Gian nan chăm sóc, bảo vệ đàn voi quý hiếm ở Đắk Lắk

10/07/2017 10:48

Theo dõi trên

Năm 2015, cán bộ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk phát hiện con voi đực 5 tuổi mắc bẫy săn thú trong tình trạng bị thương nặng ở bàn chân trái, phần đầu vòi gần đứt lìa. Tiếp đó, ngày 28/3/2016 Trung tâm lại cứu được một chú voi con 2 tháng tuổi mắc lầy ở giếng sâu khoảng 3 mét...



Cán bộ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk và chuyên gia nước ngoài

Ăn ngủ với voi

Trung tâm chăm sóc voi Đắk Lắk đặt ở bìa rừng thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, có 4 nhân viên thay phiên nhau “cài cắm” suốt ngày đêm. Hôm nay là phiên trực của anh Cao Xuân Ninh (30 tuổi – cán bộ trung tâm). Anh Ninh học ngành kế toán, theo nghề “bảo mẫu voi” được hơn 3 năm nay, như một cơ duyên. “Gôn còn nhỏ, nên phải cho ăn sữa bột pha vào bình có dung tích gần 2 lít. Khi nào đói, tự khắc nó sẽ hét lên. Chúng tôi sẽ mang thức ăn cho nó” – anh Ninh mở đầu câu chuyện.

Ở trong chuồng voi, một chiếc võng dây được bắt ngang bên này sang bên kia dành cho người nằm ngủ. “Chiếc võng này, hàng đêm khi “bé” Gôn “khóc” chúng tôi phải vào đó nằm cùng thì nó mới chịu “nín”. Không chỉ vậy, mỗi ngày chúng tôi thường xuyên phải ở cạnh nó, để khi nó đói là phải có sữa ngay. Chậm một lúc là không xong rồi. Được chiều chuộng, Gôn thường xuyên nũng nịu như em bé mới lớn” – anh Ninh tâm sự.

Câu chuyện của chúng tôi đang dang dở thì phải ngưng giữa chừng do “bé” voi đang gào lên thảm thiết vì đói. Các dụng cụ có sẵn như bình sữa, nước sôi, sữa bột… để cho nó ăn. Các thao tác của chàng trai “bảo mẫu” thoăn thoắt và gọn nhẹ. “Mỗi ngày nó ăn gần 2 bình sữa, thức ăn này luôn luôn phải có sẵn, nếu hết phải đi mua ngay. Trước khi pha sữa cho voi uống, bác sĩ đã căn dặn phải vệ sinh sạch sẽ, nhúng bình vào nước sôi để tiệt trùng. Voi càng bé khả năng dễ nhiễm bệnh càng cao, nhất là các căn bệnh liên quan đến hô hấp, hoặc qua thức ăn hằng ngày. Người mắc bệnh cảm cúm, hay các loài động vật khác như trâu bò phải cách li không được lại gần. Đêm về thì phải hẹn giờ tự thức giấc, lấy thứcăn cho nó. Thức ăn phải cho ăn đều và thường xuyên không kể ngày đêm” – anh Ninh cho biết thêm.

Cạnh “phòng” bên, Jun có vẻ trưởng thành hơn, ít khi “quấy rối” như cậu em Gôn. Tuy nhiên, voi càng lớn lượng ăn cho nó mỗi ngày chất cao như núi mới đủ. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ và chuối. “Mùa khô ngày nào cũng phải tắm để giải nhiệt cho nó. Cũng có những khi vết thương ở chân và vòi đau, nó hung giữ. Nhưng thời gian ở gần với môi trường con người, chúng tôi gần như đã thuần dưỡng thành công” – anh Ninh cho biết thêm.
 




Jun đã được chữa trị gần lành bệnh

Hành trình gian nan cùng voi chữa bệnh

Hai chú voi ở trung tâm, mỗi con mỗi bệnh khác nhau, nhưng qua bàn tay chăm nom săn sóc đội ngũ y bác sĩ… chúng dần ổn định, khỏe mạnh. Jun sau khi được người dân phát hiện bị mắc bẫy trong rẫy, đã được đưa về chữa trị. Tuy nhiên, chú voi này bị thương khá nặng ở chân trái, phần ngà voi gần như bị đứt lìa. Mất khá nhiều thời gian mới phục hồi sức khỏe cho nó. “Nó bị thương nên thời gian đầu tính tình nóng nảy, hay giận dữ. Vết thương dần lành, nó ngoan hiền hơn. Chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của đội ngũ bác sĩ tổ chức động vật châu Á hỗ trợ tiến hành chữa trị mới được” – bác sĩ Nguyễn Công Chung – Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk cho biết.

Mặc dù đã được chữa trị tích cực, nhưng vết thương của voi ngày càng có dấu hiệu tái đau, vết thương ở chân trái xuất hiện mũ. “Tháng 5-2016, bác sĩ bệnh viện Hoà Hảo TPHCM đã sử dụng máy chụp X-quang thì phát hiện, mảnh kim loại do dính bẫy dài 20cm vẫn còn găm sâu trong thịt của chú voi. Sau đó, bên tổ chức động vật châu Á hỗ trợ tiến hành phẫu thuật, gắp mảnh kim loại đó ra. Vết thương của nó bây giờ trắng, chứ không bầm tím như trước đây. Khả năng phục hồi vết thương này rất nhanh” – ông Chung nói.

