Huyền tích Tà Pi núi Tô (Kỳ I)

10/11/2021 14:36

Theo dõi trên

Cho đến tận bây giờ, người dân Kh'mer sinh sống ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang vẫn còn đồn đại về chuyện cách nay hơn 100 năm có một vị tiên tại thế ẩn tu ở núi Tô thuộc tỉnh An Giang. Vị tiên này chuyên luyện linh đan thần dược trị bệnh và đã cứu được rất nhiều người mắc bệnh nan y.

dscf0220-1636445347.JPG
Cổng cũ chùa Hang (chụp năm 2012)

Người Kh'mer gọi vị tiên tại thế này là Tà Pi, còn người Kinh gọi là ông Cồ.

GIAI THOẠI ÔNG TIÊN CỒ

Ông Châu Quyền, cư ngụ phường 6, TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, bà nội ông là cụ Sót, ngày còn sống thường kể về sự linh nghiệm của thuốc Tà Pi. Thời đó, miền Nam còn thuộc quyền cai trị của thực dân Pháp. Cụ kể rằng, lúc đó cụ chỉ mới 20 tuổi, bị đau bệnh triền miên. Đúng vào dịp tết Chol Ch'nam Th'may, cụ bỗng ói ra máu ồ ạt rồi mê man bất tỉnh. Gia đình đưa đi bệnh viện của Pháp ở Cần Thơ. Sau 2 ngày nằm viện, cụ hồi tỉnh nhưng vẫn ói ra máu liên tục. Bác sỹ Pháp lắc đầu bảo đưa về nhà chuẩn bị chôn cất. Khi gia đình chuẩn bị thuê xe ngựa đưa cụ về thì có vài người Kh'mer bảo rằng, ở vùng núi Tô, Tri Tôn có một ông Tà không mặc áo chuyên làm phép cứu người rất linh nghiệm. Với người Kh’mer, ông Tà là vị thần tiên có nhiều huyền thuật, cho dù còn sống hay đã qui tiên.

Bấu víu vào lời đồn nhuốm đầy màu sắc huyền bí làm niềm hy vọng mong manh, gia đình thuê xe ngựa nhắm hướng Tri Tôn đi suốt ngày lẫn đêm. Mất 2 đêm 1 ngày, 2 lần dừng chân vì con ngựa già nua kiệt sức lăn ra đất bất tỉnh, gia đình mới tìm được nơi ẩn cư của ông Tà tại thế. Đó là một hang đá hoang sơ dưới chân núi Tô. Khi ấy, cụ Sót đã gần như chết hẳn, chỉ còn thoi thóp. Ông Tà đặt cụ Sót nằm trên tảng đá phẳng rồi nhổ một nắm ngải giã nát. Nước ngải vừa vào miệng, cụ Sót đã tỉnh dậy ngay. Sau 2 ngày điều trị, cụ Sót tỉnh táo, khỏe mạnh như người chưa từng bệnh. Thế là người nhà để cụ Sót ở lại hang đá suốt 3 tháng làm lao công quét dọn để trả ơn cho ông Tà Pi.

Tiếng lành đồn xa, người Kh'mer khắp vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long nườm nượp kéo đến xin thuốc. Lạ là, bệnh gì ông Tà cũng dùng củ ngải giã nhuyễn cho bệnh nhân uống.

Một giai thoại khác liên quan đến Tà Pi cũng không kém phần thú vị. Vào khoảng năm 1890, một cô gái tên Mai Thị Hui ở Bạc Liêu bị bệnh nặng nằm liệt giường không nói năng gì suốt cả năm trời. Một hôm bệnh trở nặng, cô gái chết, gia đình đã chuẩn bị làm đám ma. Bất ngờ, sau khi chết 1 ngày, cô tỉnh dậy cất tiếng thều thào kể: Cô nằm mơ gặp một ông Tà râu dài dẫn đường đến vùng núi Tô xa xôi hiểm trở. Ông Tà bảo cô đến đó tu. Nói xong, cô gái tắt thở. Gia đình nghĩ đó là lời trăn trối của người chết nên không hỏa táng theo phong tục cổ truyền Kh’mer mà đưa linh cửu cô gái về núi Tô địa táng. Họ thuê 1 chiếc xe ngựa chở thi thể cô gái về vùng núi Tô suốt 2 ngày 1 đêm. Khi chiếc xe ngựa đưa linh vừa rẽ vào con đường mòn vào chân núi thì gặp 1 ông già râu dài đứng chống gậy ven đường ngoắc lại. Ông già cho biết đang đón đệ tử vào núi tu.

dscf0223-1636445469.JPG
Lối vào hang ông Cồ tu tiên

Lấy làm lạ trước sự trùng hợp với lời trăn trối của người chết, gia đình dừng xe. Ông già bảo mọi người đưa thi thể cô gái vào hang núi. Ông già dùng nước ngải cho vào miệng tử thi thì cô gái… bật ngồi dậy. Vừa trông thấy ông già, cô gái quì sụp xuống lạy. Hóa ra, đó là ông già trong giấc mơ của cô gái trước khi chết. Từ đó, cô gái ở lại hang đá làm truyền nhân của Tà Pi cho đến ngày quá vãng.

