Hà Giang: Nâng cao trình độ, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số

07/08/2015 16:13

Theo dõi trên

Tỉnh ủy Hà Giang đã có chủ trương đột phá trong công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời gian qua.

 
Ảnh minh họa

Sự kiện Cao nguyên đá Ðồng Văn (gồm bốn huyện Quản Bạ, Ðồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh) được UNESCO công nhận và gia nhập mạng lưới Công viên Ðịa chất toàn cầu, là cú huých với Hà Giang, góp phần thu hút khách du lịch, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cùng với nhiều cơ hội khác, Hà Giang đang đứng trước cánh cửa rộng mở để phát triển, nhưng cũng còn không ít khó khăn. Muốn nắm bắt tốt cơ hội, vượt qua thách thức, thì khâu đầu tiên là phải chăm lo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số.

Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Hà Giang quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này với những cách làm cụ thể, phù hợp điều kiện của địa phương, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một tỉnh nơi địa đầu Tổ quốc còn nhiều khó khăn.

Qua các nhiệm kỳ, công tác tổ chức, cán bộ của tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới và đột phá, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp. Ðể có những con em đồng bào các dân tộc thiểu số được "chọn mặt gửi vàng", Tỉnh ủy Hà Giang thành lập 124 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú từ nhiều năm nay. Con em đồng bào các dân tộc ở vùng cao được ưu tiên, khuyến khích cử tuyển đi học chuyên môn ở ngoài tỉnh và học văn hóa ở các trường dân tộc nội trú trong tỉnh. Những năm gần đây, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong tỉnh tăng nhanh, nhiều cán bộ người Mông, người Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, La Chí... có trình độ sau đại học.

Ngoài ra, Hà Giang còn thực hiện chủ trương "đưa cán bộ xã lên học việc ở huyện sáu tháng; đưa cán bộ thôn lên học việc ở xã một tháng". Cách làm này giúp cán bộ nâng cao tầm nhìn, trau dồi kỹ năng tổ chức điều hành và củng cố thêm chuyên môn, nghiệp vụ, tăng tính chuyên nghiệp trong công tác.

Những năm gần đây, Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện đồng bộ từ quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đến bố trí sử dụng cán bộ. Trong đó công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có những chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh ủy Hà Giang luân chuyển 15 cán bộ chủ chốt các ban, sở, ngành về huyện, thành phố; 23 cán bộ huyện, thành phố về tỉnh; luân chuyển giữa các ngành 41 cán bộ; giữa các huyện ba người. 146 cán bộ được cử đi đào tạo về công tác xây dựng Ðảng; bốn cán bộ học lớp dự nguồn cao cấp tại Hà Nội; 502 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị,... Ðiển hình là huyện Quang Bình, lựa chọn và cử tuyển 30 con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học để tạo nguồn cán bộ. Trong huyện, số cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số chiếm 67%, trong đó cán bộ giữ chức trưởng, phó các ban, ngành là hơn 55,8%; cán bộ trong độ tuổi dưới 45, gần 53,5% .

Ðể tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Hà Giang xác định cái gốc là phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú; đồng thời chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số vào những vị trí phù hợp ở địa phương, cơ sở. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể xã hội về công tác tạo nguồn cán bộ. Quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng viên là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô,...

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Hà Giang: Nâng cao trình độ, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.