Giữ nét đẹp văn hóa trong lễ hội (kỳ 1): Những “điểm nóng” đã giảm nhiệt

21/02/2017 16:45

Theo dõi trên

Mùa lễ hội năm nay, “sạn” vẫn còn, nhưng cũng có những chuyển biến tích cực: Lễ hiến sinh với những nghi thức bị cho là kích động bạo lực, phản cảm đã được hủy bỏ ở nhiều nơi, lễ phát ấn đền Trần bớt hỗn loạn, xô bồ… Có sự chuyển biến này là nhờ sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý văn hóa, cùng sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân.



Lễ hội đả cầu cướp phết tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc) không tung phết để tranh cướp, nên không còn cảnh đổ máu để tranh giành. Ảnh: laodong.com.vn

Giảm bạo lực, phản cảm

“Đưa lễ hội vào nền nếp, năm sau phải tốt hơn năm trước” - mục tiêu Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện hướng tới trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Vì xác định lễ hội là lĩnh vực đan xen giữa yếu tố thực tiễn của đời sống với yếu tố tâm linh, tín ngưỡng; những giá trị văn hóa, truyền thống đan xen với yếu tố kinh tế, lợi ích... nên người đứng đầu ngành văn hóa chủ trương trong công tác quản lý không thể nóng vội, chủ quan. Lường trước những vấn đề nảy sinh, ngày khi mùa lễ hội 2016 kết thúc, những hạn chế, khuyết điểm của mùa lễ hội này đã trở thành bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý mùa sau.

Trên thực tế, dù những ngày qua vẫn còn một số “sạn”, như hình ảnh nhà sư ném lộc gây cảnh tranh cướp, hỗn loạn ở lễ hội chùa Hương; Hội Gióng ở đền Sóc (Hà Nội), Hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ)… bị “vỡ trận”, nhưng đánh giá khách quan, so với năm 2016 và những mùa trước, lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến. BTC lễ hội đả cầu, cướp phết tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc) không tung phết để tranh cướp, nên không còn cảnh đổ máu để tranh giành.

Những năm trước, lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) với hủ tục chém lợn giữa sân đình; Yên Bái với nghi thức treo cổ trâu, lễ hội Cầu Trâu tại các xã Hương Nha, Xuân Quang (Tam Nông, Phú Thọ) gây phản cảm với hình ảnh đập đầu trâu đến chết. Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã trực tiếp đối thoại với người dân - những chủ thể của lễ hội - để tuyên truyền họ bỏ những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại.

Ngoài việc ban hành Thông tư 15, bộ cũng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, kết quả, 2 năm nay hủ tục chém lợn công khai đã được làng Ném Thượng nhất trí loại bỏ. Mùa lễ hội 2017, nhiều làng Cơ Tu, Cơ Ho ở miền Trung và Tây Nguyên cũng không còn tổ chức đâm trâu. PV Báo Lao Động cũng đã liên tục có mặt ở nhiều “điểm nóng” mùa lễ hội, nơi mà những năm trước để lại ấn tượng chưa đẹp, với hình ảnh bạo lực, phản cảm, thì năm nay đều ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam tỉnh An Giang được đánh giá là mô hình quản lý điển hình về trật tự, an toàn, các hiện tượng tiêu cực xảy ra ít. Một số lễ hội lớn khác như Yên Tử, chùa Bái Đính đã giảm đáng kể những hình ảnh phản cảm. Theo bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần 2017 - lễ hội năm nay tổ chức thành công, nghi lễ được diễn ra trang trọng, tôn nghiêm, đúng quy định của pháp luật. Năm nay đã giải quyết được tình trạng lộn xộn trong và sau khi tổ chức lễ khai ấn, đặc biệt là hạn chế được tình trang chen lấn, vượt rào “cướp lộc” trên các ban thờ.

Theo Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành, có sự chuyển biến tích cực trong mùa lễ hội năm nay là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, các ban tổ chức lễ hội của địa phương rất chuyên nghiệp, tăng cường công tác an ninh. Đặc biệt, nhân dân nhiều nơi đã đồng tình với việc xóa bỏ những hành vi phản cảm trong lễ hội.

Hướng tới điều tốt lành

Cả nước hiện có trên 8.000 lễ hội - được xem như “kho báu”, di sản văn hóa mà cha ông đã để lại cho thế hệ sau. Có lễ hội truyền thống mới có tiếng gọi cội nguồn, góp phần nhắc người dân về công ơn của những người đi trước. Cũng phải thừa nhận, bên cạnh việc mang lại những giá trị tốt đẹp, lễ hội bây giờ cũng xô bồ... Thay vì tìm hiểu ý nghĩa của nơi dâng lễ thì nhiều người chỉ quan tâm khấn lễ sao cho đúng quy trình, với mâm cao, lễ đầy. Tâm lý cái gì cũng muốn nhanh hơn, nhiều hơn người khác đang làm mất đi vẻ trang nghiêm ở những lễ hội văn hóa, tâm linh.

Mùa lễ hội 2017 vẫn còn những hiện tượng biến tướng, trục lợi trên lễ hội: Khai ấn tràn lan, một số nơi vẫn tổ chức hội chọi trâu “chui” để bán vé, thu tiền dù đã bị cấm. Xưa đi trẩy hội Lim để nghe hát, tôn vinh làn điệu quan họ được trao truyền qua bao đời, nay vẫn lúng liếng, vẫn mời trầu nhưng kèm đó là xin tiền, tiếng loa đài xập xình át tiếng liền anh, liền chị. Đó là những biến tướng mới, nếu không có sự sát sao, quyết liệt từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì bức tranh lễ hội sẽ khó khởi sắc.

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - để trả lễ hội về đúng giá trị của nó, hướng tới những điều tốt lành, chứ không phải là cảnh bạo lực, phản cảm, thì trước tiên những người tổ chức hãy trả lại đúng ý nghĩa của lễ hội, đừng thổi phồng vào đó những yếu tố tâm linh, không có thực để kích động tâm lý người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường yếu tố tuyên truyền, giáo dục, để người dân đến hội với tâm sáng, chứ không phải là những điều vụ lợi.


Đặng Chung - Linh Phương

Nguồn: laodong.com.vn
Bạn đang đọc bài viết "Giữ nét đẹp văn hóa trong lễ hội (kỳ 1): Những “điểm nóng” đã giảm nhiệt" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.