Ông Vũ Ngọc Vân (81 tuổi, thôn Đông Thành, xã Đa Lộc) cho biết: Không ai biết chính xác đền thờ Đức Thánh Cả được xây dựng từ năm nào, chỉ biết đền được xây dựng dưới thời Nguyễn. Đền Chính trước đây có 5 gian, cấu trúc hình chữ Đinh bề thế, có bộ khung gỗ với nhiều mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Đền hiện nay không còn diện mạo đầy đủ như xưa, chỉ còn lại nghinh môn tương đối nguyên vẹn. Nghinh môn là một công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu của thời Nguyễn. Cổng có cấu trúc 3 tầng mái cong, tường hai bên đắp voi, ngựa đối xứng, các cột nanh có câu đối chữ Nho... đã góp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về đặc điểm kiến trúc cả giai đoạn lịch sử này trong nền kiến trúc dân tộc.
Nghinh Môn còn tương đối nguyên vẹn.
Không chỉ có giá trị về tín ngưỡng, kiến trúc, đền thờ Đức Thánh Cả còn là cái nôi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ông Vũ Ngọc Vân cho biết thêm: Trong chiến tranh, ngôi đền là nơi che chắn bom đạn cho dân làng, là nơi ẩn nấp của nghĩa quân Ba Đình, nơi tạm trú của các nhà hoạt động cách mạng trên đường từ Phú Lương về nhà Mẹ Tơm. Đây cũng là nơi tiến hành các hội nghị của tổ Đảng làng Khang Cù trong thời kỳ bí mật. Không những thế, những năm diệt giặc dốt, đền thờ này cũng là nơi để bà con tập trung mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, giác ngộ cách mạng...
Để lưu giữ những giá trị văn hóa và lịch sử cho hậu thế, năm 2005, đền Đức Thánh Cả được nhân dân xã Đa Lộc và quý khách thập phương đóng góp xây dựng lại. Đến nay ngôi đền cũng đã được mở rộng thêm nhiều hạng mục như: Điện Ngọc, chùa Trường Khánh, xây dựng cầu đá bắc qua ao... Năm 2010, đền thờ Đức Thánh Cả đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và đang được chính quyền và nhân dân trong xã gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị linh thiêng, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.