Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Châu Khê

25/01/2016 15:26

Theo dõi trên

Xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là một xã vùng cao biên giới, trong đó dân tộc ít người chiếm trên 71%. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới đến nay đã đạt nhiều kết quả khả quan, bên cạnh thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn như địa hình phân tán, dốc hiểm trở, địa bàn xã rộng, đời sống đồng bào rất khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều...

“Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, do điều kiện là xã miền núi xuất phát điểm thấp, nguồn lực nhà nước đầu tư cho Chương trình còn hạn chế nên việc xây dựng nông thôn mới xã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Vi Đình Khai – Bí thư Đảng ủy xã Châu Khê chia sẻ với phóng viên.
 
 
Ông Vi Đình Khai – Bí thư Đảng ủy xã Châu Khê - Ảnh: PV

Xã Châu Khê hiện có 3.131 lao động, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 92,14%, lao động phi nông nghiệp chiếm 7,86%. Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2010 - 2015, nông nghiệp chiếm 56,8%, dịch vụ, thương mại chiếm 29,7%, công nghiệp, xây dựng 13,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước tính 10,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 38,4%.  

Theo ông Khai, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã, đóng góp quan trọng vào tổng nguồn thu của xã, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Thời gian qua, xã đã có nhiều biện pháp để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, một số mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng mét tại bản Khe Bu, Kha Nà quy mô 35 hộ, diện tích 21 ha, mô hình chăn nuôi vịt bầu tại bản Châu Sơn, Châu Định, mô hình nuôi dê, trồng ớt, trồng mía. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, trình độ thâm canh sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa khai thác hết tiềm năng, nắm bắt thị trường chưa đúng hướng, chưa có biện pháp bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, giá trị thu nhập còn chưa được cao.

Trong khi đó, ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã chưa phát triển, hộ gia đình tham gia vào lĩnh vực này còn ít, chủ yếu tập trung ở thôn Khe Choăng, bản Châu Sơn. Nền kinh tế chủ yếu manh tính thuần nông, sản phẩm nông nghiệp tự tiêu thụ có giá trị thấp, dịch vụ thương mại có quy mô nhỏ, giá thành vận chuyển các mặt hàng còn cao, sức mua của nhân dân còn hạn chế nên có sự mất cân đối giữa cung và cầu.

Hiện nay xã cũng chưa có khu công nghiệp và sản xuất tiểu thủ công nghiệp lớn, chủ yếu là ngành tiểu thủ công nghiệp nhỏ, quy mô hộ gia đình như xay xát, mộc, nề, dệt thổ cẩm nên ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế.

Toàn xã có 1 HTX lâm nghiệp hoạt động nhưng chưa có hiệu quả. Các doanh nghiệp cũng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trên cơ sở hộ gia đình, cả xã có 2 doanh nghiệp, 1 doanh nghiệp xăng dầu, xây dựng, 1 doanh nghiệp chế biến gỗ.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân, hệ thống thủy lợi, giao thông, điện trên địa bàn vẫn còn nhiều trở ngại. Hệ thống thủy lợi tuy tương đối thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu nhưng hàng năm cần có sự quản lý điều tiết và tu sửa thường xuyên, các hệ thống thủy lợi cần được đầu tư xây dựng mới như hệ thống thủy lợi Khe Nóng, hệ thống thủy lợi kết hợp nước sinh hoạt dọc lưu vực giáp biên giới đến tận các thôn bản kể cả các vùng ngoài.

Hệ thống giao thông nội đồng gồm có 28,8km nhưng chủ yếu là đường đất thường gây lầy lội vào mùa mưa, gây khó khăn cho việc đi lại, các tuyến cần mở rộng để đảm bảo chỉ giới xây dựng.

Hệ thống điện trên địa bàn xã vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng sinh hoạt cũng như sản xuất. Toàn xã mới chỉ có 5 trạm biến áp, 2 bản Khe Bu và Khe Nà giáp ranh với nước bạn Lào có 250 hộ dân sinh sống thuộc dân tộc Đan Lai vẫn chưa có điện để sinh hoạt.

Đường giao thông nông thôn cũng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là tuyến đường 7A từ Khe Choang đi Khe Bu xuống cấp, lầy lội khi mùa mưa và bụi mù khi trời nắng. Đây là những nút thắt khó gỡ mà địa phương đang gặp phải trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

 
Tuyến đường 7A từ Khe Choang đi Khe Bu xuống cấp trầm trọng - Ảnh: PV

Trong thời gian tới, năm 2016, xã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất để có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015 - 2020 trên 7%, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2020 công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển chiếm tỷ trọng cao, thu nhập bình quân đầu người trên 17 triệu đồng/người/năm.

“Và để khắc phục những khó khăn và đạt được những kết quả đề ra, Đảng bộ, chính quyền, cùng toàn thể nhân dân mong muốn các cấp ngành cấp trên có nhiều chính sách hỗ trợ, quan tâm xã, để 100% hộ dân có điện sinh hoạt, hệ thống giao thông đi lại thuận lợi và có những biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất cho nhân dân”, ông Khai chia sẻ.

 
Nguyễn Song

Bạn đang đọc bài viết "Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Châu Khê" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.