
Sáng 10/11/2017, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (135 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học thơ Đường luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam phối hợp cùng Viện Văn hóa và phát triển, tổ chức.


.jpg)
PGS - TS Nguyễn Toàn Thắng - Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, đánh giá cao thể loại thơ Đường luật Việt Nam đối với lịch sử văn học và lịch sử dân tộc.
Thể thơ Đường luật trong giai đoạn này thể hiện trên bốn tiêu chí: Tựa một loại vũ khí chĩa thẳng vào thiết diện kẻ thù; Thức dậy lòng yêu nước nồng nàn của mọi tầng lớp nhân dân, khẳng định lòng tự tôn dân tộc; Cổ vũ những người yêu nước giữ vững chí khí, bất khuất đấu tranh trước kẻ thù; Xây dựng niềm tin sắt đá hướng tới thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng.

Giáo sư Nguyễn Đình Chú phát biểu tại hội thảo.
PGS - TS Nguyễn Toàn Thắng - Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, đánh giá cao thể loại thơ Đường luật Việt Nam đối với lịch sử văn học và lịch sử dân tộc. Ông cho rằng, thể thơ Đường luật mặc dù là thể thơ ngoại, nhưng khi vào Việt Nam, nó đã trở nên thuần Việt, bộc bạch nỗi niềm sâu kín của con người Việt Nam trước thời cuộc, thiên nhiên, nhân loại. Thế hệ chúng ta cần phải phát huy và giữ gìn thể thơ độc đáo này. Trải qua thời gian, có không ít tác giả thành danh với thể thơ này, như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Giáo sư Nguyễn Đình Chú nhận định, so với văn thơ yêu nước chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX, văn thơ yêu nước đầu thế kỷ XX đã phong phú hơn về thể loại, thề tài văn học và số lượng thơ Đường luật cũng tăng lên nhiều. Hầu như các chí sĩ ái quốc của giai đoạn này, không ai không có thơ Đường luật. Đặc điểm của thơ Đường luật trong văn học yêu nước và cách mạng nửa đầu thế kỷ XX, trong chặng đầu thì hầu hết vẫn là nhà nho.

Còn ở chặng sau thì không phải là nhà nho nhưng không ít cũng xuất thân nho gia, gộp chung lại có thể mệnh danh đây là loại hình nhà nho - chiến sĩ. Họ cầm bút trước khi là chiến sĩ, sau vào cuộc chiến đấu thì dùng ngòi bút làm vũ khí. Ở họ là một sự kết nối của hai tư cách: người chiến sĩ và người nghệ sĩ. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng... là những trường hợp có sự kết hợp đẹp này.
Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đánh giá thơ Đường luật Việt Nam là một hiện tượng của dòng văn học nước nhà cũng như là một hiện tượng của dòng văn học thế giới. Thơ Đường luật Việt Nam tồn tại hơn 1000 năm nay, ngay từ ban đầu nó đã thể hiện khát khao độc lập dân tộc, hòa bình thế giới, tiêu biểu như bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt. Giáo sư Nguyễn Khắc Phi mong rằng, tới đây nên tổ chức Hội thảo thơ Đường luật Lý - Trần, thơ Đường luật Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... để thấy rõ được giá trị vĩnh hằng của thể thơ này đối với văn học dân tộc.

Tại Hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thấy rằng Hội thảo thơ Đường luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX là một hội thảo quan trọng, tiếp tục khẳng định giá trị tinh hoa của thể thơ này đối dòng chảy lịch sử văn học dân tộc là không thể thay thế được.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đánh giá cao Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam cũng như Viện Văn hóa và phát triển đã làm tốt một cuộc hội thảo quy mô, ý nghĩa. Chúng ta cần những hội thảo như thế này để tiếp nối các giá trị văn hóa, tinh hoa dân tộc. Qua bài phát biểu, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định văn hóa chính là nơi chưng cất tinh hoa của dân tộc, nhân loại. Thể thơ Đường luật Việt Nam chính là văn hóa, tinh hoa của dân tộc ta.