Ghi nhận mô hình kinh tế ở HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Sơn

24/08/2015 16:35

Theo dõi trên

Nằm cách trung tâm huyện Vũ Quang 20km về phía Nam, xã Ân Phú là một xã miền núi nghèo, đời sống nhân dân còn thấp. Với mong muốn thoát nghèo và tạo công ăn việc làm trên địa bàn, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Sơn đã ra đời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn xã nhà.

Từ một vùng đồi núi hoang vu, anh Nguyễn Văn Xoan và các xã viên của HTX Phú Sơn đã xây dựng nên một trang trại tổng hợp với các tiểu mô hình kinh tế hiệu quả. HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Sơn thành lập vào tháng 7/2012 với 7 thành viên.

Sau hơn ba năm thành lập vượt qua muôn vàn khó khăn với sự nỗ lực của các thành viên HTX và được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo ban ngành ở địa phương, hiện nay HTX đã hoạt động ổn định và phát triển. Quản lý 67 ha đất, ngành nghề chính của HTX là chăn nuôi. Trong đó ao cá chiếm 4 ha, chăn nuôi lợn nái chiếm 8 ha, trồng chanh cam 9 ha, diện tích còn lại là trồng cây lâm nghiệp.



Khuôn viên HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Sơn.

Về chăn nuôi lợn, HTX có tổng đàn nái cặp bố mẹ 450 con, mỗi năm sản xuất khoảng 10000 lợn giống siêu nạc, siêu phẩm và hàng năm cung cấp lợn giống cho toàn tỉnh. Ngoài chăn nuôi lợn, HTX còn nuôi15 con hươu, bò lai sin 20 con, lợn rừng 100 con, gà trên 1000 con.

Đặc biệt, HTX đã áp dụng các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi trang trại. Trang trại áp dụng quy trình công nghệ hoàn chỉnh, khép kín phù hợp với quy mô sản xuất và môi trường, khí hậu tại địa phương. Trang trại được trang bị những thiết bị hiện đại như sàn lồng lợn chửa, đẻ, hệ thống cấp, dẫn nước và núm tự động, hệ thống làm mát bằng nước và quạt thông gió, quạt phun sương. Hàng tuần HTX tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại cùng với đó công nhân trước khi vào làm việc đều được phun khử trùng.

Bên cạnh đó, HTX đã làm hầm Bioga với thể tích 6000 khối. Với việc xây dựng hầm Biogas không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có giá trị cao về kinh tế. Ngoài việc giảm thiểu mùi hôi khó chịu trong chăn nuôi, chất thải đầu ra hầm biogas còn là nguồn phân hữu cơ tốt cho việc trồng trọt. Sử dụng khí gas sinh học từ biogas cũng góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hạn chế sử dụng củi và các nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ khí sinh học biogas là một trong những giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn chất thải chăn nuôi cũng như chất thải sinh hoạt tại nông thôn.

Với việc chăn nuôi, trồng trọt nhiều giống, loại như vậy, ông Xoan cho biết, doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 8 tỷ đồng, lợi nhuận 1.2 tỷ đồng. Đơn vị đã giải quyết công ăn việc làm cho 20 lao động trong đó 2 nhân công trình độ chuyên môn là đại học, 4 nhân công tốt nghiệp trung cấp, còn lại là lao động phổ thông với mức thu nhập bình quân từ 4.5 - 5 triệu đồng/người/ tháng.



Hệ thống chăn nuôi lợn được trang bị các thiết bị hiện đại như quạt mát, quạt phun sương.

Hiện tại, HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp đang triển khai mở rộng diện tích chăn nuôi, xây dựng chuồng nái cặp bố mẹ lên 600 con, nuôi thêm 1000 con chim bồ câu và trồng thêm 5 ha cây chanh leo, 4 ha cây cam. Bên cạnh việc phát triển về tổng đàn và chủng loại HTX đã chú trọng đến công tác tiêm vacxin phòng dịch hàng tuần, hàng ngày như lở mồm long móng, tụ huyết trùng…

Hàng năm HTX cũng đã trích ra khoảng 20 triệu đồng để tổ chức hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội với hy vọng một phần nào đó giúp đỡ những đối tượng còn khó khăn trong cuộc sống.

Chia sẻ bí quyết thành công của mình, anh Xoan cho biết nhờ có chính sách phát triển kinh tế theo mô hình của chương trình xây dựng nông thôn mới nên sựhoạt động của HTX gặp thuận lợi rất nhiều.

Sự thành công của HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Sơn sẽ là mô hình phát triển kinh tế trang trại đáng để cho nhiều địa phương học tập và đây cũng là một hướng đi mới giúp nông dân Vũ Quang khai thác tiềm năng lợi thế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.


PV

Bạn đang đọc bài viết "Ghi nhận mô hình kinh tế ở HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Sơn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.