Cho đến tận bây giờ, khi nhìn lại chặng đường dằng dặc mười mấy năm lầm lụi lần mò trong những cánh rừng hoang dại để tìm kiếm hài cốt đồng đội, nhiều khi, chị Năm Nghĩa lòng tự hỏi lòng: không biết điều gì đã giúp chị vượt qua muôn trùng khó khăn, cực khổ để đào bới, tìm thấy rồi gồng gánh được hơn 5.000 hài cốt trở về với gia đình, với cố hương. Sự mách bảo của chính các linh hồn liệt sĩ? Sự chở che của đất mẹ đại ngàn? Sự thôi thúc của lương tri? Chị không biết nữa. Song có một điều chắc chắn rằng: chị sẽ không thể làm nên những kỳ tích đến… ám ảnh ấy nếu không có những bàn tay ấm nóng, những tấm lòng thiết tha của người đời. Và trong những câu chuyện xúc động đầy nước mắt khi hồi tưởng lại chặng đường đã qua đó, có hai người mà chị Năm vẫn thường nhắc đi nhắc lại với một niềm tri ân vô bờ bến: đó là dì Bảy Dung, người đã cho chị mượn ngôi nhà ở đường Phạm Ngũ Lão, thị xã Thủ Dầu 1 để làm nơi tập kết hài cốt liệt sĩ và anh Huỳnh Tuấn Dũng, chủ một doanh nghiệp lớn ở Bình Dương, đã nhiều năm tài trợ cho chị tiền mua vải bó hài cốt, tiểu sành, cờ tổ quốc, cho chị tiền đi xe ôm. Và sau này, cũng chính anh mua lại một khoảnh đất và công đức toàn bộ tiền để chị xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ với cái tên đầy nhân ái: Nghĩa trang tình thương.
Thực ra, thời gian đầu, ngôi nhà nhỏ bé ở đường Phạm Ngũ Lão, dì Bảy Dung cho chị Năm Nghĩa thuê với giá 200.000 đồng/tháng. Một thời gian sau, hết sạch tiền, chị Năm Nghĩa nước mắt đầm đìa tìm đến nhà dì Bảy mếu máo: “Con đi tìm hài cốt liệt sĩ dì ơi! Nếu con trả tiền nhà cho dì thì không còn tiền mua vải tẩm liệm cho các liệt sĩ”. Mới nghe vậy, dì Bảy khóc oà, ôm lấy đôi vai gầy gùa của chị Năm mà trách: “Sao con không nói sớm với dì. Khổ thân con”. Dì càng khóc nhiều hơn khi tận mắt chứng kiến hơn ba trăm bộ hài cốt chất chồng đầy căn nhà ẩm mốc mà dì đã để không từ lâu. Hài cốt treo san sát trên trần nhà. Hài cốt xếp chật nền nhà, chỉ còn chừa một lối đi ra chiếc võng dù chị buộc hai đầu cột, nơi ngủ nghỉ của chị Năm. Căn nhà ẩm mốc tối mò. Giữa trưa hè nắng nỏ mà khí âm lạnh lẽo lan toả khắp căn nhà khiến dì Bảy nổi da gà. Sở dĩ quanh năm suốt tháng chị Năm không dám mở cửa sổ vì sợ hàng xóm phát hiện trong nhà có hài cốt sẽ khiếp sợ. Sau này dì Bảy sẽ khó bán nhà. Từ bấy, dì Bảy không thu tiền nhà của chị Năm nữa. Thỉnh thoảng, dì lại mang cho chị khi yến gạo, chục quả trứng, khi mấy trăm nghìn để chị bồi dưỡng.
