Từ tháng 1/1971, khi quân đội Mỹ cùng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đưa hơn 31.000 quân sang Nam Lào hòng chặt đứt đường Trường Sơn - tuyến chi viện chiến trường miền Nam của ta, dân số Việt kiều tại Pakse tăng lên.
Từ năm 1975 đến nay, do chính sách cởi mở giữa 2 quốc gia, nhiều người Việt sang Lào làm ăn và định cư. Không ít người đã chọn Pakse làm quê hương thứ hai.
Lần đầu tiên sang Pakse, người Việt sẽ không bỡ ngỡ vì khác biệt ngôn ngữ, bởi ở bất cứ đâu cũng có thể gặp đồng hương người Việt. Ngoài Xóm Nhà Đèn - nơi có ngôi chùa Long Vân - còn có 6 xóm người Việt sung túc khác gồm: Xóm Bạn Thùng, Xóm Đá, Xóm Noon Dù, Xóm Lò Gạch (Tân An), Xóm Tân Phước, Xóm Thà Hín.
Trong cộng đồng người gốc Việt nơi đây đã có nhiều nhân vật tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực, được Chính phủ Lào vinh danh. Và Xóm Tân An được xem là xóm hiếu học nhất Pakse.
Xóm Tân An có tên cũ là Xóm Lò Gạch, xa xưa còn có tên là Xóm Chài. Người Lào gọi xóm này Bun U Đum, nghĩa tiếng Việt là xóm trảng (vùng đất thấp thường bị ngập nước), bởi nó nằm ven bờ hợp lưu 3 nhánh sông Sôp Sê, Nặm Khoong và Se Dan, thường xuyên ngập lụt. Từ thuở sơ khai, người vạn chài chọn nơi đây lập làng nên tên đầu tiên của xóm này là Xóm Chài. Từ thập niên 1950, một số người từ Sài Gòn sang đây mở lò gạch nên có tên gọi mới là Xóm Lò Gạch. Tên gọi Tân An bắt đầu được sử dụng vào khoảng năm 1954 khi một nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng. Nhà thờ mở một trường tiểu học dạy song ngữ Lào – Việt.
Do đa số người Việt theo đạo Phật, dần dà nhà thờ bị bỏ hoang nhưng ngôi trường vẫn tiếp tục được các thế hệ người Việt góp sức gìn giữ.
Tuy nhiên, ngôi trường chỉ dạy cấp sơ học, học sinh muốn tiếp tục học cao hơn phải thi vào trường Pháp. Người đầu tiên của Xóm Tân An được đăng khoa là bác sỹ Đặng Ngọc Huỳnh. Nhờ học giỏi, ông được chính phủ Lào tài trợ toàn phần học y khoa tại Pháp. Sau đó, nhiều người gốc Việt ở đây đỗ đạc Tiến sỹ, Thạc sỹ ở nước ngoài.
Nối tiếp truyền thống hiếu học, ngày nay Xóm Tân An là nơi có tỷ lệ cử nhân cao nhất Pakse. Hầu như nhà nào cũng có người đã hoặc đang học Đai học, trên Đại học. Nhiều người vẫn kể cho nhau nghe về gương hiếu học của Tiến sỹ Nguyễn Viết Sơn (sinh năm 1980), Thạc sỹ Phan Văn Thuận (sinh năm 1979), Thạc sỹ Đặng Thị Sang (sinh năm 1986), Đặc biệt cả 3 người con của ông Hoàng Nhỡ gồm: Tiến sỹ Xổm Phon (Sinh năm 1969), Tiến sỹ Xuc Xa Văn (sinh năm 1972), Thạc sỹ Phet Tha Văn (sinh năm 1974).
Người gốc Việt ở Pakse không chi thành danh từ con đường học vấn mà còn nỗi tiếng ở các lĩnh vực khác như ca sỹ Phương Lai (tên Lào là Xi Olien); ca sỹ Mai Quê; nữ thi sỹ Kim Hoa; võ sỹ Long Sắc – Vô địch Muay Thái tại Lào năm 1974 và vô địch Muay Thái tại Thái Lan năm 1975 (Long Sắc là con trai võ sư Lý Thùy ở Xóm Tân An)….
