Với 18 Di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm 2 Di sản thiên nhiên, 5 Di sản văn hóa, 8 di sản văn hóa phi vật thể và 3 di sản tư liệu, công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn..., Việt Nam có điều kiện kết nối các Di sản văn hóa phục vụ du lịch. Qua đó, tạo ra nguồn lực cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản thế giới, để di sản thực sự là những viên ngọc long lanh trong mắt bè bạn muôn phương.
Ở Việt Nam, liên kết khai thác các di sản, lễ hội văn hóa để phát triển du lịch đã được một số địa phương thực hiện từ nhiều năm qua. Qua đó, nhiều sản phẩm du lịch di sản đã định hình được các hãng lữ hành xây dựng thành tour tuyến giới thiệu đến du khách như “Hành trình di sản”, “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” của Quảng Nam, Festival Huế, hay Lễ hội pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng, Lễ hội Thành phố hoa – Đà Lạt, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên... Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng liên kết là điều kiện sống còn của du lịch, được thực hiện trên cơ sở hài hòa sản phẩm, văn hóa phong tục, phương tiện, cự ly di chuyển giữa các di sản.
“Một tour du lịch là một tổ hợp sản phẩm du lịch khác nhau. Khách đến Côn Sơn – Kiếp Bạc thì khách cũng có thể đến Vĩnh Nghiêm cùng các điểm du lịch khác. Xuống Yên Tử thì cũng có thể kết nối với Bắc Giang. Khách không thể nào đi một lúc tất cả các ngôi chùa. Người ta chỉ cần đi một, hai hoặc ba ngôi chùa thôi. Còn lại, người ta phải đi thăm làng nghề, đi mua sắm, ăn nghỉ”, ông Bình cho biết.
Những kết quả bước đầu đó là cơ sở để Năm Du lịch quốc gia 2015 tổ chức tại Thanh Hóa tiếp nối với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”. Nhất là khi năm qua, “láng giềng” của Thanh Hóa là Ninh Bình với quần thể danh thắng Tràng An và Nghệ Tĩnh với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới.
Các hoạt động chính của Năm du lịch 2015 diễn ra trên bối cảnh vùng đất lịch sử lâu đời của xứ Thanh, đưa du khách trở về với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của Thành nhà Hồ, gắn với cuộc đời và sự nghiệp tuy ngắn ngủi nhưng nhiều kỳ tích của vua Hồ Quý Ly; được sống lại lịch sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn qua hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Lam Kinh, thưởng thức những câu hò điệu lý đậm đà hơi thở cuộc sống của người dân xứ Thanh. Vấn đề là quảng bá những di sản này như thế nào với du khách.
Tiến sĩ Hỏa Diệu Thúy, Trường Đại học Hồng Đức cho rằng: “Lên Lam Kinh thấy ngỡ ngàng trước Lam Kinh. Nhưng nếu được đi du thuyền nghe hò sông Mã, lên Thọ Xuân nghe các làn điệu dân ca, dân vũ do các nghệ nhân biểu diễn thì còn ngỡ ngàng hơn nữa. Chỉ có điều là chưa ai quảng bá cho nó. Vì vậy nó vẫn ở dạng tiềm ẩn”.
Để thức dậy những tài nguyên đang tiềm ẩn đó, năm nay, các địa phương đều xác định đẩy mạnh việc kết nối các miền di sản, với những hoạt động du lịch sẽ diễn ra sôi nổi ở hầu khắp các tỉnh, thành để giới thiệu đến du khách những giá trị đặc sắc của Di sản văn hóa thế giới Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; tham quan di sản Tràng An, lên chùa Bái Đính lễ Phật. Trong đó, du lịch văn hóa, sinh thái - tâm linh sẽ là hướng phát triển bền vững của khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình cho biết: “Ninh Bình xác định phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Vì vậy, chúng tôi xác định phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong vùng di sản về việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị của di sản cũng như phát triển dịch vụ du lịch trong lòng di sản. Tràng An sử dụng 1.500 người dân làm dịch vụ chèo đò, mỗi người là một thuyết minh viên về di sản và là một nhân viên giữ gìn an ninh trật tự, môi trường”.
Tại 3 địa phương Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, năm nay sẽ tiếp tục liên kết giới thiệu sản phẩm du lịch mới với chủ đề “Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới”, tạo cơ hội cho ngành du lịch các địa phương có dịp giao lưu, kết nối với cộng đồng du lịch ở hai đầu đất nước. Kết nối di sản để phát triển du lịch trên cơ sở chọn lựa những giá trị tinh hoa nhất, hấp dẫn nhất giới thiệu đến du khách là cách làm được lựa chọn để quảng bá di sản hiệu quả nhất đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch VN khẳng định: “Chúng ta phát triển du lịch có trọng tâm trọng điểm, chú trọng chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh. Để biến một tài nguyên văn hóa thành một sản phẩm du lịch, một điểm đến còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta phải chọn những gì đặc sắc nhất, cốt lõi nhất tập trung phát triển du lịch. Từ đó tạo nên sự lan tỏa đến những phân khúc cá biệt, những địa danh, địa chỉ cá biệt”.
Với việc kết nối các miền di sản, sẽ cho khách du lịch thập phương có được những trải nghiệm ấn tượng và thú vị. Từ Thanh Hóa đến Ninh Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, theo con đường tâm linh, du khách sẽ đến với những giá trị độc đáo của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp lung linh kỳ ảo của Vịnh Hạ Long, vùng Đông bắc từ Hải Dương đến Quảng Ninh còn hút khách với hệ thống di tích liên quan đến các bậc anh hùng hào kiệt như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... đặc biệt là những giá trị tư tưởng, triết lý của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.
Một lần hành hương về miền Thiền Trúc Lâm Yên Tử, lạc bước trong rừng tùng hàng trăm năm tuổi, thả hồn theo những cơn gió miên man qua bạt ngàn rừng trúc, giữa sương khói ảo mờ trên đỉnh non thiêng, được chạm tay vào Chùa Đồng, thắp nén hương thơm tỏ lòng ngưỡng vọng với đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị trong Trúc Lâm Tam Tổ là ước mơ trên hành trình khám phá đất nước của bao người!
Không chỉ kết nối các di sản trong nước, ngành du lịch Việt Nam còn đẩy mạnh việc kết nối ra nước ngoài qua nỗ lực tham gia chương trình “ 3 quốc gia một điểm đến” gồm Việt Nam - Lào - Campchia, hay “5 quốc gia - một điểm đến” gồm Việt Nam - Lào-Campuchia - Myanmar - Thái Lan. Đây là mô hình tiêu biểu cho sự kết nối các di sản văn hóa để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản phục vụ sự phát triển du lịch, từng bước nâng cao hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên thế giới./.