Gió vẫn thổi từ cát

14/02/2022 19:43

Theo dõi trên

Gió không ngừng thổi, những hạt cát theo các trận gió biển thổi tràn vào làng quê lấp ruộng, lấp vườn. Tất cả hằn in lên một nỗi khắc khoải về sự khốc liệt của tự nhiên, về cái nghèo khó đeo đẳng lấy người dân bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng.

Gió trong miền ký ức

Trong tổng chiều dài 120km đường bờ biển của Quảng Bình, hơn một nửa số ấy là những cồn cát nối tiếp nhau tưởng chừng không dứt. Nó trở thành một nét chấm phá cho hình ảnh làng quê ven biển Quảng Bình.

Ông Nguyễn Quang Năm, nguyên Bí thư Huyện uỷ Lệ Thuỷ, Quảng Bình trong một lần trò chuyện với người viết, kể lại: “Xưa kia, trên những đồi cát khô khốc ấy, chỉ có một loại cây dại có thể tồn tại và phát triển được là cỏ rười. Rười là một thứ cỏ giang mà người dân Quảng Bình dùng để nhóm bếp hoặc lợp mái cho những ngôi nhà mới, trước khi những ngôi nhà xây bằng gạch vữa ra đời. Sau này, những cây dương liễu chống hạn được trồng lên thêm trên những đồi cát mênh mông ấy để chống nạn cát bay, cát lấp. Nhưng trước một môi trường khắc nghiệt như ấy, những cây dương liễu không thể lớn lên thẳng tắp như bình thường mà cứ khẳng khiu, cong queo”.

anh-1-doong-ngua-bien-mat-nhuong-cho-cho-loi-vao-du-an-cum-trang-trai-dien-gio-bt-1644839610.jpg
''Đôộng Ngựa'' biến mất, nhường chỗ cho lối vào dự án Cụm trang trại điện gió BT

Giữa một không gian khắc nghiệt, nắng như thiêu như đốt, phủ lên những trận gió Lào khô khóc cuốn từng trận cát bay vào lấp làng lấp ruộng đồng mỗi khi hè đến. Hay những đợt mưa bão, lũ lụt cứ thay nhau tiếp diễn từ năm này sang năm khác mỗi khi thu qua đông sang, tất cả khiến cho cái nghèo cứ ăn sâu vào mỗi người dân Quảng Bình, kéo dài đằng đẵng từ năm này sang năm khác, đời này sang đời khác. Nhưng rồi tất cả cũng phải dần lùi vào quá vãng theo sự phát triển của thời đại.

Cách đây hơn mười năm, nét chấm phá đầu tiên cho sự thay đổi bắt đầu khi con đường tránh lũ dài hơn 40km được hình thành, chạy xuyên qua những đồi cát trắng dọc ven biển 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Những dự án nghỉ dưỡng, sân golf mới xuất hiện sau khi có con đường từng bước giúp người dân Quảng Bình nhận ra những tiềm năng lớn về du lịch ở nơi vốn là những cồn cát trắng khô khốc. Nhưng chẳng một ai nghĩ đến những trận gió Lào ào ạt đã từng cuốn đi bao nhiêu cát trắng bay vào lấp làng, lấp ruộng rồi đây sẽ trở thành một thứ “vàng mười” mới.

Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi trưa chiều cách đây mười lăm năm trước, với một đống sách vở, tôi đi bộ về phía cuối làng (Thôn 2 Thanh Tân, xã Thanh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ), men theo con khe cạn đi ra hướng sau biển để trèo lên “đôộng” Ngựa - đồi cát cao nhất làng tìm chỗ học bài.

Tôi thích ngồi đây học bài, không hẳn chỉ vì ở đây có một cụm cây dương liễu cong queo, cành lá sum suê như một cái lều che nắng, mà còn từ chỗ này khi phóng tầm mắt ra xung quanh, hình ảnh những cồn cát trải dài tít tắp chạy dọc về phía chân trời hiện lên rõ nét giúp tôi hình dung ra được sự to lớn bao la của quê hương mình. Thế nhưng mười lăm năm sau đó, “đôộng” Ngựa biến mất để dành chỗ cho lối vào dự án cụm Trang trại điện gió BT.

Gió thành “vàng mười”

Hơn hai năm trước, khi Tập đoàn Ami AC Renewables (AAR), đơn vị liên doanh hợp tác giữa AMI Renewables và AC Energy - một trong những thành viên tập đoàn đa ngành lâu đời và lớn nhất tại Philippines Ayala Corporation thông báo sẽ đầu tư cụm dự án điện gió tại khu vực cồn cát dọc ven biển phía Nam Quảng Bình, đã có nhiều nghi ngại từ giới chuyên môn về việc nơi đây liệu có đủ điều kiện về gió cho các các cánh quạt vốn nặng hàng chục tấn quay phát ra điện? Tuy vậy, những ai đã từng sinh ra và lớn trên mảnh đất vốn chỉ có “đặc sản” cát, nắng và gió Lào mới hiểu rằng - đó hoàn toàn là câu hỏi… thừa.

