Đây thực sự là cơ hội lớn để hát then của dân tộc Tày - Nùng - Thái được cả thế giới biết đến, là cú hích cho phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn làn điệu này trong thời gian tới.
Đặc sắc làn điệu Then của núi rừng...
Nếu như ca trù, quan họ, múa rối nước, hát chèo là đặc sản vùng Đồng bằng sông Hồng; dân ca ví dặm, hò vè là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân vùng Bắc Trung Bộ; đờn ca tài tử là niềm tự hào của người dân Nam Bộ thì Thực hành Then là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái vùng núi phía Bắc.
Hát then đi liền với đàn tính là nghệ thuật diễn xướng mang yếu tố tâm linh. Then có thể hiểu là thiên, vì thế người hát, múa Then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Then có nhiều hình thức biểu đạt như Kỳ yên với ý nghĩa là cầu mong cho mưa thuận gió hòa, giải hạn là cầu mong tránh khỏi tai họa, là xem duyên phận của các đôi trai gái, mừng thọ là chúc cho người cao tuổi sống lâu, then cấp sắc cùng các loại múa như: hái hoa, kiếm, chèo thuyền, đoàn quân sluông múa chầu trong cung đình... Đặc trưng của Then là giai điệu mượt mà, đằm thắm, âm hưởng đầm ấm tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng. Nhờ đó, hát Then vốn là văn hóa gốc của dân tộc Tày nhưng người Nùng, người Thái cũng hát Then.
Nghệ thuật hát then Tày.
Hiện nay, hát Then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái còn hát Then để ca ngợi quê hương, đất nước, con người.
Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết: “Thực hành Then tích hợp nhiều giá trị văn hóa, có nhiều cơ sở để UNESCO vinh danh. Thực hành nghi lễ Then bao gồm nhiều thành tố như hành lễ tín ngưỡng, kể chuyện, trình diễn trường ca dân gian và bao gồm cả hát Then và chơi đàn Tính nữa… Như vậy, Thực hành Then là một sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, rộng lớn hơn so với hình thức hát Then với cây đàn Tính”.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan khẳng định: “Then là một hành lối tín ngưỡng phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Tày - Nùng - Thái… ở Việt Nam. Tín ngưỡng tâm linh này đã tồn tại trong lịch sử, vượt qua thử thách của thời gian và đến nay vẫn được cộng đồng duy trì, phát triển. Tín ngưỡng này phản ánh nhiều tầng triết lý, lịch sử, văn hóa và cả tâm tư nguyện vọng của cộng đồng rất phong phú. Hơn thế, trong nghi lễ này có sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật đặc sắc như múa, nhảy, quạt và đặc biệt là hát Then với cây đàn Tính rất phổ biến. Với những cộng đồng Then, cây đàn Tính là đàn thiêng do người trời ban tặng, là một nhạc cụ chỉ có trong nghi lễ Then”.
Vẫn trăn trở bảo tồn
Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song hát Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đứng trước nguy cơ mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận.
Theo khảo sát tại tỉnh Tuyên Quang có tất cả 4 nghệ nhân nắm giữ làn điệu Then cổ thì 2 người đã mất. 40 hạt nhân văn hóa là người dân tộc Tày có nhiệm vụ phổ biến, duy trì làn điệu hát Then ở cơ sở cũng chỉ có một số người biết hát then cổ. Đáng lo ngại hơn là một bộ phận người dân tộc Tày không còn nói được tiếng mẹ đẻ. Thực trạng này là thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Then.
Hiện nhiều địa phương đã bảo tồn, phát huy giá trị làn điệu Then không chỉ chú trọng ở đội ngũ nghệ nhân, hạt nhân văn hoá mà cần đưa Then vào các trường học vùng hát Then của tỉnh để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các địa phương như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang... cũng đã chú trọng việc tổ chức hội nghị tôn vinh các nghệ nhân, hạt nhân văn hoá dân gian hằng năm để động viên, cổ vũ những người có đóng góp tích cực đối với đời sống sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Việc được đệ trình UNESCO cộng nhận Thực hành Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ là động lực để Then có sức lan tỏa hơn nữa trong đời sống người Tày - Nùng - Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.