Kết nối giữa di tích với các bản văn hoá, địa điểm vui chơi giải trí,… tạo nên sức hút cho du lịch Điện Biên

30/11/2022 15:13

Theo dõi trên

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ - nơi ghi dấu sự kiện Chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta, là một trong mười di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước năm 2009 với 22 điểm di tích thành phần; năm 2015 được phê duyệt bổ sung 23 điểm di tích, nâng tổng số điểm di tích được công nhận đến nay là 45 điểm di tích thành phần nằm trải dài trên địa bàn 02 huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.

tuong-dai-1669795982.jpg
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Di tích Đồi D1. Ảnh: Việt Linh 

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học và kinh tế; là di tích có giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với thế giới.

Về giá trị lịch sử: Di tích là minh chứng về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm; thể hiện tài thao lược, đường lối đúng đắn và sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng ta.

Về giá trị văn hóa, xã hội, khoa học: Giá trị cốt lõi của Di tích là tạo nên bản sắc của dân tộc, lưu truyền di sản cho các thế hệ sau, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tăng cường mối đoàn kết, gắn các dân tộc; có giá trị vô cùng quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, hun đúc lên tinh thần và cốt cách con người Việt Nam trong thời đại mới, là nơi để các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu.

Về giá trị kinh tế: Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ được xác định là nguồn lực quan trọng, là tiềm năng lợi thế, sản phẩm chủ lực, nổi bật cho phát triển du lịch của không chỉ tỉnh Điện Biên, khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Các di tích thuộc Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là điểm nhấn thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế, là sản phẩm du lịch đặc trưng và thương hiệu du lịch Điện Biên, tạo sức thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giải trí …động lực chính vào phát triển du lịch của tỉnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã đạt được kết quả tích cực. Toàn bộ 45 điểm di tích đã xác định được khu vực bảo vệ I, 30/45 điểm di tích có khu vực bảo vệ II, 28/45 điểm di tích được cắm mốc trên thực địa, 23/45 điểm di tích có đầy đủ Hồ sơ khoa học, 9/45 điểm di tích đã thực hiện đầu tư bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các công trình văn hoá, tâm linh phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Các điểm di tích được bảo tồn, tôn tạo là những minh chứng chân thực nhất về lịch sử, góp phần quan trọng vào công tác phát huy giá trị các di tích bằng các hoạt động phục vụ khách tham quan, hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Các điểm di tích tiêu biểu của Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ như đồi A1, hầm Đờ Cát, đồi D1 - Tượng đài Chiến thắng, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, di tích đồi E và công trình Trung tâm Văn hoá Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, di tích Trung tâm đề kháng Him Lam, mới nhất là Công trình Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên di tích đồi F … là những điểm những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình của mỗi du khách khi đến với Điện Biên, là sản phẩm du lịch chủ lực - đặc trưng, góp phần quan trọng vào sự phát triển trong nhiều năm qua của ngành du lịch Điện Biên.

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh covid 19 bùng phát, diễn biến phức tạp có ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, theo đó, số lượng khách du lịch đến Điện Biên nói chung, đặc biệt đến các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng giảm mạnh, đó cũng là tình trạng của nhiều địa phương khác. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2022, thực hiện chủ trương của Chính Phủ thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh thực hiện hai mục tiêu kép: Vừa thực hiện phòng chống dịch covid 19, vừa phát triển kinh tế theo đó ngành du lịch đang dần phục hồi trở lại. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên: Số lượng khách du lịch đến tham quan các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ năm 2020 là: 163.168 lượt người, chiếm 70% số lượng khách tham quan khi đến với Điện Biên. Đồng thời, kết quả khảo sát ý kiến khách du lịch tại các điểm Di tích trên, phần lớn khách du lịch đến với Điện Biên với lý do chính là có Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ với giá trị lịch sử đặc biệt. Năm 2021 là 101.252 lượt người; 04 tháng đầu năm 2022 là 60.787 lượt người: Trong đó khách Việt Nam là 60.708 lượt người, khách nước ngoài là 79 lượt người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trí dị tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch còn những tồn tại hạn chế:

- Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ chưa hiệu quả, chưa xứng tầm với ý nghĩa và giá trị của di tích: hiện nay mới có 09/45 điểm di tích được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

- Một số di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song cũng chưa hoàn chỉnh, chưa đưa vào phục vụ khách tham quan, như di tích Him Lam.

