Giải mã bí ẩn nghìn năm tại ‘nghĩa địa’ dưới lòng biển Phú Quốc

23/06/2017 16:30

Theo dõi trên

Các chuyên gia khảo cổ đã công bố những phát hiện về di chỉ tàu đắm nằm lân cận quanh viền vùng nước nông của đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo tài liệu từ Bảo tàng tỉnh Kiên Giang ghi lại, cho đến nay nghành chức năng tỉnh này đã phát hiện được 4 di chỉ tàu đắm ở các điểm: Tàu đắm Hòn Dầm (Hòn Thơm); Tàu đắm Hòn Ông Đội (An Thới); Tàu đắm Phú Quốc (Phú Quốc); Tàu đắm Rạch Tràm (Bãi Thơm). Tất cả những nơi xác định có di chỉ tàu đắm đều nằm lân cận quanh viền vùng nước nông của đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Qua phân tích, những chuyên gia khai quật cho rằng, tàu đắm Hòn Thơm là một tàu buôn chở gốm từ Thái Lan xuất khẩu, bởi các dòng gốm từ các lò ở Shawankhalok và Shingburi của TK 15 (thuộc Thái Lan). Số hiện vật thu được tại di chỉ Hòn Dầm ngoài những loại hình tương tự ở Hòn Thơm, còn có một số mảnh bát sứ mang đặc điểm của đồ sứ lò Cảnh Đức Trấn (thời Minh, Trung Quốc). Nếu chỉ căn cứ vào số lượng ít ỏi này thì khó có thể nói đây hàng hóa xuất khẩu cùng với đồ gốm Thái Lan. Do toàn bộ hiện trường của cả 2 di chỉ đã bị phá hủy nghiêm trọng, nên các thông tin về cấu trúc và chủ nhân con tàu không thể xác định được một cách chắc chắn. Số hiện vật thu được trong thân tàu không nhiều và hầu hết đã bị vỡ nên chỉ có giá trị nghiên cứu và trưng bày.




Giải mã bí ẩn nghìn năm tại "nghĩa địa" dưới lòng biển Phú Quốc. Ảnh minh họa.

Báo Gia đình và Xã hội thông tin, gần đây, lần đầu tiên các chuyên gia khảo cổ tàu đắm nước ta công bố những thông tin về tàu đắm cổ Rạch Tràm (Phú Quốc, Kiên Giang). Địa điểm này được xem là nơi “an nghỉ” của chiếc tàu từ ngót 10 thế kỷ trước. Vào tháng 02/2000, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang phối hợp với Xưởng 58 (Hải quân vùng 5) tổ chức khai quật di chỉ tàu đắm này tại ấp Rạch Tràm (xã Bãi Thơm, sau đây gọi tắt là tàu đắm Rạch Tràm). Đây là di chỉ cổ được những thợ lặn phát hiện ra, tuy nhiên co họ không báo cáo lên các cơ quan chức năng, mà tự ý tổ chức nhiều cuộc lặn trộm vớt đồ cổ trong một thời gian dài nên gây hư hại. Những đồ gốm cổ đã bị lấy đi được xác định là gốm men ngọc có từ thế kỉ 12 -13 thời Nhà Tống (Trung Quốc).

Sau khi tiến hành thổi cát nhiều điểm trong phạm vi 500m2, mỗi điểm rộng 5m2, sâu từ 1,5-1,8m, đoàn khai quật đã xác định được vị trí tàu chìm ở dưới độ sâu khoảng 6m và chỉ cách bờ đảo chừng 200m. Kết quả khai quật cho thấy, di chỉ đã bị phá hủy nghiêm trọng. Dấu tích còn lại của con tàu chỉ là những tấm ván đáy tài rộng 70 – 80cm, dầy 40cm. Chiều dài của những tấm ván chạy song song với bờ đảo, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Như vậy có thể cho rằng, đó cũng chính là hướng nằm của tàu đắm khi chìm dưới đáy biển. Tuy nhiên, do không có điều kiện lần theo hết dấu vết của những tấm ván này nên không thể xác định được mũi tàu và đuôi tàu. Cũng cần nói thêm, lúc đó đoàn khai quật đã nhận định đây là một bè gỗ chở đồ gốm.

Trong khu vực tàu đắm hầu như chỉ còn lại những mảnh gạch và đồ gốm vỡ, gạch được xếp thành lớp sát ván đáy tàu. Riêng đồ gốm, căn cứ vào số lượng hơn hai trăm hiện vật thu được từ đợt khai quật hiện đang lưu giữu tại kho Bảo tàng Kiên Giang có thể thấy đồ gốm tàu đắm Rạch Tràm thuộc dòng gốm men ngọc.

Dáng hình tròn trịa, cân đối không một vết gợn nhỏ. Chứng tỏ đây là những sản phẩm được chế tạo kĩ lưỡng từ khâu lọc nhào nguyên liệu, tạo hình sản phẩm, chỉnh sửa hàng mộc cho đến khi xếp vào lò nung. Đáng chú ý trong đó có nhiều tiêu bản giữa lòng in nổi chữ Kim hoặc chữ Phúc. Đây là kiểu bát men ngọc điển hình được sản xuất thế kỉ 12 – 13, thời nhà Tống (Trung Quốc).

Các chuyên gia khai quật nhận định: Tàu đắm Rạch Tràm là một tàu buôn cổ chở gạch và đồ gốm men ngọc Trung Quốc, xuất khẩu vào thế kỉ 12 – 13. Theo các tàu liệu đã công bố thì Nhà Tống đặc biệt chú ý mở rộng giao lưu thương mại đường biển với các nước khu vực Đông Nam Á. Vì vậy có thể đoán, hành trình của con tàu này đang đi từ phía Bắc hướng Đông Nam sang Tây Nam, đến giao hàng một số nước như Thái Lan, Myanmar hoặc Ấn Độ.

Nhiều bằng chứng cho thấy hàng hóa Trung Quốc thời kì này có mặt ở khắp nơi quanh các vùng biển Sulu – Celebers – Maluccas (vùng eo biển Malacka ngày nay). Trong những đoàn tàu thương mại đó, thật không may khi tàu Rạch Tràm đã không tới được đích cần đạt đến mà phải nằm lại dưới đáy biển Phú Quốc ngót một nghìn năm.

Từ những hiện vật trên, các nhà nghiên cứu cho rằng, xưa kia vùng biển phía Nam chúng ta đã có vùng đô hội giao thương sầm uất.


Lê Cao

Nguồn: vietq.vn
Bạn đang đọc bài viết "Giải mã bí ẩn nghìn năm tại ‘nghĩa địa’ dưới lòng biển Phú Quốc " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.