Giữ hồn đờn ca tài tử

16/02/2017 08:17

Theo dõi trên

Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) diễn ra tại đình Vạn Phước trải qua 23 mùa. Đó không chỉ là sân chơi văn hóa truyền thống của giới tài tử mà còn là dấu gạch, nối dài thêm hành trình bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT.

Ngày hội của giới tài tử

Dưới mái đình Vạn Phước ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, đêm 16 tháng Giêng, giới tài tử của các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bến Tre, TP.HCM và một số huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Châu Thành, Cần Đước cùng về tham dự Liên hoan ĐCTT lần thứ 23 năm 2017 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Cần Đước tổ chức.

Dù ở khá xa nhưng ban ĐCTT các tỉnh, thành phố vẫn đến rất sớm. Tài tử Kim Anh của Ban ĐCTT tỉnh Đồng Nai nói rằng: “Hàng năm, cứ đến lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại, tôi lại nôn nao trở về đình Vạn Phước dự liên hoan ĐCTT. Khi dâng nén hương lên tổ nghiệp, tôi tự nguyện tiếp bước thế hệ tiền nhân, rèn nghề để phục vụ người mộ điệu ngày càng tốt hơn”.

Lòng tri ân, hướng về nguồn cội đâu chỉ là những nén tâm hương, những lễ vật dâng cúng nhạc sư trong ngày lễ húy kỵ mà đó còn là những bản đờn, bài ca mang về tham dự liên hoan. Các bài ca ấy với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và sự đổi mới của quê hương, đất nước chính là những “tiếng tơ lòng” mà hậu duệ hôm nay muốn bày tỏ trước bàn thờ đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại.



 
Tiết mục tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Long An lần thứ 23 tại đình Vạn Phước

“ĐCTT lúc nào cũng là tiếng lòng, gắn với tâm tư, tình cảm người chơi. Vì thế, khi đến liên hoan, tôi biểu diễn bài vọng cổ nhịp 16 “Cội nguồn” để thể hiện sự tri ân, nhớ về nguồn cội” - tài tử Ngọc Hiền của Ban ĐCTT tỉnh Tiền Giang chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian, Trưởng ban Thẩm định nghệ thuật tại Liên hoan ĐCTT - Võ Trường Kỳ, những bài bản mang về dự liên hoan còn ít các bài ngự mà năm xưa nhạc sư Nguyễn Quang Đại sáng tác. Vì vậy, mong rằng, giới tài tử sẽ tích cực tập luyện những bài ngự biểu diễn vào các liên hoan năm sau để các bài bản này không mai một theo thời gian.

Trao truyền giữa 2 thế hệ

Qua nhiều năm diễn ra, có thể thấy, những gương mặt trẻ ở liên hoan ĐCTT không còn hiếm. Tài tử trẻ nhiều nhưng những nghệ nhân dân gian như Trung Dung, Út Bù và nhiều tài tử gạo cội vẫn không thiếu. Sự gặp gỡ, giao lưu đờn ca giữa 2 thế hệ tài tử trong liên hoan cũng là hình thức trao truyền để loại hình nghệ thuật vừa dân gian, vừa bác học này sống mãi với thời gian.

Quê ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tài tử Nguyễn Thành Tâm, 38 tuổi, thường sinh hoạt câu lạc bộ ĐCTT xã, huyện sau những lúc nông nhàn. Năm 2017 là lần đầu tiên anh bước lên sân khấu tham gia liên hoan ĐCTT nên những cảm xúc hồi hộp, lo lắng và nôn nao cứ đan xen trong lòng.

Tài tử Thành Tâm cho biết: “Lần đầu dự liên hoan nên tôi có nhiều thiếu sót. Sở trường của tôi là hát những bài vọng cổ, các bài oán nên khi nghe các tài tử khác hát, bản thân học được cái hay và chưa hay từ bạn để tiếp tục tập luyện”.
Kết thúc liên hoan, Ban ĐCTT TP.HCM và huyện Cần Đước đoạt giải A chương trình. Ban Tổ chức cũng trao 30 giải A, 25 giải B cho các tiết mục biểu diễn tốt tại liên hoan.

Còn với tài tử lớn tuổi - những “cây đa, cây đề” trong giới tài tử luôn mong ước có dịp trao truyền nghệ thuật dân gian này đến với thế hệ hôm nay và mai sau.

Tài tử Thành Tri, 77 tuổi, của Ban ĐCTT huyện Tân Thạnh - người từng là diễn viên của Đoàn Cải lương Nam bộ chia sẻ: “Tôi rất muốn truyền dạy nghệ thuật này cho giới trẻ nhưng không có điều kiện. Vì thế, liên hoan này vừa là sân chơi văn hóa, vừa là môi trường học hỏi lẫn nhau thật hiệu quả giữa các tài tử”.

Nhưng, nếu chỉ có người chơi thì vẫn còn thiếu! Nghệ thuật ĐCTT “sống” khi còn đó người mộ điệu. Bởi, khi hát, khi ca mà có người xem, người cổ vũ thì tình yêu với nghệ thuật ĐCTT của người chơi sẽ không nguội tắt. Vì thế, những ngày diễn ra liên hoan, khán giả đến xem rất đông, trẻ có, già có chính là niềm hạnh phúc của người đờn, người hát.

Bà Dương Thị Năm, 76 tuổi, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước nói rằng: “Hai đêm diễn ra liên hoan, tôi đều xem đến hết. Nghe đờn, nghe hát hay quá nên tôi thấy thích và năm sau sẽ đi xem nếu liên hoan còn diễn ra”. Chính lời ca, tiếng hát, điệu đờn trong liên hoan truyền đam mê đến người xem.

Không chỉ là hình thức giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT, liên hoan còn là nơi rèn nghề cho giới tài tử. Từ đó, điệu đờn, lời ca hòa nhịp để sức sống của loại hình nghệ thuật dân tộc còn mãi với thời gian./.


Thùy Hương

Nguồn: Long An Online
Bạn đang đọc bài viết "Giữ hồn đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.