- Một số điểm di tích đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và xây dựng công trình trên di tích những chưa phát huy được giá trị: di tích đồi E và Công trình Trung tâm Văn hoá cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, di tích trận địa pháo H6, di tích trận địa pháo 105…

- Tại các điểm di tích cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có các khu dịch vụ tiêu chuẩn, hoạt động trải nghiệm văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích còn đơn điệu, nghèo nàn; chưa mang lại cho du khách những trải nghiệm và cảm xúc chân thực về một chiến thắng lịch sử mang tầm cỡ quốc tế, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của khách tham quan trong nước và quốc tế; chưa tạo được các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với di tích; chưa tạo được các tour du lịch hấp dẫn.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên:

- Vấn đề nhận thức, sự phối hợp của các Cấp uỷ, các ngành liên quan, cơ quan quản lý về di tích và người dân còn hạn chế.

- Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ chưa có quy hoạch tổng thể và nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa xứng tầm với ý nghĩa và giá trị của di tích.

- Trình độ của đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy còn hạn chế: thiếu cán bộ chuyên ngành, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm, thiếu hướng dẫn viên tiếng nước ngoài, viên chức kiêm nhiệm nhiều việc, chưa chuyên môn hoá.

- Các di tích là trận địa dã chiến chịu tác động của thời tiết, môi trường khắc nghiệt nên ngày càng xuống cấp.

- Chưa có cơ chế riêng trong công tác tổ chức các hoạt động dịch vụ, sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh Điện Biên.

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên, cần triển khai các giải pháp cụ thể sau:

 Một là, Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức đa dạng, phù hợp tới các đối tượng về ý nghĩa, giá trị của di tích, về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

 Hai là, Tập trung triển khai có hiệu quả “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1220/TTg-KGVX ngày 02/10/2019, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án theo từng giai đoạn, từng năm đạt hiệu quả và kết quả thiết thực. Trong đó, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tổng thể và nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030  gắn với Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Triển khai thực hiện Dự án khoanh vùng cắm mốc, xác định phạm vi khu vực bảo vệ các di tích ….đưa vào phục vụ đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong nước và quốc tế.

Ba là, Tăng cường huy động các nguồn lực, ngoài nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đảm bảo nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Bốn là, Đưa các di tích đã được bảo tồn, tôn tạo vào phục vụ khách tham quan; Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, phương pháp, công cụ giáo dục, tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị di tích lịch sử. Trong đó, duy trì các phương pháp truyền thông như hướng dẫn, thuyết minh trực tiếp, tổ chức triển lãm, tuyên truyền qua tài liệu ấn phẩm, biển bảng, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và kết nối trực tiếp với các công ty du lịch, hãng lữ hành. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các hoạt động mới gắn với tham quan di tích lịch sử như các hoạt động trải nghiệm, khám phá, nghe Cựu chiến sỹ Điện Biên kể chuyện... và gắn kết chặt chẽ giữa du lịch lịch sử với du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, các dịch vụ giải trí, sự kiện du lịch,... tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Năm là, Duy trì, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng ứng xử và vốn ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của khách tham quan tại các điểm di tích.

Sáu là, Thường xuyên kiểm tra khắc phục và xử lý kịp thời tình trạng xuống cấp của các hạng mục được bảo tồn, tôn tạo tại các điểm di tích, có phương án tu bổ, bảo quản phù hợp để di tích trường tồn với thời gian.

Bảy là, Cần nghiên cứu có cơ chế riêng về việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, kết nối tại các điểm di tích nói riêng và kết nối giữa di tích với các bản văn hoá, địa điểm vui chơi giải trí, …tạo nên sức hút cho du lịch Điện Biên./.

Theo dsvh.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Kết nối giữa di tích với các bản văn hoá, địa điểm vui chơi giải trí,… tạo nên sức hút cho du lịch Điện Biên" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.