Không chỉ giỏi nịnh nọt, Hòa Thân còn có tài độc nhất vô nhị không ai sánh bằng

22/10/2023 09:06

Theo dõi trên

Hòa Thân - một đại tham quan thời nhà Thanh, được Hoàng đế Càn Long sủng ái, ngoài việc giỏi nịnh nọt, hắn còn hiểu biết rất rõ về Càn Long và biết đối phương đang nghĩ gì.

hoa-than-1697883008-1697940287.png
Hòa Thân. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Hòa Thân là một trọng thần dưới triều vua Càn Long nhà Thanh. Ông cũng nổi tiếng là một trong những đại tham quan trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Dù là tham quan nhưng Hòa Thân lại được Hoàng đế Càn Long sủng ái, tin tưởng hết mực.

Theo Chinatimes, các nhà nghiên cứu tài sản lưu trữ của nhà Thanh từng tính toán, số tài sản mà Hòa Thân vơ vét được vào khoảng 800 triệu lạng bạc cùng nhiều cửa hàng, ruộng đất với tổng tài sản khoảng 1,1 tỷ lượng bạc, tương đương 15 năm quốc khố đại Thanh. Thậm chí, tục ngữ còn có câu  "Hòa Thân rớt đài, Gia Khánh ăn no" nhằm ám chỉ, nhờ tịch thu tài sản của Hòa Thân mà hoàng đế Gia Khánh - con trai Càn Long đủ ấm no cả đời. 

Tờ Sohu cho biết thêm, Hòa Thân không chỉ là đại tham quan mà còn rất giỏi nịnh nọt hoàng đế Càn Long. Nhờ đó, Càn Long nhất mực tỉn tưởng Hòa Thân dù biết ông ta tham nhũng. Ngoài tài giỏi nịnh, Hòa Thân còn có một tài năng độc nhất vô nhị khác đó là hiểu biết rất rõ về Càn Long. Đây chính là "cái gai" trong mắt người kế vị - hoàng đế Gia Khánh.

Phòng Bác - hướng dẫn viên du lịch tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ với tờ Sohu, vào tháng 9 năm thứ 60 triều đại Càn Long, Hoàng đế Càn Long đã bí mật phong con trai thứ 15 là Vĩnh Diễm làm hoàng thái tử, người sau này trở thành hoàng đế Gia Khánh. Ngày hôm sau, Gia Khánh nhận được ngọc như ý từ Hòa Thân. Hòa Thân tặng ngọc như ý cho thái tử trước là để chúc mừng Vĩnh Diễm được làm thái tử qua đó cũng biểu thị ý độ sẽ ủng hộ con đường đế vương sau này của Gia Khánh. Thứ hai, là nhân cơ hội này để lấy lòng tân đế vương. 

Sự việc này khiến Vĩnh Diễm bất ngờ khi biết bản thân được bí mật lập thái tử. Trong khi các quan đại thần vẫn chưa hay biết gì thì Hòa Thân đã nắm rõ mọi thứ trong lòng bàn tay. Điều này cho thấy Càn Long tin tưởng Hòa Thân tuyệt đối, thậm chí là còn hơn là con ruột.

gia-khanh-1697883063-1697940333.jpeg
Gia Khánh và Càn Long. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Dù Gia Khánh đăng cơ nhưng Càn Long vẫn là Thái Thượng Hoàng, nắm trong tay mọi việc triều chính. Vì hiểu quá rõ Càn Long nên Hòa Thân rất được sủng ái. Vào năm Gia Khánh đầu tiên, cuộc nổi dậy của Bạch Liên Giáo nổ ra ở các tỉnh phía Tây Nam khiến cả Càn Long và Gia Khánh đều đau đầu. Ngay sau đó, Càn Long cho lệnh triệu kiến Hòa Thân và Gia Khánh.

Khi tới tẩm cung, cả hai thấy Càn Long đang nhắm mắt lại vừa lẩm bẩm điều gì trong miệng. Thấy vậy, Gia Khánh bèn quỳ xuống bên cạnh Càn Long và muốn hiểu cha mình đang nói gì, nhưng không nghe được. Lúc này, Càn Long đột nhiên mở mắt hỏi: "Hai người đó tên là gì?"

Trong lúc Gia Khánh vẫn sửng sốt thì Hòa Thân nhanh chóng trả lời: "Là Cao Thiên Đức và Cẩu Văn Minh". Càn Long tiếp tục nhắm mắt và tiếp tục lẩm bẩm. Gia Khánh sau đó liền cho gọi riêng Hòa Thân và hỏi về ý của Thái Thượng Hoàng. Hòa Thân bèn giải thích cho biết, Càn Long đang nguyền rủa những kẻ phản loạn theo một câu "thần chú" phương Tây.  Cao Thiên Đức và Cẩu Văn Minh là thủ lĩnh Bạch Liên Giáo.

Sau khi khi Hòa Thân giải thích, Gia Khánh mới chợt nhận ra người hiểu cha mình nhất chính là Hòa Thân chứ không phải bản thân. Thậm chí, có nhiều lúc, Hòa Thân còn mâu thuẫn với hoàng đế Gia Khánh để thể hiện năng lực của mình trước mặt Thái Thượng Hoàng là Càn Long. Vì lý do này, Gia Khánh đương nhiên coi Hòa Thân như cái gai trong mắt mình. Hòa Thân càng được Càn Long tin tưởng thì trái lại Gia Khánh càng chán ghét vị tham quan này. 

Sau khi Càn Long băng hà, Hòa Thân cũng mất đi sự hậu thuẫn. Lúc này, Gia Khánh thẳng tay "xử" Hòa Thân mà không cần phải kiêng dè. Sau khi công bố 20 tội của Hòa Thân, Gia Khánh tịch thu nhà cửa, tài sản đồng thời xử lệnh chết đối với Hòa Thân.

Hà My
Bạn đang đọc bài viết "Không chỉ giỏi nịnh nọt, Hòa Thân còn có tài độc nhất vô nhị không ai sánh bằng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.