Một lần, vô tình, gặp anh Huỳnh Tuấn Dũng, chủ doanh nghiệp ở Bình Dương, chị Năm kể lể nỗi niềm. Anh Dũng thương quá, bảo: “Để các bác liệt sĩ nằm chật chội thế này không được. Thôi, chị làm trực tiếp, cho em làm gián tiếp”. Thế là hàng tháng, anh cho chị tiền mua vải bó hài cốt liệt sĩ, mua tiểu, mua cờ. Anh mua cả một khu đất rộng ở Truông Bồng Bông rồi xây dựng thành nghĩa trang để chị Năm đưa hài cốt liệt sĩ ra đấy. Từ đó, ở Bình Dương, có một nghĩa trang liệt sĩ mang tên “Nghĩa trang tình thương”.
Hôm đến viếng thăm nghĩa trang này, nhìn những hàng mộ thẳng tắp gần 400 ngôi cùng một kiểu dáng nằm lặng lẽ, chúng tôi không khỏi quặn lòng. (xem ảnh). Đây mộ của anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Chí Quốc, thuộc tiểu đoàn đặc công 303, người liệt sĩ mà bên trên hài cốt vẫn còn tấm mộ bia do đồng đội tự khắc bằng tay để làm dấu. Kia là hàng mộ của 8 chiến sĩ trẻ là trinh sát thiết giáp của đơn vị E11326 F9R mà chị Năm đã tìm thấy trong một hầm mộ ở chiến khu Đ. Và lòng chợt rưng rưng khi bắt gặp nhiều lắm những nấm mộ vô danh xanh rì cỏ dại.
Tay run run thắp từng nén nhang lên từng nấm mộ, chị Năm bảo, giọng nghèn nghẹn: “Thương lắm! Đau lòng lắm em à! Đây là những hài cốt không thể đưa vào nghĩa trang liệt sĩ tỉnh bởi những vướng mắc về thủ tục. Khi tình nguyện lên đường nhập ngũ, gác lại sau lưng những ước mơ hoài bão để cầm súng chiến đấu rồi hy sinh cho Tổ quốc, các anh, các chị có đòi hỏi gì cho riêng mình đâu. Thế mà ở nơi này nơi kia, người ta nỡ hẹp hòi đặt ra những giấy tờ này nọ làm đau lòng người chín suối. Cái lý do mà họ đưa ra: “chưa thể xác định được đây có phải là hài cốt liệt sĩ hay không để đưa vào nghĩa trang liệt sĩ tỉnh”, liệu có thuyết phục không khi mà bên từng hài cốt, vẫn còn đó những khẩu AK, những vành nón tai bèo, những đôi dép râu vẫn còn dính chặt xương bàn chân của các liệt sĩ.
Có lần, chị đào hầm mộ của 12 liệt sĩ thời chống Pháp ở phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu 1. 12 người bị địch bắt, địch lôi ra giữa chợ xử tử giữa thanh thiên bạch nhật. Cả 12 người bị bắn vỡ sọ trong khi chân vẫn bị trói, tay bị cùm. Dân ở đây gọi là mộ 12 ông. Buổi sáng tổ chức đào, có 3 gia đình cầm bằng Tổ quốc ghi công đến, vừa khóc vừa cầu xin chị: “Cô ơi! Cô làm ơn làm phúc tìm giúp cha chúng tôi”. Khi khai quật, trên sọ đồng chí nào cũng có 4 cái đinh to như ngón tay út. Dây chằng trói chân còn nguyên. Những cúc áo từ thời chống Pháp còn vương vãi. Trước sự chứng kiến của phòng lao động thương binh xã hội phường và đông đảo người dân, chị lựa ra từng lóng xương, hộp sọ của từng người, bó lại. Xong, cán bộ phòng thương binh bảo: “Thôi! Chúng tôi chỉ nhận 3 người này có bằng tổ quốc ghi công là liệt sĩ còn 9 người kia không phải là liệt sĩ, chúng tôi bàn giao cho bà Năm”. Chị khóc ầm lên. Trời ơi! 12 người bị bắn cùng một lúc mà còn phân biệt người này là liệt sĩ, người kia không. Đau lòng quá. Hồ sơ bàn giao ấy, hiện chị vẫn còn giữ.
