Một góc Đình Rắn. Ảnh: Internet
Định Thủy một vùng quê êm ả, xanh mát bóng dừa, cuộc sống đã sung túc hơn năm năm trước rất nhiều.
Ngay ngã tư xã có một bia tưởng niệm bằng đá cẩm thạch đỏ uy nghi, trên bia ghi tám chữ “Anh dũng Đồng Khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy”. Phía sau bia đá là nhà truyền thống với ngọn lửa thiêng bùng cháy sáng ngời chiến công oanh liệt của nhân dân Bến Tre trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và địa danh Đình Rắn là cái nôi của phong trào Đồng Khởi.
Ngôi đình được xây dựng cách đây khoảng 150 năm khi người dân đến khai hoang, lập nghiệp và thành lập làng Định Phước. Vì thấy rắn xuất hiện nhiều nên dân làng lập một ngôi đình lấy tên là Đình Rắn để làm nơi sinh hoạt hội hè. Đình nằm trên mảnh đất cao ráo, làm bằng gỗ, mái lợp bằng lá dừa và quay mặt về hướng Đông.
Ngôi đình còn nhiều hiện vật cổ như những tấm hoành phi, ba bộ tượng thờ: Thần, Tả ban và Hữu ban, một cây me cổ thụ ngoài trăm tuổi. Tuy không còn Sắc thần, nhưng theo ông Thêm, Đình Rắn thờ sắc thần Trung Trực (Trung Trực tử vi thần), khuôn viên đình rộng khoảng 5.000m2, phía trước sân đình thờ Thần Nông, tả và hữu thờ Long - Hổ thần (hai vị thần phò tá Thành Hoàng).
Năm 1960, khi nghe tin cán bộ cách mạng về Đình Rắn để họp, địch cử hẳn một đại đội lính phục kích để bắt. Tuy nhiên, nhiều người lính nghe tin đồn và sợ rắn thần nên không dám đi. Riêng viên trung úy ngụy không tin và vẫn cho một đội quân gan lỳ mang theo rất nhiều lựu đạn để đi bắt cán bộ cách mạng. Khi toán lính đến gần Đình Rắn thì bất ngờ xuất hiện nhiều tiếng lào xào rồi lớn dần lên thành chuỗi âm thanh ghê rợn.
Trong màn đêm xuất hiện một cặp rắn rất lớn cùng hàng trăm con rắn nhỏ khác bò lổm nhổm khắp đình. Do khiếp sợ nên một tên lính khi ném lựu đạn vào đám rắn, lại luống cuống ném vào đồng bọn. Viên trung úy ngụy được một phen hoảng loạn và mấy ngày sau thì chết vì nọc độc của rắn.
Theo bà Năm, người trông coi đình thì thật ra vào ngày 14/1/1960, bà Nguyễn Thị Định và những cán bộ cách mạng khác về Đình Rắn họp để chỉ huy phong trào Đồng Khởi. Khi biết tin, quân ngụy đã đi phục kích để bắt các chiến sĩ cách mạng, đồng chí Lê Minh Đào, lúc bấy giờ thuộc Tỉnh đội Bến Tre được giao nhiệm vụ chỉ huy đánh nhóm lính này.
Vì thiếu vũ khí nên bộ đội dùng rắn độc làm bẫy đặt trên đường tiến quân của quân địch. Về sau, mỗi lần quân ngụy hành quân qua Đình Rắn, quân ta đều dùng rắn để đánh. Dần dần, quân địch tin trong ngôi đình huyền bí có rắn thật nên không dám đến gần.
Tại Đình Rắn, sau khi phân tích thời cơ, tương quan lực lượng giữa ta và địch, cán bộ cách mạng đã quyết định phát động toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kìm, bức rút, bức hàng bọn ngụy quân, ngụy quyền ở nông thôn. Xã Định Thủy là một trong ba xã được chọn để phát động phong trào. Tổ hành động nhanh chóng được thành lập, trang bị các loại vũ khí sẵn có, chuẩn bị nổi dậy với mục tiêu quan trọng đầu tiên là tiêu diệt tên Đội Tý đang chỉ huy bọn tổng đoàn dân vệ và là tên có nợ máu lớn đối với nhân dân.
Ngày 17/1/1960, cũng tại Đình Rắn, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã phát lệnh nổ tiếng súng đầu tiên, mở màn cho phong trào Đồng Khởi và từ đây, lan rộng khắp các địa phương khác trong tỉnh. Vì vậy, Đình Rắn có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Năm 1993, Đình Rắn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2003, tỉnh Bến Tre đã đầu tư, phục dựng lại ngôi đình.
Một phần vì tin vào những điều linh thiêng, một phần để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh tại đây, nên cứ vào các ngày 14-16/5 âm lịch hàng năm, nhân dân khắp nơi lại tụ hội về Đình Rắn để viếng và tham quan.
PV (Tổng hợp)