Gian nan lớp học giữa rừng

15/03/2017 10:56

Theo dõi trên

Bên đại ngàn rừng đặc dụng Na Mèo hùng vĩ hiện có những lớp học đơn sơ được làm bằng gỗ, tre, lợp lá cọ, thiếu cả điện thắp sáng, rồi đến đồ chơi cho học sinh cũng được làm từ cây trên rừng. Đáng mừng thay, những cô, trò nơi đây vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, bám lớp, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Lớp học không điện

Được cô Vi Thị Chiến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Điện 1 (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) dẫn đường, qua một chặng đường dài 10 km dốc cao len lỏi dưới những lùm cây cổ thụ của rừng đặc dụng Na Mèo, chúng tôi đến điểm lẻ của Trường Mầm non Sơn Điện 1 tại bản Xa Mang.

Điểm lẻ này chỉ có hai lớp học do hai cô giáo phụ trách với 23 học sinh. Lớp học được người dân trong bản làm bằng tre, gỗ mái lợp ngói pro xi măng, hàng rào là những thanh tre. Những cây tre, tấm ván gỗ trên rừng được tận dụng chế tạo thành đồ chơi như: Cầu bập bênh, đu dây...

Đặc biệt, tại điểm lẻ Xa Mang vẫn chưa có điện thắp sáng phục vụ cho việc dạy và học. Mùa hè trời nóng bức không có điện để quạt mát, mùa đông tối trời mặc dù thời tiết lạnh buốt nhưng vì không có điện thắp sáng nên đành phải mở hết của sổ để lấy ánh sáng tự nhiên.

Gặp tôi, cô giáo Hà Thị Loan phụ trách khu Xa Mang, vui vẻ chia sẻ: “Lớp học xây dựng đơn sơ bằng tre gỗ, mùa đông thì rét, mùa hè thì nóng bức. Đồ chơi cho học sinh không có, điện cũng không có, học sinh chịu nhiều thiệt thòi lắm”.

Nhìn lớp học tối tăm do thiếu ánh sáng, cô Hiệu trưởng Vi Thị Chiến cho biết: “Lớp học ở Xa Mang được người dân trong bản xây dựng, kể cả đồ chơi cho học sinh cũng được người dân cùng nhau làm. Ngoài khu điểm lẻ Xa Mang, Trường Mầm non Sơn Điện 1 còn có khu điểm lẻ Na Hồ, khu điểm lẻ Sủa - Na Phường cũng gặp nhiều khó khăn. Lớp học được xây dựng bằng tre, gỗ, lợp lá cọ đơn sơ”.



Điểm lẻ khu Na Hồ với lớp học được làm đơn sơ bằng tre, gỗ, lợp lá cọ.

Gian nan đi tìm chữ

Sau khi vượt hơn 10 km đường đất dốc cao giữa một bên là vách đá dựng đứng và một bên là vực sâu nằm trong rừng đặc dụng Na Mèo, chúng tôi lại tìm đến khu điểm lẻ Na Hồ ở bản Na Hồ, xã Sơn Điện. Tại đây có hai lớp học, với 28 học sinh, phòng học được người dân trong bản làm bằng gỗ, tre lợp lá cọ. Đồ chơi, khu vui chơi cho học sinh mầm non hoàn toàn được người dân trong bản làm bằng cây tre, lá cọ.

Chia sẻ về những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, cô Lò Thị Hồng giáo viên điểm lẻ Na Hồ mong muốn: “Trường học được xây dựng đơn sơ bằng ván gỗ, lợp lá cọ rét buốt vào mùa đông, dột vào mùa mưa rất khó khăn cho việc ở lại học bán trú cho học sinh. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân luôn mong mỏi có được một lớp học khang trang đáp ứng việc học cho học sinh”.

Sau bản Na Hồ là bản Sủa và bản Na Phương. Hai bản này nằm biệt lập, bị chia cắt với các bản còn lại bởi con sông Luồng. Muốn sang hai bản trên buộc phải đi qua hai chiếc cầu tre bắc ngang qua hai nhánh sông Luồng. Bản Sủa và bản Na Phường nơi có Khu điểm lẻ Sủa - Na Phương dành cho học sinh mầm non hai bản.

Khu Sủa - Na Phường có ba lớp học với 44 học sinh. Lớp học được người dân bản xây dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, lá cọ. Sân trường có một bãi đá xanh to lớn đã trở thành nơi vui chơi cho học sinh. Các loại đồ chơi như đu quay, bập bênh được làm đơn sơ bằng gỗ, tre. Lốp xe máy, ô tô, xe đạp được các cô giáo xin từ những quán sửa xe đem về trường sơn màu lại để làm trò chơi cho học sinh.



Cô giáo Lương Thị Điệp phụ trách điểm lẻ khu Sủa - Na Phường chia sẻ: “Mong muốn có được một ngôi trường học kiên cố cho các em học sinh mầm non đỡ khổ. Khu trường hiện tại vào mùa mưa thì bị dột, mùa đông thì lạnh buốt. Gió lùa qua ván gỗ vào lớp học”.

Một năm 6 lần làm cầu

Bản Sủa và Na Phường nằm bên kia sông Luồng, phương tiện duy nhất để người dân qua sông là hai cây cầu tre bắc qua hai nhánh sông. Vào mùa mưa hai bản trên như một ốc đảo, bị cô lập hoàn toàn, học sinh khó có thể đi học. Nhiều khi nước sông dâng cao, chảy xiết cuốn trôi cả cây cầu. Khi nước rút người dân sẽ phải làm lại cầu, có năm họ phải từ 5 - 6 lần làm cầu. Vào ngày thường, muốn qua sông các cô giáo, học sinh phải đợi có người lớn đi cùng thì mới dám qua cầu.




Học sinh đi học phải đi qua cây cầu tre chênh vênh.

Anh Lộc Văn Huệ - Trưởng bản Na Phường, xã Sơn Điện chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng phải quyên góp sức người và tài sản để làm cầu tre qua sông. Mỗi lần làm cầu phải góp hàng trăm cây tre và huy động người dân trong hai bản ra để làm phải mấy ngày mới xong. Số tiền làm cầu tính ra cũng không ít ỏi gì”.

Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, ông Lục Hải Vân chia sẻ: “Các điểm lẻ trên nằm ở những vùng khó khăn của xã, thiếu vốn để đầu tư xây dựng mới, rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước cấp trên và các nhà hảo tâm. Đặc biệt là những khó khăn về giao thông, nếu có cầu kiên cố qua sông, qua suối thì tốt hơn. Nếu làm cầu tre gỗ qua sông, qua suối mỗi khi nước to cầu lại bị cuốn trôi”.


Sông Lô

Nguồn: vanhoadoisong.vn
Bạn đang đọc bài viết "Gian nan lớp học giữa rừng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.