Một lần khác, chị lấy về 79 bộ hài cốt, làm lễ truy điệu, có quay video đàng hoàng. Một số đơn vị, gia đình đến nhận thì hài cốt được đưa về nghĩa trang của huyện, của tỉnh. Còn lại 30 đồng chí phải vào nằm tại nghĩa trang của chị. Thế có buốt lòng không?
Còn điều gì nữa có thể minh chứng một cách chính xác hơn những di vật thiêng liêng ấy. Đó là chưa kể vẫn còn đó những nhân chứng sống để những người có trách nhiệm có thể điều tra. Hài cốt của anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên, đồng đội của Phó giám đốc công an tỉnh Bình Dương Năm Thơi được chị tìm thấy ở cầu Lê, Bình Long là một minh chứng. Thế mà đau đớn thay, gần hai năm qua những hài cốt này vẫn còn nằm đây, trong nghĩa trang tình thương của chị.
Sau này, phóng viên Hoài Linh có viết bài “Có một nghĩa trang liệt sĩ tư nhân ở Bình Dương” đăng trên báo Pháp Luật, phản ánh về nghĩa trang tình thương của chị và những bất cập trong vấn đề thủ tục đón nhận hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Chị bảo: “Cháu mà đăng là lại khổ cô”. Y như rằng, tỉnh làm văn bản trục xuất chị ra khỏi địa phương. Tiếp đó, phóng viên Lâm Tuyền ở báo Lao Động viết bài: “Một anh hùng hai mộ”, nói về anh hùng liệt sĩ Ngô Chí Quốc. Chuyện là: chị Năm tìm thấy hài cốt liệt sĩ Ngô Chí Quốc trong rừng. Chị đã báo cáo với đồng chí Bí thư tỉnh uỷ. Ai cũng công nhận là hài cốt đồng chí Quốc nhưng không hiểu vì lý do gì mà không ai dám đưa hài cốt đồng chí Quốc vào nghĩa trang liệt sĩ. Sau, điều tra, mới biết ai đó đã đưa nhầm hài cốt người khác vào nghĩa trang trước đó rồi. Báo đăng hôm trước, hôm sau người ta đã lén đào trộm hài cốt bác Quốc trong nghĩa trang tình thương của chị, lén mang cả cái bia đổ bằng xi măng rất nặng mà chị đã oằn lưng gánh từ bìa rừng về. Tấm bia mà đồng đội đã dùng tay ghi: Hy sinh ngày 1 tháng 3 năm 1953.
Tàn độc hơn, vào một đêm giông gió, ai đó đã dỡ hết những tấm bia trên mộ các liệt sĩ, đập hết. Những chỗ lõm dùng để gắn bia, họ cũng lấy xi măng đắp bằng đi để chị vĩnh viễn không thể ghi tên các liệt sĩ. Sáng hôm ấy, chị vào viếng thăm mộ, thấy mấy trăm bia mộ bị đập vỡ tan tành, ngổn ngang như bãi chiến trường, chị ngã khuỵu xuống, khóc nức lên. Chị khóc ròng rã suốt 3 ngày 3 đêm. Cho đến gần ngày Tết, chị lên quét vôi, dọn dẹp, nhìn những nấm mồ không bia, không tên tuổi, chị lại khóc oà. Thắp nén nhang thơm cầu nguyện trước hương hồn các anh, chị cầu mong các anh tha thứ cho những thiếu sót của những người hôm nay. Cầm súng chiến đấu, các anh đâu có đòi hỏi gì cho riêng mình. Để rồi khi chết, dẫu thịt xương có nằm ở đâu đó thì vẫn là trong lòng đất mẹ Việt Nam.
Kỳ 9: Ngôi nhà… kỳ lạ của chị Năm
Hoàng Anh Sướng