Khám phá văn hóa vùng Cầu Ðất

23/05/2019 15:20

Theo dõi trên

Không sang trọng, quý phái, cũng không có nhiều những loài hoa hay những căn biệt thự kiểu Pháp nép mình bên hàng thông kiêu sa như ở trung tâm Ðà Lạt, thế nhưng gần đây, vùng đất Cầu Ðất trở thành địa điểm hấp dẫn du khách trẻ, là vệ tinh cho du lịch Ðà Lạt với những nét đặc trưng không chỉ về thắng cảnh mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người Cầu Ðất.


Cầu Đất vào mỗi buổi sớm mai sương mù luôn bao phủ huyền ảo. Ảnh: Quý SG
 
Nếu như Đà Lạt đang dần chuyển biến thành một đô thị hiện đại với nhiều thay đổi thì Cầu Đất vẫn giữ nguyên trong lòng vẻ đẹp hiền hòa, mộc mạc và cuốn hút không chỉ về cảnh sắc thiên nhiên mà cả văn hóa sống, ứng xử của người vùng này.

6 giờ sáng, nhóm chúng tôi bắt đầu xuất phát từ thành phố Đà Lạt, đi theo hướng Đông Nam khoảng 22 km là đến Cầu Đất. Gần 7 giờ một buổi sáng đầu tuần tháng năm, nhiệt độ khoảng 19 độ C, chúng tôi dừng xe đứng ngay đầu ngọn đồi dẫn vào trung tâm xã nhìn về thung lũng, nắng và sương sớm trải dài trên những sườn đồi, những mái nhà nhỏ lung linh và huyền ảo trong sương. Chụp vài tấm hình check in xong, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá vùng đất này.
 
Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé đó là chợ Cầu Đất. Ngôi chợ nhỏ, nằm sát đường, buổi sáng khá nhộn nhịp và đầy màu sắc. Người Cầu Đất có thói quen đi chợ vào mỗi sáng sớm, từ các cụ già đến thanh niên mười tám hay đôi mươi, dù đi bộ, xe máy hay xe đạp thì trên tay họ chúng tôi thấy cũng đều cầm theo một cái làn nhỏ để đựng đồ khi ra chợ. Những quán cà phê, hàng ăn ven chợ, khách ngồi sát bên nhau trên những băng ghế dài bằng gỗ thân mật, đầm ấm. Họ thực chất đa phần chỉ mới gặp nhau lần đầu nhưng cứ sà vào cạnh nhau và nói chuyện như quen biết từ thủa nào. Chợ từ trong ra ngoài chủ yếu bán và trao đổi hàng thực phẩm đơn giản phục vụ nhu cầu hàng ngày của bà con. Một số ít hải sản được mang từ Ninh Thuận lên, còn lại đều là nông sản do người dân trong xã trồng.
 
Thấy nhóm khách lạ chúng tôi vừa ngồi ăn sáng trong một quán nhỏ sát chợ vừa chụp hình, trò chuyện và tỏ ra khá thích thú với cảnh yên bình ở khu chợ vùng ven, chú Trương Vĩnh Hội, 65 tuổi, chủ động bắt chuyện và dặn dò: “Tụi con đi du lịch à? Cầu Đất ngoài đồi chè cổ nổi tiếng hay những vườn rau hoa công nghệ mới ra thì người Cầu Đất cũng có nhiều điều thú vị đáng để khám phá lắm đó. Tụi con đi vòng lên - xuống các xóm nhỏ xung quanh đây sẽ thấy, ở Cầu Đất cũng pha trộn nhiều nét văn hóa vùng miền nhưng hòa quện tạo ra bản sắc văn hóa rất riêng y như chất của người Đà Lạt làm nông ngày xưa”.
 
Tò mò, thế là theo lời chỉ dẫn của chú Hội, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào trong các xóm để khám phá cuộc sống của người Cầu Đất. Những nếp nhà nhỏ nằm trên sườn đồi, phía dưới xây bằng gạch hoặc đá, phía trên bằng gỗ thông, trước mỗi cửa nhà là những luống hoa thạch thảo, margarrita, dâm bụt... bình dị mà thân quen. Dạo quanh xóm, chúng tôi thấy mọi người gặp nhau thường chủ động bắt chuyện hỏi han đầy quan tâm và trìu mến, đến giữa xóm thì gặp một quán cà phê đặc sản Cầu Đất. Trong quán khá đông khách, chủ yếu là người địa phương. Cầu Đất vốn là vùng nổi tiếng với cà phê đặc sản Arabica, gần đây đã được xây dựng thương hiệu và khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Quán cà phê nhỏ, với những bộ bàn ghế bằng gỗ giản dị mà đậm chất người vùng ven. Quán, ngoài bán cà phê cho khách thưởng thức còn là nơi trưng bày sản phẩm và bán sản phẩm cà phê sạch đã được rang say, là đặc sản và là niềm tự hào của người Cầu Đất.
 
