Gia đình Thuấn – Joanna có lẽ là trường hợp hiếm gặp? Thuấn quê Thái Bình, một học sinh chuyên toán, được sang Ba Lan học đại học, tốt nghiệp vào lúc Ba Lan chuyển đổi chế độ, quê nhà đói, rách... Chẳng riêng gì Thuấn, cả một thế hệ cử nhân, tiến sĩ, công nhân lao động bơ vơ nơi xứ người, “tự cứu lấy mình” bằng buôn bán, tứ tung! Thuấn và Joanna lại “trót” yêu nhau từ hồi sinh viên, bây giờ có con. Con được mấy tháng rồi, không biết tính sao, Thuấn tìm cách đưa mẹ ở quê sang trông cháu...
Năm 2010 đến thăm, gặp mẹ Thuấn, một bà răng đen, nói năng, cử chỉ đích thực nhà quê mình, thật thú vị. Bà rất tự nhiên, thoải mái, kể mọi chuyện. Còn ông ở quê bị xuất huyết não, bại liệt khá nặng, Thuấn đưa sang đây chạy chữa mấy năm rồi, nhưng không đỡ, không tự phục vụ ăn, uống đi lại được. Ông ngồi trên xe lăn. Chào hỏi, ông có vẻ biết, nhưng không nói được...
Đang lúc chuyện trò với bà, thì một nhóc “tây con” đeo ba lô chạy vào nhà:
- Bà ơi có cái gì va vào mồm không?
- Đấy ông xem, chưa về đến nhà đã hỏi cái gi va vào mồm! Chào ông đi chứ!
- Cháu chào ông! Cậu bé Tây phát âm tiếng Việt sõi, giọng rất “Thái Bình”...
Bà bảo, nhà cháu từ bé chỉ biết bốc đất làm ruộng ở quê, sang đây cái gì cũng lạ. Nhưng kệ nó, mình thế nào, cứ thế mà sống. Lúc sang đây thằng cháu đầu mới được 6 tháng, bố mẹ nó cứ đi buôn bán tối ngày, hai bà cháu ở nhà cơm cháo với nhau... Sau này làm ăn khấm khá, các cháu mới mua nhà cửa, chuyển về đây... Quanh đi quẩn lại, bây giờ thêm ba đứa nữa rồi đấy...
- Con dâu có nói tiếng Việt với bà được không?
- Không. Tiếng Việt khó lắm, nó không học được. Nhưng mình nói, ra hiệu, nó cũng biết cả đấy.
- Thế bà có biết tiếng Ba Lan nào không?
- Ối giờ ơi, buồn cười lắm, ông ạ. Hôm Tết Tây, vợ chồng nó đưa tôi về thăm ông bà thông gia. Nó dặn tôi lúc gặp ông bà ấy, chỉ nói mỗi câu chào “Den- đô- bờ- rưi” là được. Dọc đường đi trên ô tô tôi cứ lẩm nhẩm cho thuộc. Những đến lúc xuống bắt tay, thì lại quên phắt đi mất, cứ đứng ngay ra cười... Ấy thế dưng cơ mà vui vẻ, thân tình lắm.
Bà cũng kể, hai ông bà có tất cả 6 người con, hai giai, bốn gái. Thuấn đưa anh cả và hai cô em gái sang đây, giúp anh em làm ăn đến nơi đến chốn, còn hai chị lấy chồng ở quê nhà. Bà bảo, ở bên này đứa nào cũng chịu khó làm ăn, giờ có nhà cửa, ô tô đàng hoàng, nhưng vợ chồng Thuấn cứ muốn ông bà ở cùng... Với lại nó làm cái nhà này rộng, phòng khách to, làm chỗ tập trung tất cả con, cháu, dâu, rể bây giờ mấy chục đứa chứ có ít đâu. Ông bà đã có bốn chắt ngoại rồi...

Hôm qua đến thăm, bà đã cắt tóc ngắn, màu răng phai bợt dần, trông “hiện đại” hơn một tí, nhưng may lại gặp một bà bạn của bà, giống hệt bà ngày xưa. Vườn nhà rộng, môt phần lớn dành cho cháu đá bóng, một phần nhỏ là vườn rau của bà. Lần này thăm vào cuối mùa nên vườn ra không xanh tươi như xưa, chỉ còn ít rau cải, ra thơm. Năm nay không thấy bà trồng rau, hành trong các hộp để trong nhà nữa... Ông vẫn nằm trên xe lăn như ngày nào, hỏi thì ngơ ngác!...
Hôm nay đến, đã hẹn phỏng vấn Joanna, xem cô sống gần 30 năm với một gia đình Việt Nam có thể nói là ngày càng “phức tạp” như vậy, làm sao thích ứng được và cùng chồng tạo dựng nên một gia đình hạnh phúc? Gái bốn con, chăm lo cho gia đình, việc ở công ty ngày càng phát triển, lại say mê công tác xã hội, làm cách nào vẫn giữ được vóc dáng thon thả, má lúm đồng tiền, xinh tươi như vậy?... Không may có công tác xã hội đột xuất gì đó nên Joanna không về kịp. Tối qua cô gọi điện xin lỗi.
Nay nghĩ rằng, không phỏng vấn lại hóa hay. Mỗi người đọc câu chuyện, sẽ tự cắt nghĩa theo ý mình. Viết đến đây, thật ái ngai cho một anh chồng Việt Nam khác, lấy vợ Tây. Khi vợ sinh con đầu lòng, anh háo hức đón mẹ sang chăm sóc cháu và con dâu. Được hơn 10 ngày, cô vợ bảo, hoặc anh bảo mẹ anh về, hoặc tôi sẽ đem con đi! Nghĩ tội nghiệp cho anh chồng này, càng thấy Thuấn nói “Cháu thật hạnh phúc” là điều quá chân thực. Vậy thì hạnh phúc hay bất hạnh, đến từ đâu?
Mạc Văn Trang