Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020

22/06/2015 14:37

Theo dõi trên

Ngày 18/6/2015, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham gia góp ý nội dung Đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2016 – 2020.


Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Internet

Theo báo cáo, trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho hộ đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS để phát triển sản xuất đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các chính sách giảm nghèo mới dừng lại ở mức độ giảm nghèo về thu nhập, mức sống, chưa chú trọng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều; tốc độ giảm nghèo chậm và không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, vùng DTTS và miền núi cần thiết phải xây dựng và thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, bởi: vùng DTTS và miền núi là vùng chiến lược nhưng còn nhiều khó khăn, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng; là đối tượng nằm trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện, thủy lợi, khai khoáng…; các chính sách thực hiện tại vùng này đã hết hiệu lực hoặc đến thời điểm này không hợp lý; xuất phát điểm thấp, nghèo đói, chậm phát triển và nguồn nhân lực thấp vẫn là những tồn tại dai dẳng trong đồng bào DTTS; đặc biệt, xây dựng chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Tại Hôi nghị, đại diện các Vụ, đơn vị nhất trí và đưa ra các ý kiến đóng góp như: Tờ trình cần xác định định lượng để có mục tiêu cụ thể hơn; xác định cụ thể, sát thực hơn đối tượng thụ hưởng chính sách; phân tích nguyên nhân, sự cần thiết xây dựng chính sách có sức thuyết phục hơn; nên có bảng kê kèm theo về định mức hiện tại và định mức thay đổi… Đối với Đề án xây dựng chính sách, mức cho vay nên biến động (tối đa là 50 triệu đồng/xã); cần giải trình được nguồn vốn cho vay; làm rõ đối tượng thẩm đinh, cơ quan chủ trì thẩm định; rà soát lại định lượng để có mục tiêu cụ thể; dựa trên quỹ đất của địa phương để xác định thành phần thụ hưởng chính sách…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan nhấn mạnh: đây là chính sách quan trọng, gồm nhiều nội dung tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, bức xúc nhất của đồng bào các DTTS và miền núi, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, nhằm góp phần ổn định dân cư ở những địa bàn khó khăn.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu các Vụ, đơn vị cần tập trung trí tuệ cùng xây dựng dự thảo Đề án, yêu cầu Ban Soạn thảo chỉnh sửa Tờ trình theo đúng cấu trúc; đánh giá điều kiện của các vùng phải dựa trên số liệu đã được duyệt; tính định lượng đối với các định mức cần có cơ sở dựa trên định mức cũ cộng với trượt giá và tính đặc thù để có định mức hỗ trợ mới; tờ trình cần có phụ lục kèm theo. Đề án cần xác định mục tiêu rõ ràng; đối tượng cụ thể, chính xác; hỗ trợ phải có cơ chế ràng buộc rõ ràng; dựa trên tính đặc thù hộ DTTS để đưa ra mức hỗ trợ tối đa; lý giải lý do tăng vốn hỗ trợ;…và nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan đề nghị Tổ Thư ký tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chỉnh sửa Đề án chính sách để tiến hành các bước tiếp theo, hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.