Thanh Chương

Khám phá công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc của thành phố Đà Lạt

09/11/2016 16:02

Theo dõi trên

Điều tạo nên sự khác biệt của chùa Linh Phước (ở khu vực Trại Mát, phường 11, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 8 km về hướng Đông Nam) đó chính là các công trình trong khuôn viên của chùa đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Chính bởi sự khác biệt này nên chùa còn có tên gọi khác là chùa ve chai, hay chùa miểng chai.



Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam - Ảnh: nguồn internet

Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hoàn thành vào năm 1950. Điều tạo nên sự độc đáo của ngôi chùa là công trình đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Đến với Chùa Linh Phước, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc rất độc đáo và được xây dựng hết sức công phu.

Công trình đầu tiên gây được ấn tượng với khách hành hương là Long Hoa Viên, tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49 m quanh tượng đài Phật Di Lạc. Vây rồng được làm bằng mảnh vỡ của 50.000 vỏ chai bia, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh.



 
Chánh điện chùa Linh Phước - Ảnh: Báo Thanh Niên
 
Chùa thực sự là một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: Chánh điện dài 33m, rộng 22m; Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng “Thiên thủ thiên nhãn” được gắn toàn bộ mẻ chén, ve chai sắc sảo.

Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Hai bên vách chánh điện từ ngoài thẳng vào trong phần dưới khảm chai đà trông giống như đóng lam - ri bằng cây trúc.

Phía trên điêu khắc những bức tranh về những điển tích kinh A – di - đà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa. Phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ đề đạt ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.



Phía xa  tháp chuông cũng có chất liệu họa tiết - Ảnh: Báo Dân Việt
 
Ngoài việc được tận mắt sở thị chuông đồng, du khách sẽ thấy rất nhiều tờ giấy được gián kín lên khắp thành chuông, trong giấy viết những lời thành kính cầu an cho gia đình và người thân của mỗi phật tử. Tiền đàn bảo tháp cao khoảng 27m được chạm trổ hình rồng. Tại lầu 1, có gian thờ tượng Phật Bà Quán Thế Âm được xây dựng bằng bê tông cốt thép cao đến 17m, là tượng trong nhà lớn nhất Việt Nam. Nơi đây cũng là gian thờ hơn 300 tượng Bồ Tát khác.
 
Với những công trình độc đáo, chùa Linh Phước thường xuyên đón tiếp du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến lễ Phật và tham quan.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc của thành phố Đà Lạt" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.