Góc khuất trên những chuyến đò giữa miền hoa lệ

30/08/2017 15:36

Theo dõi trên

Những năm qua, mặc dù đã có hàng chục cây cầu kiên cố hàng ngàn tỷ đồng cùng những chuyến phà hiện đại được đưa vào sử dụng nhưng đâu đó, chủ yếu là vùng ngoại ô TP Hồ Chí Minh, rất nhiều người dân vẫn ngày ngày đi trên những con đò ngang mỏng manh.

Những chuyến đò ngang cứ ngày ngày đi từ bờ này tới bờ kia, mải miết như chèo từ quá khứ, cùng những phận người nghèo nhỏ bé. Ở đó, với những bến đò có tên và không tên, trong êm đềm sông nước từ xa xưa, những con đò như đưa chúng ta vào một thế giới khác. Một thế giới sông nước đẹp đẽ nhưng gần như trái ngược hoàn toàn với vẻ hoa lệ vốn có của thành phố này.
 

Con đò từ xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) sang TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) là chuyến đò có tuổi đời hàng trăm năm. Ngày nay, thật lạ là cây cầu Phú Cường nối qua 2 bờ sông Sài Gòn đã được xây dựng hiện đại thì con đò này vẫn tồn tại, sát dưới chân cầu. Theo nhiều người dân, tập quán đi đò có từ lâu, mà giá lại rất rẻ, chỉ từ 1 ngàn đồng trở lên khiến nhiều người vẫn qua đò, thay vì chạy thêm khoảng hơn 2 cây số để đi cầu miễn phí.
 

Tuy nhiên, cũng không thể tránh được một thực tế rằng, người đi đò ở đây giờ rất ít. Chủ yếu là các bà, các mẹ đi chợ, hoặc học sinh đi học. Vì thế, dù vẫn duy trì nhưng phần lớn thời gian trong ngày, đò nằm buồn hiu ở bến.
 

Con đò từ xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) qua bên Nhà Bè là con đò khó đặc biệt, với quãng hải trình khá xa, lên đến chừng gần một hải lý băng ngang dòng sông Soài Rạp. Khách đi đò hầu hết là công nhân, học sinh hay người buôn bán thủy sản với thời gian biểu là sáng đi, tối về. 
 

Do địa hình đặc biệt, tại An Thới Đông có khá nhiều bến đò đang hoạt động. Ngoài con đò trên, một con đò khác cũng đưa khách băng qua sông Soài Rạp để sang bên huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Khác với những con đò khác, con đò này khá hiện đại, với vỏ bằng sắt.
 

Khách ngồi đợi đò ở bến An Thới Đông. Do sông rộng, đường xa mà khách lại ít nên việc đợi đò khá lâu, có khi lên đến cả tiếng đồng hồ.
 

Con đò Bảy Bé. Đây là con đò kỳ lạ, nằm ngay giữa san sát những… tòa cao ốc, chung cư hiện đại, nối một bên là quận 8, một bên là xã Phước Hội (huyện Nhà Bè). Theo nhiều người dân, sở dĩ chuyến đò Bảy Bé này còn hoạt động là do dự án xây dựng cầu băng qua sông bị chậm tiến độ nhiều năm và đi vòng thì xa thêm khoảng 6 - 7 cây số.
 

Một bến đò khác, cũng gắn bó với hàng trăm người dân là con đò nhỏ ở khu Miếu Nổi (quận Gò Vấp). Khác với những con đò khác, đò Miếu Nổi chỉ đưa khách ra Miếu Nổi, một ngôi miếu linh thiêng nằm giữa lòng sông Vàm Thuật chứ không băng ngang qua dòng sông. Những ngày cuối tuần, hay đầu tháng âm lịch, con đò này luôn chật kín khách qua lại.
 

Một chuyến đò không tên mà chúng tôi gặp ở ven tuyến Kênh Lộ bên phía Nhà Bè. Tại đây vẫn còn khá nhiều bến đò ngang chở khách, chủ yếu là phụ nữ từ phía Cần Giờ qua để đi chợ, mua bán thực phẩm khi cần.
 

Cuối cùng, con đò đặc biệt nhất ở ngoại ô thành phố mà tôi từng đi là con đò Xóm Gò (xã Phong Phú, Bình Chánh) của ông Bảy. Được biết, về mặt địa lý, xóm Gò chỉ cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng chừng hơn cây số. Người dân Xóm Gò, với khoảng 40 hộ, chỉ dõi mắt là đã thấy những ánh đèn lung linh của khu đô thị mỗi tối. Thậm chí, tiếng còi xe ở đó cũng nghe rất rõ. Tuy nhiên, để đến được “thế giới văn minh”, người dân Xóm Gò phải đi đò vì rạch Ông Lớn rộng khoảng 20 - 30 mét chắn ngang. 
 

Cũng như hầu hết các bến đò hiếm hoi còn sót lại của thành phố hiện nay, những con đò mỏng mảnh dường như đang dần trôi vào quên lãng. Mặc dù vẫn cực kỳ quan trọng với số ít người dân bởi nếu không có đò, họ không biết phải di chuyển bằng cách gì nhưng thực tế, phần lớn thời gian đò chỉ nằm yên ở bến. Như ông chủ đò tên Bảy bảo thì nhiều ngày chủ nhật, mưa không có khách, ông vẫn ngồi cùng con đó, bên dòng sông của đời mình từ sớm tới tối.
 
Đại Dương - Minh Ngọc

Bạn đang đọc bài viết "Góc khuất trên những chuyến đò giữa miền hoa lệ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.