Tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Trống quân xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)
Hát trống quân là loại hình nghệ thuật độc đáo, phong phú, hấp dẫn của âm nhạc với dân gian với lối hát ví von, đối đáp giao duyên, thuộc lọai hình diễn xướng, mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc, lại vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt rất đỗi phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Hát trống quân thường được tổ chức vào ban đêm, dưới ánh trăng mùa thu, ngày tháng nông nhàn hoặc trong các dịp hội hè, lễ tết, khao vọng,…Theo sử sách, hát trống quân có quá trình hình thành và phát triển rất sớm, từ thời Triệu Việt Vương, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của người dân quê “nhãn lồng bổ ngập giao phay, gà con xuống ổ ba ngày nửa cân” .
Hiện nay hát trống quân Hưng Yên đang phát triển ở nhiều nơi và được bảo tồn, lưu giữ khá đầy đủ trên mảnh đất Hưng Yên điển hình như: Dị Chế, Hải Triều, Thụy Lôi, Cương Chính (huyện Tiên Lữ); Dạ Trạch, An Vỹ, Hàm Tử (huyện Khoái Châu); Tân Tiến, Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang); Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám (huyện Ân Thi); Thọ Vinh, Đức Hợp, Hùng An (huyện Kim Động); Việt Hưng (Văn Lâm). Việc truyền dậy trống quân cho các thế hệ trẻ là nhiệm vụ rất quan trọng để lưu giữ loại hình nghệ thuật này mãi sau này được một số câu lạc bộ ở các xã: Dạ Trạch, Vĩnh Khúc, Đồng Than tổ chức đều đặn. Hưng Yên hiện có 6 nghệ nhân hát trống quân được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.