Cũng có những nghi ngờ từ dư luận về việc Ami AC Renewables liệu có triển khai dự án không khi mà các thủ tục pháp lý dự án trên thực tế bị kéo dài ra, tưởng chừng như không thể khởi công kịp trước tháng 10/2020. Nhưng rồi đến cuối cùng, những chuyến xe nối dài chờ các thiết bị máy móc liên tiếp tập kết tại bãi đất bên con đường tránh lũ dưới chân “đôộng” Ngựa đã xác thực cho việc nhà đầu tư sẵn sàng thực hiện dự án.

anh-2-mot-vung-cat-trang-rong-lon-ven-bien-2-huyen-quang-ninh-le-thuy-da-moc-len-nhung-cot-dien-gio-cao-vut-1644839610.jpg
Một vùng cát trắng rộng lớn ven biển 2 huyện Quảng Ninh - Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã mọc lên những cột điện gió cao vút.

Ông Phan Văn Thường, nguyên Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - nay là Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình tại thời điểm cách đây hơn 1 năm đã tự tin chia sẻ: “Cụm Trang trại Điện gió B&T là dự án điện gió đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Quảng Bình và được kỳ vọng sẽ mở đường cho làn sóng đầu tư vào lĩnh vực điện gió vào tỉnh Quảng Bình, địa phương vốn có nhiều tiềm năng tương đồng với tỉnh bạn Quảng Trị nhưng thu hút đầu tư điện gió đang có phần đi sau. Dự án cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và được sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương nên chắc chắn sẽ được khởi công kịp tiến độ đề ra để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh”.

Năm 2021, dịch Covid-19 lại tái bùng phát trên cả nước, nhiều địa phương phải quay lại áp dụng các biện pháp dãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ với các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn dịch. Ở phạm vi trên cả nước, các biện pháp chống dịch đã khiến tiến độ thi công các dự án điện gió bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Không ít dự án điện gió đã không thể vận hành thương mại kịp trước ngày 31/10/2021 để được hưởng cơ chế giá cố định (FIT) theo Quyết định 39/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng tại một vùng cát trắng rộng lớn ven biển phía Nam Quảng Bình, những cây cột gió cao cả trăm mét sau cùng đã được dựng lên, những cánh quạt với đường kính hơn 150m cuối cùng cũng đã xoay từng vòng từng nhịp tròn đều trước thời điểm cơ chế FIT đóng lại. Nhà đầu tư lẫn chính quyền cùng thở phào nhẹ nhõm.

Doanh nhân Võ Phước Sỹ, quê ở xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ - nơi thuộc một phần dự án cụm điện gió BT - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phước Sỹ, đơn vị thi công chính dự án Cụm trang trại điện gió BT tại thời điểm khi kết thúc cơ chế giá FIT, vui mừng chia sẻ: “Dù dịch dã mà vẫn hoàn thành dự án kịp cho nhà đầu tư ngay trên chính quê hương mình là vui lắm rồi. Ngay khi dự án BT vừa xong thì mấy dự án điện gió ở Quảng Trị cũng gọi vào giao thi công thêm một số hạng mục. May mắn là vẫn hoàn thành xong dự án cho họ kịp trước ngày 1/11”.

anh-3-khong-chi-co-nhung-cot-dien-gio-mot-vung-ven-bien-huyen-quang-ninh-le-thuy-da-xuat-hien-nhieu-nhung-trang-trai-chan-nuoi-lon-1644839610.jpg
Không chỉ có những cột điện gió, một vùng ven biển huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ đã xuất hiện nhiều những trang trại chăn nuôi lớn.

Theo tính toán, một năm sau khi Cụm trang trại điện gió (BT1 - BT2) chính thức vận hành, hòa lưới điện quốc gia, doanh thu dự kiến mang về cho dự án khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư cũng sẽ nộp vào ngân sách hơn 100 tỷ đồng (trước đó, trong quá trình xây dựng, cụm trang trại điện gió này đã nộp trên 400 tỷ đồng tiền thuế). Như vậy, sau bao nhiêu đời, bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng qua đi, lần đầu tiên người dân xứ cát Lệ Thuỷ, Quảng Ninh mới hiểu được giá trị to lớn đến thế từ gió cát. Thứ đã gần như khiến cho cái nghèo đeo đẳng mãi ở xứ này bao nhiêu đời.

Vĩ thanh

Giờ đây, chạy dọc con đường tránh lũ xuyên qua những cồn cát trắng ven biển phía Nam Quảng Bình, ập vào mắt khách phương xa sẽ là những cột điện gió cao vút với những vòng quay chuyển động liên tục. Hai bên con đường, từ chỗ lác đác chỉ có vài hộ dân sinh sống giờ đã mọc lên nhiều nhà cửa, biệt thự khang trang và cả những trang trại chăn nuôi rộng lớn bề thế. Hình ảnh của một xứ “cát lấp”, “cát bay” nghèo khó, xơ xác dần lùi lại quá vãng, chỉ còn đọng lại trong những câu chuyện cũ của một thế hệ …

Uông Ngọc Tân
Bạn đang đọc bài viết "Gió vẫn thổi từ cát" tại chuyên mục Kinh tế. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.