Hơi thở đờn ca ở Đất Mũi

09/03/2017 10:06

Theo dõi trên

Cà Mau được mệnh danh là vùng đất trẻ, vùng đất “sinh sau đẻ muộn” nhưng đờn ca tài tử (ĐCTT) ở đây phát triển khá nhanh. Trong ĐCTT, người Cà Mau còn gửi trao cho nhau những tình yêu lớn. Đó là tình yêu quê hương, đất nước bao la; tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng, cao cả; tình bạn tri kỷ gắn bó, keo sơn; tình anh em máu mủ ruột rà và tình yêu đôi lứa thiết tha…



Tiết mục khai mạc Liên hoan Ðờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Cà Mau lần thứ VII, tổ chức tại huyện Ðầm Dơi

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

 “Gió xuân bay về Cà Mau, qua Đầm Dơi nước sông lững lờ, bông tràm thoảng đưa mùi hương…”, xuôi thuyền theo lời ca, chúng tôi đã có dịp thưởng thức trọn vẹn một cuộc giao lưu ĐCTT ở huyện Đầm Dơi và được biết nơi đây có tới 88 CLB ĐCTT. Ông Ðặng Lâm Triều, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ðầm Dơi cho biết, các CLB sinh hoạt đều khắp ở 16 xã, thị trấn, với gần 1.200 thành viên, nhiều CLB duy trì sinh hoạt hàng tháng, còn lại sinh hoạt quý, ngày lễ, tết hoặc lồng ghép những buổi tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Mỗi CLB có từ 7 - 30 thành viên, là những người yêu thích bộ môn này và đa số ở độ tuổi trung niên. Có những nghệ nhân tự sáng tác, tự ca và tự đàn những bài bản về Ðảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người, sự đổi thay của quê hương Ðầm Dơi…

Trở về TP.Cà Mau gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Tắc Vân, chúng tôi đã có dịp trò chuyện và biết thêm nhiều về những thành tích nổi trội của xã. Ông Thanh phấn khởi cho biết: “Các phong trào của thành phố hoặc là cấp trên mở hội thi, Tắc Vân đều dự thi. Ở đây, có nhiều tay ca tài tử đi tham gia và đoạt giải A như ông Ðặng Thanh Tòng, có những em nhỏ như là Nguyễn Mai Anh, những tay đờn có ông Thắng... quý nhất bây giờ có ông Trần Văn Hùng”. Các thành viên trong CLB ĐCTT Tắc Vân đều có lòng đam mê và nhiệt huyết với đờn ca. Trong các đợt sinh hoạt, họ giao lưu và chỉ dẫn cho nhau cùng thể hiện đúng nhịp, phách theo kinh nghiệm và kiến thức của mình.

Mặc dù có nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động nhưng có thể nói việc thành lập CLB ĐCTT ở các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân có sân chơi giải trí lành mạnh, bổ ích. Qua đó, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, cùng nhau chung sức bảo tồn, duy trì môn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ - loại hình độc đáo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Tiếp lửa đam mê

Có dịp đặt chân đến Cà Mau nhân dịp Bảo tàng tỉnh đang tổ chức trưng bày chuyên đề “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ”, chúng tôi như hiểu sâu thêm về quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này ở Đất Mũi. Trong số hơn 850 hình ảnh, tư liệu, tài liệu, hiện vật, băng đĩa, bài bản của các soạn giả, thì những hình ảnh về ban ÐCTT của ông Nguyễn Tống Triều, ban ÐCTT đầu tiên lưu diễn ở nước ngoài năm 1900 đã khiến nhiều người trào dâng những cảm xúc. Qua đó, cho thấy ÐCTT đã nổi danh từ hơn một thế kỷ trước. Hàng chục loại nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử như: Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, song lang, ghi-ta phím lõm… cũng được trưng bày. Bên cạnh đó là gian trưng bày về các nghệ nhân, nghệ sĩ Cà Mau đã làm vang danh ÐCTT, cải lương. Đó là những hình ảnh, những bài ca tài tử viết tay của các nghệ nhân: Lâm Tường Vân, Tăng Phát Vinh, nghệ sĩ Huỳnh Khánh, soạn giả Trọng Nguyễn…

Ngoài việc hoạt động trưng bày này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau cũng đang triển khai thực hiện Ðề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ÐCTT Nam bộ tỉnh Cà Mau” (giai đoạn 2015-2020) và bước đầu tạo được nhiều tín hiệu vui. Năm 2016, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện việc kiểm kê, sưu tầm về nghệ thuật ÐCTT trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 400 CLB ĐCTT và ĐCTT đang là một trong số những tiêu chí bắt buộc để xét danh hiệu xã nông thôn mới. Vì thế khắp các xóm, ấp đều có CLB ĐCTT. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ ĐCTT cho người mộ điệu và các cán bộ văn hóa cơ sở.

Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau cho biết, công tác giữ gìn và phát triển ĐCTT ở Cà Mau đã sớm được quan tâm trước khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhờ vậy cho nên trong Liên hoan Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, Cà Mau cùng với 7 tỉnh, thành phố trong khu vực đã xuất sắc nhận Huy chương vàng tại Liên hoan Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và giải B với nội dung Triển lãm “Không gian Đờn ca tài tử”. Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, các nghệ nhân ĐCTT Cà Mau hôm nay đang khẩn trương tập dượt chương trình “Cà Mau - Nông thôn ngày mới” để tham gia Liên hoan ĐCTT Nam bộ trong Festival ĐCTT Quốc gia lần II - Bình Dương 2017 tới. Góp mặt trong đoàn nghệ nhân là những hạt nhân được tuyển chọn qua các kỳ liên hoan của tỉnh và khu vực. “Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo và đầy tâm huyết, Cà Mau sẽ đem đến cho khán giả cả nước những tiết mục đặc sắc mang hơi thở của vùng đất cuối trời phương Nam”, ông Tiến Dương nói thêm.


Minh Hiếu

Nguồn: Báo Bình Dương
Bạn đang đọc bài viết "Hơi thở đờn ca ở Đất Mũi" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.