Thanh Chương

Kiến An Cung – Ngôi chùa mang đậm phong cách Trung Hoa ở Nam Bộ

04/11/2016 15:01

Theo dõi trên

Kiến An Cung là một ngôi chùa rất uy nghi và lộng lẫy. Lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Trung Hoa đã tạo nên nét đặc trưng riêng của một ngôi chùa Hoa ở Nam Bộ. Chùa có diện tích trên 1.000 m2, tọa lạc tại phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mặt chùa hướng ra bờ sông Cái Sơn.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Phước Kiến là một trong ba cộng đồng gồm Kinh, Hoa và Khmer sống chan hòa bao đời nay; nhưng họ luôn giữ được bản sắc văn hóa, tâm linh suốt nhiều thế hệ sinh sôi, trưởng thành trên đất khách. Kiến An Cung là một minh chứng về năm hóa tâm linh của họ.
 
Chùa được khởi công xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) đến mùa thu năm Đinh Mão (1927) thì làm lễ khánh thành. Chùa do một nhóm nguời Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) định cư tại Sa Đéc dựng nên để thờ cúng tổ tiên và dạy dỗ con cháu, cũng là để liên kết cộng đồng, hội họp, bàn bạc việc buôn bán, trao đổi thông tin...

Chùa quay mặt ra rạch Cái Sơn, được xây theo kiểu chữ “Công” uy nghi, bề thế, gồm 3 gian, trong đó gian giữa rộng nhất là điện thờ (Kiến An Cung) gian bên tả là trụ sở tập hiền, gian bên hữu là trường. Bên tả và bên hữu bằng nhau. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn làm trụ. Mái chùa lợp ngói theo gợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo chữ “ngũ hành”. Sáu đầu ngọn sóng là sáu cung điện thu nhỏ. Mái ngói được làm rất công phu, gồm 3 lớp: mặt trên là ngói, mặt giữa là gạch, cuối cùng là ngói.

Chùa là một công trình kiến trúc được sắp đặt khéo léo với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, không chỉ nhằm tăng thêm vẻ mỹ quan mà còn có ý nghĩa giáo dục, khuyên con nguời tránh dữ làm lành. Hai bên vách tô điểm những hình thập diện phong trần và nhiều chuyện xưa ý nghĩa thâm trầm. Ở mặt chính trên vách chùa có trang trí những cây cối, chim, thú, tượng nguời ghép bằng mảnh gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh nằm theo đường gờ lắp kính. Mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa có vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và các quan ngày xưa. Hai bên cửa chính có hai câu đối trang trí hoa văn xung quanh, nền chạm hoa mai và hạc thếp vàng rực rỡ. Cửa chính có các bức tranh theo lối thủy mặc, nét hoạ uyển chuyển, sắc bén, còn cửa hai bên lại có chạm khắc bông sen, chim thú thật sinh động…

Trước cửa chánh điện có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn, miệng ngậm trái châu, chạm khắc tinh xảo. Hai bên tả, hữu là 2 vị thần Thiện – Ác. Bước vào bên trong là sân lộ thiên nhỏ để dành làm chỗ cúng tế. Những cột lớn trong chánh điện, các tấm hoành phi, bao lam, đối liễn đều được chạm trổ hoa lá, chim muông lộng lẫy, tôn nghiêm.
 
Chánh điện chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Công (Quan Vân Trường). Phía trong chánh tẩm là bệ thờ ngài Quảng Trạch (Ông Quách Thánh Vương Công). Ông Quách là người quê huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến, người có công giúp Tống Thái Tổ chinh phạt Nam Đường và xây dựng đất nước nhà Tống.

Đến Kiến An Cung, du khách có dịp trầm trồ, thán phục những tuyệt tác điêu khắc gỗ. Đó là những bao lam trải dài bên dưới trần chùa, nối liền các cây cột. Tất cả đều do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian Trung Hoa sang thực hiện. Họ cũng dùng vật liệu quan trọng như đá xanh làm ngạch cửa, lư hương... từ cố quốc đưa sang. Thật kỳ công và tốn kém!

Ngoài văn hóa vật thể, Kiến An Cung còn có văn hóa phi vật thể. Hằng năm, chùa thực hiện hai kỳ cúng tế quan trọng. Ngày 22 tháng 2 (âm lịch) là ngày vía sinh nhật của Quảng Trạch Tôn Vương.  Ngày 22 tháng 8 (âm lịch) là ngày vía Quảng Trạch Tôn Vương thành đạo. Trong hai ngày lễ vía nầy, Kiến An Cung thu hút rất nhiều khách khắp nơi đến chiêm bái. Tất cả tạo thành một không khí lễ hội tưng bừng nhưng không kém phần tôn nghiêm.
 

Linh Linh
Bạn đang đọc bài viết "Kiến An Cung – Ngôi chùa mang đậm phong cách Trung Hoa ở Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.