Hành hương Bình Thuận

10/08/2015 10:58

Theo dõi trên

Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Bình Thuận còn sở hữu một hệ thống chùa chiền, dinh vạn độc đáo và đậm nét văn hóa truyền thống miền biển.

Vạn Thủy Tú

Đây là một trong những dinh vạn lớn và cổ xưa nhất của tỉnh Bình Thuận. Nằm trên đường Ngư Ông (phường Đức Thắng, Tp. Phan Thiết), Vạn được xây dựng năm 1762 gồm chính điện đặt khám thờ thần Nam Hải. Trong Vạn hiện còn lưu giữ 24 sắc phong của các đời vua Nguyễn, nhiều di sản văn hóa Hán - Nôm liên quan đến nghề biển như tượng thờ, hoành phi, liễn đối trên văn chuông của Đại hồng chuông… Phía trước Dinh có khu đất rộng để mai táng Ông gọi là Ngọc Lân Thánh Địa. Trải qua hơn 200 năm, Vạn đã có trên 100 bộ cốt Ông được thờ, với hàng chục bộ rất lớn trong đó có Bộ xương cá Voi lớn nhất Đông Nam Á dài 22 mét với niên đại 110 năm. Vạn Thủy Tú đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1996.

Bên cạnh việc lưu giữ những di vật cổ liên quan đến nghề biển, Vạn Thủy Tú còn là nơi tổ chức Lễ hội Cầu Ngư đầu mùa với sự tham dự của bà con ngư dân địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Những năm gần đây, đáo lệ 2 năm 1 lần (vào các năm lẻ), Lễ hội Cầu Ngư còn có thêm nhiều phần hội như: Hát bả trạo, đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty, hát bài chòi, ẩm thực miền biển, hội chợ đồ mỹ nghệ từ vỏ sò ốc, thi đan lưới, kéo cá… tạo thêm không khí vui nhộn không những thu hút bà con ngư dân miền biển mà còn hấp hẫn đông du khách trong và ngoài nước đến tham dự và thưởng ngoạn.

 
 
Chùa Linh Sơn Trường Thọ trên núi Tà Cú.

Cổ Thạch Tự (Chùa Hang)

Cổ Thạch Tự, nghĩa là “chùa đá xưa”, nằm trên đồi Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Nơi đây có nhiều tảng đá lớn nguyên sơ, độc đáo nối tiếp và chồng lên nhau tạo thành nhiều hang động kỳ vĩ và huyền bí. Khí hậu mát mẻ, quanh năm chan hòa ánh nắng hòa cùng vị mặn mà của gió biển tạo nên một thiên cảnh thơ mộng và trong lành. Năm 1835, Thiền sư Bảo Tạng (quê Phú Yên) trên đường vào phương Nam hoằng dương Phật pháp đã chọn Cổ Thạch lập am tu hành.

Chùa Cổ Thạch ngày nay là một quần thể trải rộng hơn 4ha. Cổng chính vào chùa quay về phía Nam. Phía trước chính điện có 36 bậc thang bằng phiến thạch phía dưới bài trí hình tượng hổ chầu voi phục. Trên cổng tam quan có cổ lầu thu nhỏ và nóc cổng trang trí phù điêu giao long, kỳ lân, búp sen. Qua khỏi Ngọ môn là một loạt các hang động được tạo thành bởi những phiến đá tự nhiên cao hơn 10m xếp thành vòng cung bán nguyệt. Mỗi hang động mang một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí khác nhau được chỉnh trang làm nơi thờ Phật. Bên phải cổng tam quan là các kiến trúc nhà thiền, tự đường, giảng đường, nhà tăng. Phía sau chùa có nhiều công trình kiến trúc độc đáo ẩn mình trong các hang đá như khu Tam thế Phật, hang thờ Tam thế Mẫu, hang thờ Cửu thiên Huyền Nữ, hang thờ Bà chúa Ngọc…

Chùa còn bảo lưu nhiều di vật cổ như bộ sưu tập tượng Phật bằng gỗ, đồng, đá; một chiếc đại hồng chung đúc năm 1847; một chiếc trống sấm đóng năm 1848; nhiều bức hoành phi, câu đối; 10 sắc phong do các vua Nguyễn ban tặng. Hàng năm, chùa đều diễn ra các lễ hội lớn, trong đó có Lễ giỗ Tổ 25/5 âm lịch thu hút người dân địa phương và du khách đến dâng hương, ngoạn cảnh biển.