Trung tâm Pakse có một ngôi chợ sầm uất nhất do người Việt xây dựng. Đó là chợ Đào Hương. Chủ ngôi chợ là bà Lê Thị Lượng, thường được dân Lào gọi là Lượng Lít Đặng, người gốc Huế. Chồng bà là bác sỹ Đặng Đỗ Hảo.
Cha mẹ bà Lượng đều thuộc diện theo gia đình sang Lào định cư từ trước năm 1945, khi còn nhỏ. Cha mẹ bà trưởng thành trên đất Lào, quen nhau và cưới nhau tại Lào. Bà sinh ra tại Lào nên không bở ngỡ với nếp sống hồn hậu, ôn hòa của người dân bản địa.
Thuở nhỏ, do nhà nghèo, bà Lượng chỉ học đến lớp 6 phải đi ở đợ, làm thuê, bán dạo bánh chuối chiên, kiếm tiền giúp cha mẹ nuôi 8 đứa em. Vào tuổi thiếu nữ, bà bán thịt heo, thịt bò ở chợ chồm hổm. Năm 26 tuổi, bà mang nợ vì sạp thịt ế ẩm đành rời Pakse lên thành phố Vienchan – Thủ đô Lào - bán bánh gai.
Đến năm 1980, bà kết duyên với bác sỹ Đặng Đỗ Hảo. Bà trở về Pakse gầy dựng sự nghiệp từ nghề bán bánh mứt. Tích lũy kinh nghiệm kinh doanh từ những lần thất bại và học hỏi từ môi trường Vienchan, lần gây dựng này, bà đẩy mạnh thương hiệu món bánh truyền thống xứ Huế, đặc biệt là bánh gai. Bà chiếm lĩnh thị trường bánh Pakse, mở rộng ra tỉnh Champasak rồi xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Thailan. Khi vốn đã dầy, bà mở rộng lĩnh vực thương mại sang tất cả các mặt hàng thiết yếu đời sống và chính thức lập công ty mang tên thuần Việt vào ngày 1-1-1991: Công ty Đào Hương. Với chủ trương bán rẻ, lời ít, quay nhanh đồng vốn, bà nhanh chóng trở thành đầu mối cung ứng hàng hóa cho hầu như tất cả những cửa hàng bách hóa bán lẻ trong khu vực.
Từ thuở lập địa, trung tâm Pakse có một ngôi chợ làng của tiêu thương gốc Việt. Khi Pakse trở thành đô thị, ngôi chợ cũng trở nên náo nhiệt nhưng vẫn mang kiểu chợ làng, xây cất quầy sạp tạm bợ. Do tiểu thương bất cẩn, ngôi chợ bị hỏa hoạn thiêu rụi. Năm 1998, bà đầu tư xây lại ngôi chợ bằng kiến trúc kiên cố trên nền chợ cũ với kinh phí dầu tư hơn 5 triệu USD, lấy tên là chợ Đào Hương. Chợ khánh thành năm 2001. Tuy bỏ tiền ra xây chợ nhưng bà không đầu tư kinh doanh tại đây. Mục đích xây chợ của bà là hỗ trợ tiêu thương có chỗ buôn bán nên giá thuê sạp rất rẻ.
Năm 2000, nhận thấy cây cà phê Việt có vị trí đứng trên thương trường quốc tế, bà quyết định đầu tư hơn 300 ha vùng nguyên liệu hạt cà phê, xây dựng xưởng chế biến với số vốn 2 triệu USD. Ít lâu sau, thương hiệu cà phê Đào Hương chiếm lĩnh một góc thị trường Châu Âu với sản lượng hơn 10.000 tấn/ năm.
Thành đạt và giàu có, vẫn không quên những ngày tháng nghèo khổ, lòng từ tâm của bà luôn hướng về những cảnh đời của tầng lớp thấp trong xã hội và đồng hương. Bà thực hiện rất nhiều những chương trình từ thiện như xây bệnh viện, trường học miễn phí. Vì vậy, không chỉ những người Lào gốc Việt mà những người Lào bản địa cũng quý trọng bà./.