói riêng, Kiên Giang nói chung.
Anh Tư Việt cũng đã đem sản phẩm gạo lúa mùa của mình tham gia giới thiệu tại Hội chợ Khuyến mại năm 2021, do Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ và Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V - Vĩnh Long 2021. “Đây là dịp rất tốt để mình giới thiệu về sản phẩm gạo lúa mùa hữu cơ cho nguời dân Sài Gòn và vùng ĐBSCL biết để mua dùng nhằm đảm bảo sức khoẻ, đồng thời qua đó giới thiệu, nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng nghề trồng lúa mùa không phải là nghề lạc hậu, lỗi thời, mà ẩn chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa cần bảo tồn và phát huy để thế hệ con cháu hiểu về quá khứ hướng tới tương lai”, anh Tư Việt tâm sự. Hiện anh Tư Việt đang phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) triển khai dự án trồng trẻ hóa 800 giống lúa mùa. Việc trẻ hóa các giống lúa mùa ngoài việc tuân thủ quy trình, tỉ mẩn để không bị lẫn lộn giữa các giống, còn gặp một khó khăn như chim, chuột phá hoại nhiều mặc dù đã dùng lưới bao bọc lại cả thửa ruộng, anh Tư Việt chia sẻ.
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, không chỉ bảo tồn giống lúa mùa, anh Tư Việt còn nỗ lực phục dựng, tái hiện lại nền văn hóa lúa mùa gắn với cây lúa mùa, từ chuyện gieo mạ, nhổ mạ, cấy mạ bằng nọc, gặt lúa rồi đập lúa trên đồng, ví bồ chứa lúa,... với mong muốn Trang trại lúa mùa Tư Việt thành điểm đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, đón tiếp các em học sinh, sinh viên đến đây học tập, nghiên cứu về văn hóa lúa mùa. Đã có nhiều sinh viên của các trường đại học tại Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang tìm đến đây nghiên cứu, làm đề tài tốt nghiệp. Ngoài ra, còn có nhiều đoàn, chủ yếu là những người lớn tuổi đến trang trại Lúa mùa Tư Việt để tìm lại những kỷ niệm một thời về văn hóa lúa mùa xưa. Họ cùng tham gia làm tất cả các khâu trong sản xuất để trải nghiệm.
Anh Tư Việt còn cất căn nhà Nam Bộ để trưng bày các nông cụ cổ về sản xuất lúa mùa với đủ loại, từ lúc làm đất đến khi thành gạo. Ở đó, mỗi nông cụ đều mang một thông điệp riêng của quá khứ khiến người tham quan đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Học sinh, sinh viên thì đến tham quan được nghe anh Tư Việt kể chuyện lúa mùa để qua đó hình dung thấy cánh đồng lúa mùa khác với lúa 3 vụ, lúa cao sản ở những điểm nào? ưu thế và nhược điểm của từng loại? Đến đây, nhiều du khách chọn cho mình cách thuê phòng nghỉ tại nơi này với “giá nông dân” để ngủ lại qua đêm, trải nghiệm cuộc sống dân dã nơi đây. Bên cạnh đó, hằng năm, nhiều giáo sư, tiến sĩ, sinh viên tìm đến cánh đồng của ông để thực nghiệm, nghiên cứu về lúa mùa.
Lúa mùa không chỉ là câu chuyện nông sản mà nó còn chuyển tải cả một nền văn hóa nông nghiệp và văn hóa ứng xử của người đồng bằng đối với đồng ruộng, thiên nhiên. Đó chính là những giá trị bền vững và mang tính độc đáo, riêng biệt của hạt gạo một mai được hồi sinh mạnh mẽ và bước ra thương trường cạnh tranh cùng thế giới. Khát vọng và giấc mơ đó đang dần hiện hữu, nó không còn độc đạo và xa xôi nữa, bởi những tấm lòng, những người con của đồng bằng Sông Cửu Long đang lặng lẽ góp sức làm nên.