Hậu Giang: Sau lũ ngọt lại lo đối phó với hạn mặn

16/03/2015 17:08

Theo dõi trên

Giữa tháng 3-2015, tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh ven biển Đông và biển Tây ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hàng ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ mất trắng và bị thiệt hại nặng. Sau khi tìm ra giải pháp sống chung với lũ, giờ người dân ĐBSCL phải tìm ra phương kế thích hợp để chung sống với hạn mặn.



Đo độ mặn (ảnh minh họa). Ảnh: PHƯỚC NẾT

Độ mặn gia tăng ngay đầu mùa

Theo Tổng cục Thủy lợi, độ mặn lớn nhất trong đầu mùa khô năm 2015 cao hơn cùng năm ngoái từ 1-10g/l (1-10%o) ở nhiều cửa sông ĐBSCL. Theo đó, mùa khô năm nay, dòng chảy về đồng bằng thấp hơn năm ngoái, nên mặn trên sông, kênh ven biển sẽ tăng và lan nhanh.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) gia tăng khốc liệt, mực nước biển dâng, nguồn nước từ sông Mekong bị các đập thủy điện đe dọa sẽ tạo ra nhiều áp lực cho ĐBSCL. Viễn cảnh châu thổ không còn là “túi nước ngọt” rất gần - nhất là trong mùa khô khi “lưỡi mặn” từ biển Đông và biển Tây quét sâu vào đất liền. Lâu nay, các nhà khoa học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng ĐBSCL - vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong trước khi đổ ra biển. Đây là vùng thu nhập nguồn nước lớn nhất nước, cả từ sông và biển. Nhờ nguồn nước dồi dào, khối lượng phù sa lớn và điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, trong nhiều thập niên qua đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng vai trò then chốt đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng nguyên liệu cho xuất khẩu gạo. Nguồn nước sông Mekong vừa mang lại lợi ích kinh tế nông nghiệp và thủy sản, nhưng cũng là yếu tố hạn chế cho vấn đề dân sinh trong khu vực. Vùng ĐBSCL phụ thuộc vào hơn 80% tổng lượng nước ngọt hàng năm từ thượng nguồn sông Mekong. Chất lượng nước sông có thể bị chi phối cả ba tính chất: nước mặn từ biển Đông và biển Tây xâm nhập vào nội địa; nước chua từ các tầng đất phèn; nước ô nhiễm từ các hoạt động của con người. Tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng. Lũ thấp kết hợp với tình trạng không khí nóng làm nguồn nước hiếm hoi, nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ biển Đông, biển Tây xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi khó khăn trong cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

“Hạn hán sẽ kéo dài, nước mặn xâm nhập cao hơn lên thượng nguồn sông Mekong, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Đặc biệt, mức độ sẽ nghiêm trọng hơn do nước biển dâng và lượng mưa thay đổi” - đây là cảnh báo các nhà khoa học đưa ra cho mùa khô hạn năm 2015. Thực tế, trong những năm gần đây, “lưỡi mặn” từ biển Tây đã tràn vào tuyến kênh xáng Xà No, gây khó khăn về nguồn cung cấp nước ngọt cho thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) trong mùa khô.

Chủ động nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt !

Vừa qua, Hậu Giang phải xây dựng trạm cấp nước ở 8.000 để lấy nguồn nước ngọt cung cấp cho khu vực Vị Thanh. Song, “chất lượng nguồn nước mặt ở ĐBSCL ngày càng suy giảm, xâm nhập mặn trên sông Hậu đã tiến sát thành phố Cần Thơ. Nguồn nước mặt ở các tỉnh phía hạ lưu gần như không thể sử dụng cho mục đích cấp nước vì nhiễm phèn và nhiễm mặn” - đây là nhận định của Bộ Xây dựng. Đó cũng là một viễn cảnh tồi tệ cho “túi nước ngọt” ĐBSCL trong tương lai.

Khu vực ĐBSCL được dự báo chịu tác động lớn của BĐKH, trong đó có vấn đề mực nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có 39% diện tích ĐBSCL bị ngập, 35% dân số bị tác động trực tiếp. Nguồn nước ngầm trở thành nguồn cung cấp chính tại các tỉnh hạ lưu, nhưng nguồn nước ngày càng xấu khi khai thác quá tải và thiếu kiểm soát. Trữ lượng nước trong vùng suy giảm, độ sụt giảm mực nước 0,5-1m đối với giếng tầng nông, 3-4m đối với giếng khai thác sâu, kéo theo sụt lún nền đất. Trước đây, xung đột về nguồn nước ngọt chủ yếu diễn ra ở An Giang và Kiên Giang. Nguyên nhân chủ yếu là do An Giang xả lũ ở các đập lớn dẫn đến nước tràn về khu vực Tứ giác Long Xuyên gây thiệt hại nhiều diện tích lúa. Tình trạng này dần được khắc phục khi hai địa phương có sự phối hợp nhịp nhàng. Song, tình trạng xung đột giữa vùng sản xuất tôm - lấy nước mặn và vùng trồng lúa - lấy nước ngọt vẫn còn diễn ra, nhất là ở khu vực bán đảo Cà Mau.

BĐKH ngày càng khốc liệt hơn và tác động mạnh gây ảnh hưởng xấu ở ĐBSCL. Dễ thấy nhất là mực nước lũ ngày càng thấp hơn, điều đó đồng nghĩa với việc trữ nước ngọt trong vùng ngày càng thấp. Ngược lại, mực nước biển ngày càng dâng cao, ranh mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng và ngày càng có nhiều địa phương ghi nhận “lần đầu” nước mặn tràn vào các sông, tiến gần đến các đô thị xưa nay là vùng nước ngọt. Không ít ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều người, trong đó có lãnh đạo một số địa phương vẫn chưa hiểu sâu về BĐKH. Một số người cứ nghĩ đơn giản, thích nghi với BĐKH là xây đê, đập to và chạy dài ven theo biển là được. Nhà nước cần đầu tư cho một số nghiên cứu cấp bách hiện nay: nghiên cứu khả năng chịu đựng của các hệ thống thủy lợi hiện hữu bị ảnh hưởng BĐKH như các công trình: Nam Măng Thít, Ba Lai, Gò Công, đánh giá tổn thương và khả năng phục hồi, nghiên cứu ảnh hưởng BĐKH đến các vùng ngập nông, rìa vùng ngập lũ; hướng thích nghi với BĐKH ở vùng nông thôn -nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều dự án hợp tác với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài đã và đang triển khai ở ĐBSCL để thích ứng với BĐKH. Song, có thể nói rằng, đất nông nghiệp bị khô hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, người dân thiếu nước ngọt trong sinh hoạt sẽ là hai yếu tố “đe dọa” đến sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL. Chính vì vậy, giải quyết cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân sẽ là hai vấn đề cấp bách tại vùng đất được mệnh danh là “túi nước ngọt”!

Theo CAO PHONG (Báo Hậu Giang)

Bạn đang đọc bài viết "Hậu Giang: Sau lũ ngọt lại lo đối phó với hạn mặn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.