 

 
Đông đảo du khách tham dự lễ hội Dinh Thầy Thím Ảnh: Nguyên Vũ.

Linh Sơn Trường Thọ (Chùa Núi)

Tên chùa là do vua Tự Đức ban tặng để tỏ lòng biết ơn nhà sư Trần Hữu Đức, trụ trì chùa có công chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu. Chùa được xây dựng trên sườn phía Nam núi Tà Cú ở độ cao 475m, thuộc địa phận xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Năm 1872, nhà sư Trần Hữu Đức một mình lên núi Tà Cú tìm nơi thanh tịnh tu hành. Gần 7 năm sau, dân địa phương huy động công sức dựng lên một ngôi thảo am nhỏ trên núi để nhà sư tu hành.

Kiến trúc chùa mang đậm dấu ấn tôn giáo thể hiện rõ qua vị trí tọa lạc cheo leo trên sườn núi cao được bao phủ bởi rừng cây bạt ngàn. Do hầu hết các hạng mục cổ xưa đã xuống cấp nên từ năm 2007 chùa từng bước được trùng tu, tôn tạo. Khu chính điện có diện tích rộng hơn 500m2 với kiến trúc nhiều nóc dạng cổ lầu, các góc mái trang trí hình tượng giao long, đầu rồng đội bình nước cam lồ. Chùa còn có nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo với nhiều họa tiết hoàn mỹ đậm nét Phật giáo Việt Nam như: Ngôi Bảo tháp 7 tầng, Đông chung, Tây cổ, cổng tam quan, Nghi phương trượng, Tam thế Phật và nhất là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49 mét xây dựng năm 1962. Cách tượng Phật to lớn khoảng 50 mét là hang Tổ. Tương truyền, hang sâu thăm thẳm và ăn thông qua núi đến tận cửa biển phía Đông.

Bên cạnh hành hương và ngoạn cảnh quanh năm, khách thập phương còn về đây dâng hương, lễ Phật vào các dịp lễ, tết và giỗ Tổ vào mùng 5/10 âm lịch.

 
 
Bãi đá 7 màu cùng với cảnh quan chùa Cổ Thạch, đồi cát trắng đã tạo nên một quần thể tuyệt đẹp.

Dinh Thầy Thím

Thầy Thím là cách gọi thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với vợ chồng người đạo sĩ tài đức, giàu lòng nhân ái và từng cứu giúp nhân dân. Khi Thầy Thím qua đời, dân chúng trong vùng lập dinh thờ. Dinh nằm giữa khu rừng yên tĩnh có tên là rừng dầu Bàu Cái thuộc thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi.

Xây dựng vào năm 1879, quần thể kiến trúc của dinh được bao bọc bởi bức tường thành hình thang vuông có chu vi gần 400m. Nét nghệ thuật dân gian thể hiện rõ trong cấu trúc chính điện và các công trình phụ khác của dinh đều sử dụng lối kiến trúc tứ trụ, một mô hình kiến trúc tôn giáo phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ XVIII – XIX. Cách vị trí dinh 3km về phía Tây là khu mộ Thầy Thím nằm giữa rừng Bàu Thông. Khu mộ có 4 nấm mộ đắp bằng cát trắng. Theo truyền thuyết, 2 ngôi mộ phía Tây là của Thầy Thím, 2 ngôi mộ ở hướng Đông là của đôi Bạch hổ, vốn là vệ sĩ của Thầy Thím.

Được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia, dinh hàng năm có 2 lễ hội chính, đó là Lễ tảo mộ Thầy Thím vào ngày 5/1 âm lịch và Lễ hội Dinh Thầy Thím từ ngày 14-16/9 âm lịch. Mỗi năm, đều có hàng vạn du khách khắp mọi miền đất nước hành hương đến viếng Thầy Thím và hòa cùng niềm vui với những hoạt động hấp dẫn của lễ hội Dinh Thầy Thím.

Theo Nguyên Vũ (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Hành hương Bình Thuận" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.