Hậu Giang: Tăng thu nhập từ nghề làm nhang

19/09/2015 15:54

Theo dõi trên

Cùng với các nghề tiểu thủ công nghiệp như đan đát lục bình, kết hạt cườm, bó chổi... thì nghề làm nhang cũng được khá nhiều lao động nhàn rỗi ưa chuộng. Hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất nhang tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, hoạt động khá hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình.



 Nghề làm nhang góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
 
Chúng tôi ghé thăm Tổ hợp tác sản xuất nhang Phú Xuân đúng lúc mọi người đang làm việc, không khí lao động khá nhộn nhịp. Các cô, các chị bên những máy làm nhang tự động, một tay cầm nắm tăm nhang, tay kia thoăn thoát đưa từng tăm nhang vào máy, thế là những nén nhang lần lượt hình thành nối nhau rơi xuống. Nhang làm xong được mọi người đem phơi, nắng gió sẽ làm nhang khô, đẹp. Trời nắng thì phơi một buổi, trời râm thì phải phơi từ một đến hai ngày. Bà Trần Cẩm Trinh, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, bộc bạch: “Vào làm ở Tổ hợp tác sản xuất nhang Phú Xuân, máy móc, nguyên liệu đều có sẵn, chúng tôi chỉ bỏ công làm mà thôi. Người già, trẻ con đều làm được, chỉ cần bỏ nguyên liệu vào ống, tay đút tăm nhang vào máy, sau đó mang đi phơi nắng cho khô”.
 
Nhờ tham gia làm nhang mà nhiều bà con ở địa phương đã cải thiện được cuộc sống gia đình. Như trường hợp của chị Trần Bạch Nhĩ, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm. Chị Nhĩ bị tật ở chân, việc đi lại rất khó khăn, nên chị chủ yếu ở nhà làm công việc nội trợ. Do đó, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ phụ thuộc vào thu nhập từ việc làm thuê, làm mướn của chồng chị. Chính vì vậy, khi địa phương có nghề làm nhang chị liền tham gia, vì công việc này phù hợp với điều kiện sức khỏe của chị. Khoảng 10 năm nay, chị tham gia làm nhang và cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước. Chị Nhĩ cho biết: “Từ ngày gắn bó với công việc làm nhang, cuộc sống của tôi đã ổn định hơn rất nhiều. Với lại, khi làm nhang, giờ giấc thoải mái, hưởng lương theo sản phẩm, mỗi tháng tôi cũng nhận được gần 2 triệu đồng, góp phần trang trải chi phí sinh hoạt gia đình”.
 
Quả thật, nghề làm nhang thích hợp với phụ nữ vì không quá vất vả, có thể vừa làm vừa lo việc nhà. Công việc làm nhang không nhất thiết người lớn, mà kể cả trẻ em cũng có thể làm được, vì máy móc đã làm gần như toàn bộ, con người chỉ thực hiện những công việc đơn giản như cho bột vào máy, đưa tăm vào máy, phơi nhang thành phẩm. Được biết, bà Trương Thị Thu, Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất nhang Phú Xuân chính là người cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm của bà con trong tổ hợp tác thời gian qua. Hiện nay, đầu ra sản phẩm tương đối tốt, nhang làm ra được bán tận Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Thu cho biết: “Nghề này làm quanh năm. Hiện nay, tổ hợp tác có 16 người tham gia với 8 máy làm nhang. Bình quân mỗi tháng chúng tôi chở hàng đi Thành phố Hồ Chí Minh 1 lần, mỗi chuyến đi khoảng 40.000 thiên nhang”.
 
Do nhu cầu tiêu thụ và đòi hỏi của thị trường ngày càng cao, nên tổ hợp tác đã không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Thu nhớ lại: “Trước đây, chúng tôi làm nhang bằng máy đạp nhang. Rồi hiện nay là máy làm nhang tự động. Sau thời gian phát triển, sản phẩm của chúng tôi ngày càng hoàn thiện nên được thị trường ưa chuộng. Với số lượng nhang hiện có vẫn không đủ cung cấp cho thị trường”.
 
Nghề làm nhang đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ làm nhang mà nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. “Với hiệu quả mang lại, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để nghề làm nhang có thể phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thị trấn Mái Dầm, cho biết.
 
Theo BÍCH CHÂU (Báo Hậu Giang)

Bạn đang đọc bài viết "Hậu Giang: Tăng thu nhập từ nghề làm nhang" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.