Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Chúng tôi thuê chiếc xe ô tô để về với vùng đất của những chuyện kể ly kỳ: U Minh Hạ. Đối với không ít người, U Minh Hạ còn khá xa lạ.
Ở đây, những mẫu chuyện kể của Bác Ba Phi vẫn còn được bà con truyền tai, kể lại; hay những vạt rừng nguyên sinh vẫn còn dìu dặt một màu xanh đến nao lòng.
Từ cổng chào vào rừng, con đường láng nhựa thẳng tắp đưa chúng tôi đến đài quan sát cao tới 24 mét. Trèo lên điểm cao này, có thể phóng tầm mắt, ngắm nhìn một vùng trời mây và rừng trù phú bao la bốn phía.
Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Ở đây, vào mùa nước lên, du khách có thể thuê tắc ráng để men theo mạng lưới kênh, rạch chằng chịt như ô bàn cờ.
Dưới tán rừng tràm, giữa ngút ngàn lau sậy trổ bông trắng tinh là nơi cư ngụ của vô số loài động vật hoang dã như nai, heo rừng, khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, tê tê… trong đó nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ.
Và trong dòng nước óng ánh màu xanh đen ấy là hàng trăm loài cá nước ngọt và cá nước lợ tung tăng bơi lội.
Ở đây, du khách có thể thuê dụng cụ câu cá, tự tay bắt được những con cá từ làn nước xanh đen kia, để một lần được trải nghiệm cách sống của cư dân xưa trong những ngày đầu khai hoang mở cõi.
Anh Đông- một cán bộ quản lý rừng cho hay, nhiều du khách hứng thú với trải nghiệm câu cá nước ngọt ở rừng này. Do là rừng nguyên sinh nên cá có đủ thức ăn, không bị khai thác tràn lan, có con lớn đến vài ký lô là chuyện rất bình thường.
Cá lóc nướng- một trong những món ăn dân dã không thể bỏ lỡ khi đến thăm U Minh Hạ
Trong chuyến khám phá nửa ngày dưới tán rừng tràm, chúng tôi kém may mắn vì không câu được "đại kình ngư" như lời anh Đông nói, nhưng cũng được cả ký cá đồng để có thể chế biến thành một số món ăn được cho là trứ danh U Minh Hạ.
Cá lóc nướng hay nấu canh chua, kho tộ đều là những món ngon mang đậm phong vị nơi này. Cá nàng hai muối xả chiên cũng để lại dư vị khó phai. Thêm vào những món dễ "mần" kia, món mắm kho thì phải nhờ đến các chị phục vụ của vườn, vì chúng tôi mà nấu mắm thì khó mà ăn được.
Cũng để phục vụ cho thực khách được tốt, rất nhiều loại rau rừng đã được các chị ở đây hái sẵn, để lạnh trong tủ cho lúc nào cũng tươi. Tất nhiên, nếu có thời gian, khách cũng có thể tự vào rừng hái rau để bữa tiệc của mình có đủ chất gọi là "tự chế biến".
Trong câu chuyện dưới tán rừng già, bên bạn bè và những cư dân của vùng đất hiền lành này, chúng tôi được các anh, chị ở đây kể cho nghe câu chuyện về Bác Ba Phi, một nhân vật có thật mà như huyền thoại.
Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884 và mất năm 1964 tại vùng rừng này. Những câu chuyện trào lộng, không tên, được Bác Ba kể cho bà con giải trí sau những giờ lao động vất vả mang một ý nghĩa sâu sắc về thiên nhiên, con người, cuộc sống... đã trở thành những bài học hết sức hữu ích cho người dân địa phương, cũng như du khách gần xa. Lắng nghe câu chuyện "Ăn trứng rồng", "Cọp xay lúa, "Nếp dẻo".... của Bác Ba sẽ giúp bạn quên hết những nhọc nhằn bằng tiếng cười sảng khoái, tươi vui.
Bữa tiệc được chuẩn bị dưới tán rừng. Để thết đãi khách phương xa, anh Đông mang ra cây đàn guitar phím lõm, và chị Hạnh thể hiện những ca khúc về Cà Mau nghe mùi tới não.
Tôi lắng lòng để hồn mình phiêu lãng qua câu hát của chị Hạnh với bài hát Áo Mới Cà Mau (sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn) - "Một lần về U Minh nghe muỗi kêu nhớ rừng Cà Mau" mà hồn mình lân lân ngược dòng ký ức về một thời ông cha mở cõi.