Khám phá chè “5c” Suối Giàng

09/12/2014 21:06

Theo dõi trên

Xã suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có 100% dân số là người Mông. Xã có 80.000 gốc chè cổ thụ, sản lượng đạt 60 tấn chè búp tươi.Chè Suối Giàng có vị hương đậm, hơi chát của khí hậu lạnh vùng cao và được nước.Nhưng ở Suối Giàng có một loại chè tuyệt hảo với cái tên chè “5c”.

Theo lý giải của chủ nhân - anh Lê Anh Tùng thì đó là cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon, cực đắt.

Năm 2008, anh Lê Anh Tùng xin nghỉ việc làm công nhân nhà máy chè Suối Giàng và nhờ bạn bè tìm kiếm, rồi sang tận Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) xem cách làm chè chất lượng cao. Hơn hai năm, mẻ chè “5c” mới ổn định chất lượng và giờ thì đã đạt đỉnh.

Anh Lê Anh Tùng cho biết, chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng tập trung ở 5 thôn, là: Giàng Cao, Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A, Giàng B. Chè thu hái để làm “5 cực” chỉ hái ở Giàng Cao. Giàng Cao ở hướng Đông - phía mặt trời mọc, là nơi có những cây chè tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, có cây chè “Tổ” mấy vòng tay người ôm, cao cả chục mét, quanh năm hứng gió, tuyết, sương, hút tinh khí đất trời. Tôm chè tuyết ở Giàng Cao là độc đắc nhất Suối Giàng.
 


 
Anh Lê Anh Tùng, chủ nhân của “chè 5c” đang pha chè giới thiệu hương vị cho khách du lịch

Chè phải hái khi mặt trời mọc, tôm chè hái xong được đựng trong bề (tiếng Mông gọi là can - chua), rồi đem ngay xuống chế biến. Tôm chè khi đó, cầm tay thấy ấm, tươi cứng như trên cây, để quá trưa là không còn hương chất Giàng Cao tinh túy. Chè bốc từ bề ra được rải mỏng trong những chiếc nong tre, để trong bóng mát, nhờ gió trời làm se chứ không dùng quạt gió, khoảng 2 tiếng là đưa vào chảo gang, sao trên bếp củi. Một kỹ nghệ làm chè xanh độc đáo bắt đầu: dùng tay đảo chè nhẹ nhàng, lửa đều, sau khoảng 2 tiếng, chè bắt đầu khô, điều chỉnh lửa để chè lên hương.

Anh Lê Anh Tùng cho biết thêm, tất cả, trong một quy trình liên tục, không ngắt quãng, nghiêm ngặt, cảm nhận bằng đôi tay và kinh nghiệm của hai năm trầy trật, thử nghiệm, tìm tòi. Chỉ một li, là chè cháy hết tuyết, hoặc chè sống, không lên hương, cả mẻ chè quý giá bỏ đi như chơi.Mỗi lần sao chế, chỉ trên dưới 1 kg chè tươi, hết mẻ này, mới làm mẻ khác. Một kg tôm chè tươi, sau chế biến được 0,7 kg chè khô. Tôm chè, khi ra chảo, vẫn giữ được dáng hình như lúc trên cây, lông tuyết trắng như sương, thật đẹp.

Thưởng trà là một sự công phu.Tuỳ số người thưởng mà chọn ấm, chén cho phù hợp.Nước sôi 100 độ, tráng ấm, tráng chén.Dùng thìa gỗ cho chè vào ấm, tráng chè, lượng nước cho vào ấm vừa đủ số người uống, rót ra chén vừa đủ, không để thừa trong ấm. Xong, cho nước vào ngay, nước hai, nước ba, cho tới nước bảy, nước tám, hương vị trà vẫn đậm đà, còn rõ 18 vị tinh tuý của thứ trà được thu hái, chế biến từ những cây chè cổ thụ của một trong những vùng chè Tổ của cây chè thế giới.
 
Một kg chè giá 1,6 triệu đồng. Đây là loại chè chỉ dành cho một số ít khách hàng, những người sành chè, những người có tiền, hoặc mua biếu tặng nhau làm quà, chút tình ý hay thể hiện sự kính trọng. Thứ chè này xem ra đang được lòng thiên hạ không chỉ cái tên khác lạ với sự tuyệt hảo về chất lượng của nó mà còn vì sự yêu mến, ngưỡng mộ Giàng Cao - Suối Giàng –Văn Chấn –Yên Bái.
 
Theo Báo Du Lịch

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá chè “5c” Suối Giàng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.