Trong báo cáo ngày 29/6, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC (HSBC Global Research) lựa chọn cổ phiếu VNM của Vinamilk vào danh sách 5 cổ phiếu đáng quan tâm nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn hiện nay. Nhận định này dựa trên kỳ vọng VNM sẽ hưởng lợi khi mặt bằng giá cả hàng hóa đang bước vào giai đoạn ổn định. VNM cũng là mã cổ phiếu trong ngành F&B duy nhất của Việt Nam được HSBC khuyến nghị trong báo cáo lần này. 4 công ty còn lại đến từ các mảng tài chính - ngân hàng, công nghệ - bán lẻ của Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất nói chung và Vinamilk chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các vấn đề về kinh tế - chính trị thế giới. Vì vậy, việc giá nguyên liệu bước vào giai đoạn điều chỉnh sẽ là tín hiệu tích cực góp phần cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp từ quý 3/2022.
Trong những tháng đầu năm 2022, cổ phiếu VNM không phải là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, một phần bởi dòng tiền đang mải mê với những “game” ngắn hạn. Tuy nhiên, VNM hiện lại là một trong những blue-chips mạnh nhất, khi đem lại lợi nhuận gần 12% trong 12 phiên gần nhất.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 (30/6), VN-Index lại một lần nữa thủng mốc 1.200 sau nhiều phiên giao dịch căng thẳng. Những cổ phiếu ít biến động như VNM trở thành “cứu tinh” của thị trường.
Kể từ lần cuối VN-Index đạt 1.500 điểm vào ngày 7/4, giá cổ phiếu Vinamilk chỉ giảm 8% trong khi VN-Index đã giảm hơn 20% (tính đến ngày 30/6) và nhiều cổ phiếu hàng top cũng mất tới 20-30% giá trị. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu VNM cũng tăng lên, trở thành “hầm trú ẩn” cho nhiều nhà đầu tư trong lúc thị trường đang chịu nhiều áp lực.
Thống kê cho thấy từ giữa tháng 6, VNM luôn xuất hiện trong danh sách những cổ phiếu trụ của thị trường. Một số chuyên gia cho rằng, dòng tiền đang bị thu hút bởi việc Vinamilk sắp chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tương đối cao 38,5% vào ngày 19/8 tới đây.
Đáng chú ý, Vinamilk luôn được biết đến là một “đại gia tiền mặt” trên thị trường chứng khoán. Dư tiền thuần trên báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 31/3 là 10.500 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng tài sản. Điều này phần nào lý giải cho việc dòng tiền có xu hướng dịch chuyển qua những cổ phiếu ổn định, bền vững và có tiềm lực tài chính lớn trong giai đoạn biến động dữ dội của thị trường chứng khoán như hiện nay.
Từ cuối năm 2021, Vinamilk cùng các công ty thành viên công bố đang triển khai các dự án lớn, hấp dẫn nhà đầu tư bởi tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Cụ thể, với công ty thành viên Vilico, Vinamilk đang triển khai đầu tư nhà máy sữa Hưng Yên 4.600 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đang cùng đối tác Nhật Bản, Sojitz thực hiện dự án bò thịt cũng có quy mô lên tới 30.000 con, vốn đầu tư 2.985 tỷ đồng, dự kiến ra thị trường vào năm 2023.
Cuối tháng 5 vừa qua, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã khởi công “Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu” có vốn đầu tư 3.150 tỷ đồng trên diện tích 170hecta.
Giai đoạn 1 của dự án trang trại Lao-Jagro đang được hoàn thiện trên tổng diện tích 5.000ha. Dự kiến vào đầu Quý 3/2022, đàn bò sữa thuần chủng nhập trực tiếp từ Mỹ cũng sẽ được đưa về trang trại.
Với tiềm năng phát triển dài hạn cùng những lợi thế về tài chính, quản trị chiến lược, có thể nói, cổ phiếu VNM luôn được ưu ái bởi nhiều công ty chứng khoán và quỹ đầu tư.