“Người Cầu Đất ảnh hưởng văn hóa Pháp nhiều. Mặc dù hầu hết người dân sống bằng nghề nông, nhưng mỗi sáng sớm họ vẫn có thói quen uống cà phê, trà trước khi đi làm. Đặc biệt, với những cụ ông lớn tuổi, buổi sáng thư thả hơn thì họ diện những bộ đồ khá lịch sự, đội mũ phớt, chống gậy đi bộ ra ngoài quán ngồi, vừa nhâm nhi tách cà phê nóng, vừa nói chuyện thời sự” - Cô Thu Hiền, nhân viên phục vụ quán cà phê chia sẻ.
 
Tiếp tục hành trình khám phá, chúng tôi gửi xe bên đường và ghé thăm thôn Trường An, nằm cheo leo trên sườn đồi phía tay trái ngay dưới chân chợ Cầu Đất. Đây là một thôn người Việt gốc Hoa có khá nhiều điều thú vị, họ đã đến đây sống và định cư từ nhiều thế hệ trước. Những căn nhà bán kiên cố làm bằng gỗ với cách làm cửa chính, cửa sổ đậm chất người Hoa vẫn chiếm chủ đạo trong thôn. Sống ở Cầu Đất đã khá lâu, bình thường gặp đâu đó khó có thể biết họ là người Hoa nhưng trong xóm họ vẫn giữ gần như nguyên vẹn phong tục, tập quán của cha ông.
 


Đồi chè cổ Cầu Đất nổi tiếng. Ảnh: N.Thi
 
Ghé vào một căn nhà bán kiên cố có quầy bán nước ngay trong nhà nằm ở giữa xóm, thấy chúng tôi tỏ ra tò mò với cách thức sắp xếp và những miếng giấy đỏ dán trước cửa, cô chủ quán nhiệt tình tiếp chuyện và giới thiệu về văn hóa của người Hoa ở thôn Trường An. Cô cho biết, người Hoa quan niệm phía bên phải từ trong nhà nhìn ra quan trọng hơn bên trái, vì vậy mà cửa chính được mở ở bên phải, cửa sổ mở bên trái. Trên khung cửa chính có gắn 2 mắt cửa tròn hoặc vuông bằng gỗ chạm, với ý nghĩa thần cửa bảo vệ nhà và theo tín ngưỡng âm dương đó là biểu tượng của nhật nguyệt. Quan niệm của người Hoa cho rằng nhà phải có ngạch cửa vì nhà không có ngạch như nhà không có nề nếp, ý chỉ sự tôn ti trật tự biết tôn trọng phép tắc, lễ nghi.
 
Người Hoa thờ đa thần, tín ngưỡng thể hiện từ ngoài sân đến trong bếp. Ngoài sân thờ “Thiên Quan” - vị thần giữ cửa xua đuổi tà ma, đem lại sự thanh bình cho gia đình. Hoặc họ treo bùa bát quái bằng gỗ hay giấy hoặc tấm kính vẽ hình bát quái, với quan niệm giúp ngăn chặn những ảnh hưởng xấu, không tốt vào nhà cửa.
 
Thôn Trường An nằm nép bên vách núi cao, cheo leo, đường nối các nhà trong thôn với nhau là những con đường nhỏ mát mẻ, không có đường cho ô tô nên mặc dù ở ngay sát quốc lộ nhưng thôn khá yên tĩnh. Đứng trên thôn, có thể nhìn bao quát cả vùng Cầu Đất xanh mát bạt ngàn cà phê, chè, hồng phía dưới.
 
Rời thôn Trường An, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hướng về Sở Trà Cầu Đất để tham quan đồn điền trà, tìm hiểu về xóm công nhân làm trà, được kế thừa và phát triển từ cuối thập niên 1920. Phía trước đồn điền trà, hiện rất nhiều nhà dân đã gắn bảng homestay để đón khách du lịch đến lưu trú, cho thấy Cầu Đất đang là địa điểm được du khách khắp nơi quan tâm tìm đến. Không chỉ có thắng cảnh, nếu biết khai thác những giá trị văn hóa và truyền thống của người dân vùng này với những câu chuyện gắn liền với đời sống, tập quán canh tác, đặc sản trà, cà phê và văn hóa đa sắc của người Cầu Đất, mang tính cách sống hiền hậu, mến khách. Với những đặc trưng văn hóa ấy, Cầu Đất chắc chắn sẽ là điểm đến không chỉ thoáng qua trong một hai giờ đồng hồ đối với du khách bốn phương mà sẽ trở thành một vùng ven đầy hấp dẫn, là điểm du lịch vệ tinh kết nối khách du lịch mỗi khi đến Đà Lạt.
 
Nguyên Thi
Theo Lâm Đồng

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá văn hóa vùng Cầu Ðất" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.