Giúp sinh viên hiểu giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử

01/04/2019 14:28

Theo dõi trên

Nhằm tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, giao lưu học tập, đồng thời hiểu hơn về giá trị của những loại hình nghệ thuật dân gian, Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau (Phân hiệu) phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau tổ chức giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ kết hợp biểu diễn tuyên truyền các ngày lễ lớn năm 2019 trong học đường.

Tham gia chương trình có Diễn giả, Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử và Đội Tuyên truyền thông tin lưu động tỉnh Cà Mau.

Tại chương trình, ông Nguyễn Tiến Dương khái quát sơ bộ về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời khơi gợi sự tìm tòi, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này đến đông đảo sinh viên. Song song đó, các nghệ nhân CLB Đờn ca tài tử còn kết hợp với Đội Tuyên truyền thông tin lưu động biểu diễn minh hoạ những tiết mục nhằm mang đến cái nhìn chân thật hơn của sinh viên về loại hình nghệ thuật này.

 


Thành viên CLB Đờn ca tài tử và Đội Tuyên truyền thông tin lưu động biểu diễn minh hoạ.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX với nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Qua quá trình tiếp biến văn hoá và ảnh hưởng từ các làn điệu âm nhạc dân gian, loại hình này dần tạo được vị trí và có sức ảnh hưởng lớn trong kho tàng văn hoá nghệ thuật Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Dương chia sẻ: “Đờn ca tài tử đã đi vào đời sống tinh thần của người Cà Mau từ hàng trăm năm qua và trở nên phổ biến trong các dịp giao lưu, tiệc tùng, cưới gả… ở thôn quê. Chơi tài tử là cách chơi dân dã, không phân biệt sang hèn, địa vị. Nhạc cụ để diễn tấu trong đờn ca tài tử cũng đa dạng, từ đờn cò, đờn tam đến đờn tỳ bà, sáo… Tất cả hoà làm một, tạo nên sự thơ mộng cho vùng đất cực Nam Tổ quốc với những người con hào sảng, nhiệt tình”.

Với thời lượng gần 2 giờ đồng hồ, các bạn sinh viên được nghe chia sẻ của khách mời không chỉ kiến thức về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, mà còn được nghe chuyện đời, chuyện nghề của những nghệ sĩ. Thông qua hình thức giao lưu, tương tác lẫn nhau, sinh viên phần nào hiểu về đờn ca tài tử và những giá trị mà nó mang lại trong đời sống tinh thần của người Cà Mau nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung.

 
Minh Sang
Theo Cà Mau

Bạn đang đọc bài viết "Giúp sinh viên hiểu giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.