Thanh Chương

Ghé thăm miền Tây xem Lễ hội đặc sắc

06/10/2016 17:05

Theo dõi trên

Lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu mùa của cộng đồng người Khmer ở miệt Sóc Trăng, Trà Vinh cùng với những hoạt động hội hè sôi động diễn ra vào dịp trăng tròn tháng 10 Âm lịch sắp tới sẽ mang lại những sắc thái quyến rũ đặc biệt cho mảnh đất miền Tây trù phú.

Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Vì thế, vào dịp rằm tháng 10 Âm lịch, lúc thần mặt trăng lên cao, người ta sẽ đem dâng cúng các sản vật của mùa màng vừa thu hoạch như cốm dẹp, chuối, mía… với nghi thức cúng trăng diễn ra tại sân chùa của mỗi phum sóc.

Được diễn ra từ ngày 13 - 14/11, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer còn có không khí mở với các hoạt động đặc sắc mang tính cộng đồng như hội đua ghe ngo, hội thi thả đèn nước...




(Ảnh: Làng Việt)

 
Sắc thái đặc trưng của người Khmer còn được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh những ngôi chùa Nam tông Khmer.

Tới đây chúng ta không thể không đặt chân đến hai ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất là Khleang và Mahatup tại Sóc Trăng.

Được xây dựng vào giữa thế kỷ 16, chùa Khleang ấn tượng với bức tượng Phật cao 6,8 m được đúc vào năm 1916, nằm ở chính điện.

Còn chùa Mahatup (chùa Dơi) nổi tiếng là một quần thể kiến trúc đẹp và độc đáo bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi chùa cổ kính hơn 400 năm tuổi, bộ kinh Phật được viết trên lá cây thốt nốt vô cùng độc đáo, và đặc biệt là được nhìn ngắm đàn dơi hàng trăm nghìn con đang cư ngụ trong khuôn viên chùa cùng hàng ngàn bảo vật quý gồm tượng Phật và bộ tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng được nặn bằng đất sét.

Ngoài tập trung cho Hội Đua ghe Ngo từ ngày 13/11 đến 14/11, nhiều chuỗi hoạt động sẽ diễn ra liên tục từ ngày 8 - 14/11/2016 tại thành phố Sóc Trăng như hội chợ Thương mại - Triển lãm - Du lịch và hội thi ẩm thực 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với chủ đề Hương vị quê hương; hội thi Thả đèn nước và phục dựng Ghe Cà Hâu; lễ Cúng Trăng; hội thi trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc; triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh; chương trình văn nghệ hằng đêm; hội thi “Gạo ngon, lúa thơm Sóc Trăng”; hội thảo khoa học Phổ biến và chuyển giao kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn v.v…


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Ghé thăm miền Tây xem Lễ hội đặc sắc" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.