Ghi nhận ở Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu

22/12/2015 14:23

Theo dõi trên

Với cách làm đúng hướng, học đi đôi với hành, liên doanh liên kết trong đào tạo, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác đào tạo, 85% học viên có việc làm sau đào tạo và có thu nhập ổn định.

“Những năm gần đây, Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã phát triển với các mô hình dạy nghề năng động, linh hoạt gắn đào tạo với sử dụng lao động theo hướng cầu của thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, mô hình dạy nghề kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu”, ông Nguyễn Nhã Sơn – Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu trao đổi với PV PhuongNam.Net.Vn.


Ông Nguyễn Nhã Sơn - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Diễn Châu

Theo ông Sơn, Trung tâm đã làm tốt công tác dạy nghề thường xuyên, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho học viên. Năm 2015, đào tạo 30 học viên hàn công nghệ cao 3G, 6G cung cấp cho các khu công nghiệp Vũng Áng, Nghi Sơn và xuất khẩu lao động có tay nghề cao sang Trung Đông, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.

Đào tạo và tuyên truyền về an toàn giao thông cho 12 khóa học với 2430 học viên lái xe mô tô hạng A1. Tư vấn hướng nghiệp cho hơn 7.000 học sinh và phụ huynh tại các xã trên địa bàn huyện Diễn Châu. Tổ chức dạy nghề phổ thông cho 13 lớp với 475 học sinh trường THPT Nguyễn Xuân Ôn học nghề Tin học và trồng lúa. Giới thiệu việc làm cho hơn 200 học viên vào Công ty may Nam Sung vina, công ty TNHH Thảo My (Diễn Ngọc), Công ty May Thành Đạt (Diễn Cát) và Công ty may Mạnh Thành (Diễn Hồng) và một số công ty khác trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó đã liên kết với Công ty Vilexim, Sona, Sông Đà, Việt - SEE và một số Công ty khác để tư vấn, tuyển dụng đi lao động tại nước ngoài cho hơn 300 người trong đó đã tham gia xuất khẩu tại Nga là 5 người, tại Malaysia là 1 người, tại Trung Đông 5 người, Nhật bản 5 người, 2 người du học tại Đức.

Trung tâm cũng đã liên kết đào tạo với với các đơn vị như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, Trường CĐ nghề số 4… Đến nay, có 15 lớp liên kết đào tạo, gồm Đại học mầm non, Hàn công nghệ cao, trung cấp nấu ăn, trung cấp mầm non, lớp phân luồng sau THCS, ô tô hạng B,C với 464 học viên.

"Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Diễn Châu đã tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới", ông Sơn khẳng định.

Hiện nay, Trung tâm có 30 lớp với 1052 học viên với các nghề may công nghiệp, SC máy NN, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, trồng nấm, đan chổi đót cho Hội người mù, sử dụng và sửa chữa máy tính… Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 85%, đặc biệt là nghề hàn, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, đan chổi đót với tỷ lệ gần 100% có việc làm.



Một giờ thực hành của học viên

Theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm vẫn gặp rất nhiều khó khăn như công tác tuyển sinh gặp khó do nhận thức về học nghề của phụ huynh học sinh và xã hội còn hạn chế. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn về trình độ, độ tuổi không đồng đều, việc duy trì sĩ số chấp hành giờ giấc của người học chưa tốt. Vấn đề giải quyết việc làm sau khi đào tạo còn nhiều khó khăn, chưa ổn định, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, đội ngũ giáo viên dạy nghề đang thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị của một số nghề chưa đổi mới kịp với ngành nghề, đặc biệt là nơi ăn ở của học viên chưa có…

Ông Sơn khẳng định: “Năm 2016, phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, Trung tâm dạy nghề Diễn Châu tiếp tục phối hợp, liên kết với các tổ chức, đơn vị và ban ngành các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ dạy nghề và triển khai có hiệu quả Đề án 1956 nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò của công tác đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao quy mô, số lượng các nghề đào tạo từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề, mở rộng những ngành nghề có xu hướng phát triển và có nhu cầu lao động cao ở địa phương, các nghề phục vụ cho xuất khẩu lao động. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hoàn chỉnh, mua sắm trang thiết bị dạy nghề đồng bộ và xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm tăng cường năng lực đào tạo nghề. Tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp trung tâm trở thành trường trung cấp nghề và phấn đấu đạt các tiêu chuẩn của một trường nghề theo quy định”.


Nguyễn Song

Bạn đang đọc bài viết "Ghi nhận ở Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.