Theo ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quan Hóa, mường Ca Da xa xưa vốn có tên là mường Húng, mường Hường. Do gả con gái cho Long vương, nên ông tạo mường cực kỳ giàu có, muốn gì được nấy. Sướng quá hóa rồ, ông tạo bèn ước gì mình nghèo đi. Khấn chưa xong thì ông chạm tay vào chiếc dằm trên bàn thờ, khiến tay sưng tấy lên, đau nhức không chịu nổi. Ông tạo bèn đổ hết của cải ra tìm thầy thuốc chạy chữa mà không khỏi. Mất ông tạo, dân bỏ đi tứ xứ, bản mường trở nên xơ xác, điêu tàn.
Sau này, có một người trên thượng nguồn sông Luồng (chi lưu của sông Mã) cùng đám con gái bản đi qua khe núi hẹp, hiểm trở bên sông. Ông này vui tính, bảo, có ai thách không, ông sẽ nhảy từ trên vách đá cao xuống lòng sông. Đang lom khom làm bộ, chiếc kiếm nơi thắt lưng chống vào đá, đẩy ông rơi xuống sông thật. Xác ông trôi theo sông Luồng ra sông Mã, vướng vào bãi đất nổi giữa lòng sông. Có con quạ bay qua bèn sà xuống bụng ông rỉa xác. Do con quạ này vừa ăn chiếc lá của khóm cây trên núi Pha Long, nên mỏ nó mổ vào thịt da thì ông này từ từ sống lại.
Chiếc lá mà con quạ ăn chính là lá cây diệu kỳ, có tác dụng hồi sinh. Dân bản thấy sự lạ, bèn tôn ông làm tạo mường, dựng lại mường bản. Nhớ ơn con quạ đã cứu mình, ông tạo đặt tên mường là Ca Da (quạ chữa thuốc) và truyền cho dân mường không ai được săn bắt, ăn thịt quạ. Đến thế kỷ thứ XV, vị Thượng tướng quân Lò Khằm Ban được vua Lê Lợi cho cai quản toàn bộ vùng đất phía tây của nước ta, đã chọn mường Ca Da làm căn cứ.
“Ngày bé, tôi từng theo thuyền bè đi qua ghềnh Long, nhìn lên khóm cây hồi sinh này. Người Thái chúng tôi gọi nó là cây giá lóc. Công dụng hồi sinh có thật hay không thì tôi không rõ, vì đã được sờ vào nó đâu mà biết”, ông Nghĩa cười.
“Còn người Mường thì gọi nó là cây bùa yêu, vì tin rằng ai có nó sẽ được yêu thương quý trọng vô cùng”, ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái – Mường cho biết. Theo ông Ninh, sự tích khóm cây trên vách đá Pha Long gắn với chuyện tình bi thương của chàng Bồng Hương và nàng Ờm, được kể trong truyện thơ Mường.
Bồng Hương vốn là trẻ mồ côi, chăn trâu cắt cỏ cho nhà quan lang. Bữa ấy, trời nắng gắt, vợ quan lang làm cỏ trên đồi khát khô cổ họng, bèn bảo: “Đứa nào đi lấy nước cho ta, sau này ta gả con gái cho”. Bồng Hương bèn xuống sông Mã lấy nước cho vợ lang uống.
Con gái quan lang là nàng Ờm, rất xinh đẹp nên được nhiều người ướm hỏi. Nhưng do ước hẹn của người mẹ, cô gái chỉ muốn lấy chàng trai nghèo khó Bồng Hương. Khuyên can, cấm đoán mãi không được, nhà lang bèn dùng “bốn mươi roi cây trảy, bảy mươi roi cây lèn en” đánh đòn nàng Ờm trên nhà sàn. Bồng Hương đau đớn mà không thể giúp, chỉ đứng chết lặng dưới gầm nhà sàn. Máu nàng Ờm chảy thấm qua kẽ sàn, ướt đẫm chiếc khăn trắng Bồng Hương đang đội. Đêm ấy, Bồng Hương bế nàng Ờm đi trốn. Chàng vượt qua ghềnh Long, leo thẳng lên núi Pha Long, đưa nàng vào chiếc hang lớn bên vách Làn Ai trú ẩn. Lúc này cả hai cùng kiệt sức mà chết trong hang. Chiếc khăn đội đầu thấm máu của họ rơi xuống vách đá, hóa thành khóm cây có màu hoa trắng lấm tấm đỏ, thường nở rực rỡ vào mùa xuân, gọi là cây làn mùn (bùa yêu).
Vì sự thủy chung và diễm lệ của mối tình này, người Mường coi khóm cây ấy là biểu tượng của tình yêu. Ai có chiếc lá ấy, đem tặng người con gái của mình, sẽ được đền đáp bằng một tình yêu xứng đáng.
Nói về khóm cây kỳ lạ trên vách núi Pha Long, ông Hà Nam Ninh nhận định: “Tôi cho rằng, điểm chung ở khóm cây kỳ lạ chính là nghi thức diễn xướng cây hoa của các dân tộc bên bờ sông Mã. Người Tày và Thái cổ trên thượng nguồn có điệu Then. Người Thái có lễ hội Kin chiêng boóc mạy (ăn Tết hoa lá), người ta múa hát xung quanh cây hoa để cầu mưa, cầu được mùa. Người Mường cũng có lễ hội Pồn Pôông (vờn cây hoa thần) vào dịp ấy, dân bản múa hát xung quanh cây hoa cầu mong no đủ. Xa hơn, về phía hạ nguồn sông Mã, người Kinh cũng có nghi lễ tương tự mà bóng dáng của nó là trò Xuân Phả ở huyện Thọ Xuân. Tuy không có cây hoa thần, nhưng những màn đối đáp, độc thoại, hát xướng, múa... chính là dáng dấp của Pồn Pôông và Kin chiêng boóc mạy. Chung một vùng đất, một dòng sông, sự giao thoa văn hóa là điều dễ hiểu. Tôi nhận thấy, người Kinh rất trọng họ hàng, người Mường coi trọng thông gia và người Thái rất đề cao quan hệ láng giềng...”.
Sự giao thoa văn hóa mật thiết
Vén bức màn huyền bí xung quanh khóm cây trên vách đá Pha Long, chúng ta dễ dàng nhận thấy khóm cây ấy là sự giao thoa văn hóa mật thiết giữa hai vùng đất, dù là người Mường hay người Thái. Hai dân tộc cùng sống chung bên một dòng sông, gắn bó thuận hòa, không chỉ cùng xây dựng mường bản mà còn có quan hệ hôn nhân, huyết thống. Núi thiêng Lai Li Lai Láng của người Mường nằm trong bản làng người Thái, cội nguồn mường Ca Da người Thái xuất phát từ khóm cây trên đất Mường... Thực tế cho thấy, ngay trong một gia đình cũng có thể là hai dân tộc, chồng Mường, vợ Thái hoặc ngược lại.