Việc duy trì sức khỏe cho voi ghi nhận sự đóng góp to lớn của đội ngũ y bác sĩ thú y. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk cho biết, các bác sĩ thú y ở đây hầu như chưa học qua lớp đào tạo nào chuyên ngành về voi. Tất cả đều do anh em tự học và đượcđào tạo qua các chuyên gia quốc tế… truyền dạy kinh nghiệm, học qua mạng. Ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc trung tâm, kiêm bác sĩ thú y cho biết, chăm sóc bệnh tình cho voi là chuyên ngành mới mẻ ở nước ta, cho nên bắt buộc đội ngũ y bác sĩ vừa làm, tích lũy kinh nghiệm thực tế để nâng cao tay nghề. “Từ 6 giờ sáng hằng ngày, chúng tôi gửi báo cáo về tình trạng sức khỏe cho trung tâm bảo tồn voi Quốc tế, để có phương án ứng cứu voi khi gặp sự cố. Voi con có đặc tính rất đặc biệt, khác với các loài động vật khác. Cấu trúc của cơ thể voi mới được sinh ra vài tháng tuổi, mạch máu chưa hoàn thiện, dễ lây bệnh từ người, hoặc từ các loại động vật khác. Do vậy, hằng ngày chúng tôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Voi vừa đi vệ sinh xong là phải dọn dẹp ngay tức thì, sau đó phun thuốc khử trùng. Anh em, hoặc người dân mắc bệnh như cảm cúm, bệnh ngoài da chúng tôi không cho tiếp xúc gần. Do còn non, nếu tiêm, hoặc chuyền dịch vào cơ thể voi con sẽ bị vỡ mạch máu rồi chết. Nguy cơ voi chết là rất cao” – ông Chung cho biết.

Thời gian gần đây, hai tiến sĩ động vật là ông Bendixen Tuấn, và ông Philippa David Willem Johannet đã đến Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk để trực tiếp gây mê kiểm tra vết thương, đưa ra phác đồ điều trị cho Jun. Đến tháng 4/2015, đoàn chuyên gia về Voi từ Thái Lan qua hỗ trợ, gồm bác sĩ thú y Udorn Udsom và 2 người chuyên huấn luyện voi là ông Khajohnpat Boonprasert và ông Songkran Aoobkham, tiếp tục tư vấn và xử lý ổ mủ ở chân June ngay trong vạt rừng “mượn tạm” sau trụ sở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh đó, hơn 10 cán bộ, nhân viên trung tâm được phân công thay nhau chăm sóc con voi tội nghiệp, mà sau đó họ đặt tên là June, để kỷ niệm một ngày tháng 6 trung tâm thả nó trở về rừng nhưng nó đã tìm đường quay lại, không rõ do đàn voi hoang không cho nó nhập bầy, hay nó tự thấy đã quen thuộc với việc hàng ngày được cán bộ trung tâm chiều chuộng, chăm bẵm. 

Ngay sau khi chăm sóc hai chú voi khôn lớn, gần lành các vết thương, cán bộ trung tâm đưa nó về với bố mẹ. Điều kỳ lạ là, không chú voi nào chịu về môi trường tự nhiên. “Đã 4 lần đưa nó về tự nhiên, nhưng nó lại không đồng ý. Chúng tôi dẫn Gôn đến bìa rừng, gần hồ nước nơi đàn voi thường xuyên qua lại. Ngày hôm sau, người dân phát hiện, rồi thông báo, Gôn vẫn còn lai vãng một mình bên hồ. Lần thứ hai, lần thứ ba và lần cuối cùng thì sự việc không ngờ tới, Gôn không chịu theo đàn voi rừng, mà quay lại với chúng tôi. Có lẽ, do quen với mùi “hơi” người, quen với cách chăm sóc đặc biệt mà nó không muốn về với tự nhiên nữa. Chúng tôi đã làm báo cáo gửi cơ quan chức năng trình báo sự việc, đang chờ hướng giải quyết. Trước mắt, Gôn sẽ được giữ lại trung tâm chăm sóc, theo dõi một thời gian nữa” – anh Ninh thông tin.

Ở Đắk Lắk hiện nay loài voi rừng và voi nhà đã giảm đi chóng mặt, đáng báo động. Tính đến thời điểm hiện tại, loài voi rừng còn khoảng từ 70 đến 80 cá thể, voi nhà khoảng trên 40 cá thể. Với đà này, nếu không có phương án bảo tồn, voi sẽ biến mất khỏi Tây Nguyên là điều có cơ sở. Do vậy, việc duy trì, phát triển giống nòi đàn voi là việc làm cấp thiết. Theo ông Huỳnh Trung Luân, thời gian tới Trung tâm bảo tồn voi sẽ triển khai dự án trao đổi gen với voi Thái Lan. “Chúng tôi sẽ trao đổi với Trung tâm bảo tồn voi Thái Lan thông qua chương trình trao đổi gen. Sẽ có 2 phương án. Thứ nhất, nhờ chuyên gia voi Thái Lan sẽ sang Việt Nam giúp voi phối giống. Trường hợp không thành công sẽ thực hiện phương án 2, mượn từ 1 đến 2 voi cái để phối giống. Hiện tại ở Đắk Lắk đa phần giống voi cái đã quá già. Để voi phối giống rất khó khăn. Đây là chương trình mang tầm Quốc gia, sắp tới chúng tôi sẽ làm báo cáo lên Bộ, để trình Chính phủ đề án này” – ông Luân nói.
 
Xuân Hiển – Long Vũ

Bạn đang đọc bài viết "Gian nan chăm sóc, bảo vệ đàn voi quý hiếm ở Đắk Lắk " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.