Hiện nay, một số gia đình Kh'mer, Hoa vẫn thường gọi tên Tà Pi khi khấn vái, khẩn cầu trong các lễ cúng giải hạn, giải tai ương, tật bệnh.

CHÙA HANG ÔNG CỒ VÀ SỬ TÍCH VÙNG ĐẤT TẦM PHONG LONG

Những giai thoại nhuốm màu sắc huyền bí về Tà Pi chữa bệnh bang ngải được rất nhiều người Kh'mer khẳng định là hoàn toàn có thật.

Nơi Tà Pi đã từng tu luyện phép tiên cho thuốc cứu người thuở xưa là một hang đá nằm ven chân núi Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Người đời sau đã cất một ngôi chùa bao trùm lấy chiếc hang. Vì vậy ngôi chùa có tên là chùa Hang. Người Kinh gọi hang đá của Tà Pi đã từng trú ngụ là hang ông Cồ hoặc chùa ông Tiên Hai.

Ngôi chùa nằm cạnh một khối đá to, cao. Chùa không thuộc hệ phái Phật giáo. Gọi là chùa nhưng cách bày trí các bàn thờ như một ngôi miếu thần. Phía trước ngôi chùa là một cái miễu thờ ngũ vị nương nương của người Kh'mer gồm: Bà Kha Mau, Dì So, bà Prey Yeng, Dì Sroc, Bà Neskong.

Gian hậu liêu chùa có 3 ngôi mộ của những người thủ từ đời trước gồm: Bà Mai Thị Hui, ông Trương Thanh Ngộ và bà Mai Thị Y.

dscf0244-1636446138.JPG
Hang chính

Phía sau gian hậu liêu là lối xuống hang đá nơi ông Cồ từng sinh sống. Lối vào lòng hang hẹp vừa đủ một người chui lọt. Lòng hang sâu khoảng 50 mét được chia làm 3 gian, cách nhau bởi những khe hẹp giống như cửa hang. Trong lòng hang có 17 bệ thờ các vị tiên, đẳng thần như: Mẹ Mâu (bà Kha Mau), chư vị Sơn Thần, trăm quan đại thần, "mẹ" Quán Thế Âm Nam Hải, Chánh Sát Đại Càn, Vạn Ban Ngũ Hành…. Những bệ thờ đó chứng minh ông Cồ thuộc tín ngưỡng đa thần, tức hệ phái Tu Tiên. Người thủ từ cho biết, ngày xưa ông Cồ sử dụng những tảng đá to làm bệ thờ. Những người thủ từ sau này dùng xi măng xây bê thờ cho sạch sẽ, khang trang.

Tu Tiên là một hệ phái do người Việt (bao gồm Kinh, Kh'mer và Hoa) đồng sáng lập và phát triễn mạnh vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 ở vùng Tầm Phong Long.

Vào năm Đinh Sửu (1757), Nặc Nhuận, hiến đất Srok Kleang (Trà Vang) và Preah Tra Peang (Ba Thắc) để cầu xin chúa Nguyễn là Võ vương Nguyễn Phước Khoát phong làm vua Chân Lạp.

Ngay sau đó Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh giết chết để cướp ngôi. Cháu Nặc Nhuận là NặcTôn, chạy về Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ, tâu với chúa Nguyễn xin làm tiểu vương Chân Lạp.

Võ vương Nguyễn Phước Khoát đồng ý, đoạn lệnh cho Tướng Thống suất ngũ dinh tại Gia Định là Trương Phước Du hợp cùng Mạc Thiên Tứ mang quân dẹp loạn Nặc Hinh. Để tạ ơn, Nặc Tôn tiếp tục cắt đất Tầm Phong Long (vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu), phía bắc của vùng Srok Kleang (Trà Vang) và Preah Tra Peang (Ba Thắc), dâng cho chúa Nguyễn.

Theo nhà nghiên cứu Nam bộ Vương Hồng Sển, địa danh Tầm Phong Long là cách gọi trại âm từ địa danh Kompong Luông của tiếng Khmer, có nghĩa là bến, vũng, sông của vua./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Huyền tích Tà Pi núi Tô (Kỳ I)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.