Hiệu quả trong công tác xã hội hóa giáo dục ở xã Sơn Trạch

09/03/2016 17:08

Theo dõi trên

Sơn Trạch là một xã miền núi của huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân nên kinh tế - xã hội xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là về lĩnh vực giáo dục.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Trứ - Chủ tịch UBND xã cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục, thời gian qua Sơn Trạch luôn quan tâm đến công tác đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trên địa bàn. Năm vừa qua, xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đạo đức học đường, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Giáo dục ở bản Rào được ưu tiên, đặc biệt việc dạy và học cho 19 học sinh được thực hiện tại bản.

Giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia cho 2 trường (trường Tiểu học số 1 và trường Tiểu học số 4 Sơn Trạch). Hoàn thiện hồ sơ để công nhận trường Tiểu học số 2 đạt chuẩn, giữ vững kết quả phổ cập THCS và phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.



Trường Tiểu học Sơn Trạch

Cụ thể, bậc Mầm non có 585 cháu, trong đó có 43 cháu nhà trẻ, có 317 cháu đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, hoàn thành chương trình mẫu giáo cho 246 cháu đạt 100%, có 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2015, người dân đã đóng góp 206 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

Bậc Tiểu học có 3 trường học, gồm Trường Tiểu học số 1, số 2 và số 4 với tổng số học sinh là 1.078, học sinh giỏi 347 em chiếm 32,1%, học sinh khá 460 em chiếm 42,6%. 1 học sinh giỏi cấp tỉnh, 35 học sinh giỏi cấp huyện, 4 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2015, UBND xã đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho trường Tiểu học số 1 và số 2 Sơn Trạch, làm hệ thống sân trường cho trường số 2 và đầu tư bồn hoa, cây cảnh và mua sắm cơ sở vật chất cho trường Tiểu học số 4.

Bậc THCS có 766 em, học sinh giỏi 84 em chiếm 11%, học sinh khá 270 em chiếm 35,2%, tốt nghiệp lớp 9 đạt 98,3%. Có 4 học sinh đạt giỏi cấp tỉnh, 19 học sinh giỏi cấp huyện, 4 giáo viên giỏi cấp huyện. Bằng nguồn xã hội hóa giáo dục năm học 2014 - 2015 vừa qua, trường đã được trồng thêm nhiều cây cảnh đảm bảo cảnh quan cho nhà trường.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trên địa bàn đã cùng với trung tâm dạy nghề huyện mở được 2 lớp đào tạo chế biến món ăn và lớp học tiếng anh giao tiếp cho các đối tượng phục vụ khách du lịch, đào tạo mây xiên cho 30 học viên thôn Gia Tịnh.

Tuy nhiên, hiện nay công tác giáo dục, đặc biệt là xã hội hóa giáo dục ở địa phương vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do là xã miền núi, đời sống kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên thu nhập còn thấp, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập nên việc đi lại của các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Việc học sinh bỏ học ở một số thôn, bản vùng giáo dân còn xảy ra, chất lượng học sinh ở các khu vực còn chênh lệch, việc đào tạo nghề chất lượng chức cao so với tình hình thực tế của địa phương.

“Năm 2016, địa phương cùng các nhà trường tiếp tục vận động nhân dân đóng góp để xây dựng, tu sửa trường Mầm non Xuân Sơn, làm hàng rào cổng trường THCS. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm từng bước đảm bảo, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học, qua đó, tạo môi trường, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương”, ông Trứ chia sẻ.


PV

Bạn đang đọc bài viết "Hiệu quả trong công tác xã hội hóa giáo dục ở xã Sơn Trạch " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.