
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Tháp cổ có kiến trúc khá đơn giản. Tòa tháp tọa lạc trên một doi đất có diện tích khoảng 100m, cửa Tháp quay về hướng Tây, bình diện chân Tháp hình chữ nhật với hai cạnh là 5,6m và 6,9m. Chiều cao của Tháp là 8,2m (tính từ nền Tháp). Toàn bộ 03 mặt Đông – Nam – Bắc được xây bằng gạch. Tường của chân Tháp dày 1,8m, càng lên cao độ dày của tường càng mỏng, vách tường được dựng nghiêng dần lên phía đỉnh tạo thành vòm cuốn.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, điều gì đã tạo nên một tháp cổ có niên đại hàng nghìn năm tuổi? Theo nhiều nhà khoa học, người Khơme cổ đã dùng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt, họ đã dùng một loại keo thực vật để kết dính các viên gạch với nhau, mà không cần dùng đến các chất liệu xây dựng như xi măng, hay vôi vữa như bây giờ. Tháp được xây bằng hai loại gạch có màu sắc khác nhau. Từ chân tháp đến độ cao 4m là gạch đỏ và từ 4m trở lên trên được dùng gạch trắng.
Từ khi được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều quyết định tu bổ, để chống sự xuống cấp của Tháp, đồng thời tổ chức các đợt khai quật để làm rõ giá trị lịch sử văn hóa của Tháp cổ.
Qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều hiện vật bằng đá, bằng đồng, đặc biêt là những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo và nhiều tượng đồng có giá trị. Gần đây nhất là đợt khai quật năm 2002, đã làm lộ chân móng của Tháp. Theo đó, bốn gốc của chân Tháp được kê 04 tảng đá ong có cạnh khoảng 01m. Ngạch cửa được làm bằng Sa thạch. Bình diện chân móng của Tháp có hình vuông (cạnh dài khoảng 20m). Cách chân móng Tháp khoảng 0,5m có một lớp cát trộn với keo thực vật bao xung quanh (lớp cát này có chiều sâu khoảng 0,5m, rộng 0,5m).
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn, nhiều tượng đồng đặc biệt quý hiếm, chưa từng thấy ở đâu cũng như chưa có một sách nào nói về những tượng cổ này.
Bảo tàng tỉnh Bạc liêu hiện là nơi đang lưu giữ và trưng bày “bộ sưu tập” những cổ vật quý hiếm đã khai quật được tại tháp cổ Vĩnh Hưng, gồm nhiều tượng đá, đồng, gốm, đá quý, ngói và cả những loại hình mảnh gốm vỡ đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài của quần thể di tích tháp cổ. Tất cả những hiện vật này đã “mở cửa” để các nhà khoa học tìm hiểu sâu thêm về giá trị văn hóa lịch sử xung quanh ngôi tháp cổ.
Với những chứng tích có giá trị của một nền văn hóa lâu đời, tháp cổ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.